Năm mươi năm đã qua nhưng với nhiều thế hệ người Hà Nội, kỷ niệm hào hùng từ nửa thế kỷ trước vẫn còn nguyên vẹn. Đó là 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, khi Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc phải căng mình chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở thời điểm căng thẳng nhất, khi Mỹ huy động máy bay B52 ném bom hòng “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”. Đó cũng là những ngày quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng.
Đoàn ca nhạc Đài TNVN đang biểu diễn. |
Bên cạnh những chiến công vang dội của quân và dân ta, người Hà Nội không quên khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom”, trong đó nổi bật vai trò của Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) - đơn vị xung kích có nhiệm vụ gửi đến đồng bào, chiến sĩ cả nước và bè bạn quốc tế những bài ca có giai điệu trong sáng và hào hùng, thể hiện lòng yêu nước và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Những ngày ấy, qua làn sóng phát thanh, đồng bào, chiến sĩ cả nước như được tiếp thêm sức mạnh và lòng tự hào khi nghe những ca khúc của các nhạc sĩ Việt Nam, những sáng tác thật kịp thời cổ vũ quân và dân ta “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Các nghệ sĩ Đài TNVN như những chiến sĩ thầm lặng nơi hậu phương. Đặc biệt, khi giặc Mỹ sử dụng “pháo đài bay” B52 ném bom rải thảm Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc, Đài TNVN đã có sự thay đổi thích hợp để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nửa thế kỷ đã qua, gặp chúng tôi, nghệ sĩ Minh Hùng (saxophone) bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm không thể nào quên. Để ứng phó với tình hình mới sau khi Mỹ ném bom ga Hàng Cỏ, Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai ngay gần cơ sở làm việc của đơn vị, Đài TNVN đã sơ tán về xã Rổng Vòng, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Đây là nơi rất đặc biệt, bên cạnh con suối nước trong và bên kia là quốc lộ 6. Toàn bộ nghệ sĩ, diễn viên của Đài được chính quyền địa phương bố trí ở chung với đồng bào, nguồn nước ăn và sinh hoạt đều nhờ con suối và vì không có nhà tắm riêng nên đơn vị phải có quy định giờ tắm suối riêng cho nam và nữ. Các nghệ sĩ dần quen với làn nước lạnh ngắt từ trong khe núi chảy ra cũng như rừng nứa có rất nhiều vắt trong những ngày mưa gió...
Việc tập luyện và thu thanh vẫn là quan trọng nhất. Tại địa điểm sơ tán có một hang đá khá rộng, đủ sức chứa cho cả Ban Ca nhạc của Đài. Kế bên là đơn vị bộ đội và nhờ thế, Đài TNVN được hỗ trợ thêm về ánh sáng. Hang rộng và thật tuyệt vời là có độ vang như trong phòng thu ở phố Quán Sứ. Lúc mới đến đây, nhạc sĩ - chỉ huy dàn nhạc Cao Việt Bách đã lấy hơi hú dài để thử độ vang của hang. Mọi người đều phấn khởi, nên chỉ sau vài ngày, việc thu thanh tại hang đá do hai kỹ thuật viên Như Bích và Thu Dung đã hoàn tất.
Ngày ấy, Ban Biên tập Đài TNVN vẫn ở phố Bà Triệu, đài phát chia làm 2 nơi là Mễ Trì và Bà Triệu. Một số cán bộ, biên tập viên, phóng viên vẫn bám trụ tại khu 128C Đại La, chính nơi này từng bị một quả bom Mỹ rơi xuống sân và cắm sâu trong lòng đất, may mà không nổ.
Những ngày tháng gian nan ấy thật vui và đáng tự hào. Đài TNVN có những nghệ sĩ lớn tuổi như các nhạc sĩ Cầm Phong, Hoàng Hà, Phạm Tuyên, Văn Dung, Cao Việt Bách, Trần Khánh, Trần Thụ, Kim Oanh, Tuyết Thanh, Tiến Thành, Tuyết Nhung, Đăng Khoa. Có các nghệ sĩ già như cụ Sợi, cụ Cước, cụ Cách; nghệ sĩ trẻ thì có Hương Giang, Quốc Trường, Minh Hùng, Thúy Lan... Tất cả hòa mình vào cuộc sống vất vả ở nơi sơ tán, không hề nản chí. "Tiêu chuẩn thanh sắc" dành cho giới nghệ sĩ đã bị cắt do khó khăn chung, duy tiêu chuẩn gạo 17,5kg/tháng được giữ nguyên. Cả đơn vị không có một chiếc xe hơi nào, khi cần đi đâu thì ai có xe đạp người nấy đi, kể cả lúc về thăm nhà ở Hà Nội cách xa hơn 50km. Gian nan vất vả là thế, vậy mà chẳng ai ốm đau, có bạn nói vui “không ai dám ốm, vì lấy đâu ra thuốc". Và cũng chính trong những ngày gian nan ấy, trên sóng phát thanh đã vang lên những bài hát không thể nào quên, như “Hà Nội - Điện Biên Phủ” (Phạm Tuyên), “Hà Nội niềm tin và hy vọng” (Phan Nhân), “Bài ca Hà Nội” (Vũ Thanh)... cùng nhiều bài hát xuất sắc khác được tập luyện và thu thanh tại hang đá lịch sử này. Liệu có mấy ai biết để tạo ra những sản phẩm ấy, các nghệ sĩ TNVN đã dũng cảm lao động và sáng tạo như thế nào?!
Mùa thu năm ngoái, chúng tôi có dịp ghé thăm địa điểm sơ tán của Đài TNVN trong thời kỳ cuối cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ. Chỗ ấy giờ đã trở thành sân golf Phượng Hoàng. Hôm ấy, chúng tôi may mắn gặp được một số người cao tuổi ở địa phương. Các cụ - những chứng nhân của một giai đoạn lịch sử của Đài TNVN - đã tự hào nhắc lại những ký ức vui vẻ và cảm động về những nghệ sĩ năm xưa đã cùng sống với đồng bào, cùng cất cao “tiếng hát át tiếng bom” và cùng mơ ước về ngày vui thống nhất đất nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin