Câu chuyện âm nhạc: Mỗi người hãy là “Một mùa xuân nho nhỏ”

Theo HNM 09:28, 15/01/2023

Mỗi khi xuân về, bài hát “Một mùa xuân nho nhỏ” lại vang lên làm xao xuyến lòng người: “Mùa xuân người cầm súng/ Lộc giắt đầy trên lưng/ Mùa xuân người ra đồng/ Lộc trải dài nương lúa/ Đất nước bốn ngàn năm/ Vất vả và gian lao/ Đất nước như vì sao/ Vững vàng phía trước”…

Ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca Huế và ví giặm Nghệ Tĩnh, bay bổng, ngọt ngào: “Mùa xuân, mùa xuân/ Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Mùa xuân, mùa xuân/ Mùa xuân tôi xin hát/ Khúc Nam ai, Nam bằng/ Nước non ngàn dặm mình/ Nước non ngàn dặm tình/ Đất Huế nhịp phách tiền”...

Nhạc sĩ Trần Hoàn.
Nhạc sĩ Trần Hoàn.

Sinh thời, nhạc sĩ Trần Hoàn kể: Cuối năm 1980, bạn ông là nhà thơ Thanh Hải ốm nặng. Có lẽ biết mình khó qua khỏi, Thanh Hải đã trao cho ông bài thơ “Một mùa xuân nho nhỏ” và muốn ông phổ thành bài hát. Đồng cảm với tứ thơ sâu sắc: Mỗi người chúng ta hãy làm một việc có ích dù nhỏ, như “làm một nhành hoa”, một “con chim hót”, “một nốt trầm” trong bản đại hợp xướng của dân tộc để làm nên mùa xuân đất nước, góp sức xây dựng cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn, nhạc sĩ Trần Hoàn đã sáng tác ca khúc “Một mùa xuân nho nhỏ” trong một thời gian rất ngắn. Ca khúc đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng, nhanh chóng được đông đảo công chúng yêu thích và vang lên mỗi độ Tết đến xuân về.

Nhạc sĩ Trần Hoàn (1928 - 2003) tên thật là Nguyễn Tăng Hích, bút danh Hồ Thuận An, quê Hải Lăng, Quảng Trị. Ông tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi, trải qua nhiều cương vị lãnh đạo: Giám đốc Sở Văn hóa Hải Phòng, Trưởng ty Thông tin Bình Trị Thiên, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng (khóa VI, VII), đại biểu Quốc hội khóa VIII, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, Phó Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương…

Nhạc sĩ Trần Hoàn nổi tiếng với các tác phẩm, như: “Sơn nữ ca”, “Lời người ra đi”, “Lời ru trên nương” (thơ Nguyễn Khoa Điềm), “Thăm bến Nhà Rồng”, “Tình ca mùa xuân”, “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh” (thơ Đỗ Quý Doãn), “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”… Ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (năm 2001) cùng nhiều huân, huy chương cao quý khác.