Gìn giữ "bách khoa thư" của đồng bào Mường

Theo NDĐT 06:23, 18/02/2023

Mo Mường là di sản chứa đựng giá trị của nhiều loại hình văn hóa dân gian: văn học, diễn xướng, âm nhạc, múa và sân khấu, tín ngưỡng, tri thức dân gian... Trong đó, lời mo chính là những áng văn có dung lượng khổng lồ, chứa đựng những giá trị nhân văn, văn hóa, lịch sử, nhân sinh quan, vũ trụ quan… của đồng bào dân tộc Mường. Tuy nhiên, Mo Mường đang đứng trước nhiều thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị.

Thực hành nghi lễ khai hạ của Mo Mường ở Hòa Bình. (Ảnh KHÁNH LINH)
Thực hành nghi lễ khai hạ của Mo Mường ở Hòa Bình. (Ảnh KHÁNH LINH)

Từ lúc sinh ra, lúc trưởng thành cho đến khi qua đời, ở tất cả những thời điểm quan trọng trong cuộc đời của người Mường, luôn có sự hiện diện của các nghi lễ Mo Mường. Mo là "bách khoa thư" về cuộc sống của đồng bào Mường.

Bao hàm nhiều giá trị độc đáo

Hôm nay, thầy mo Nguyễn Đình Đương (thôn Yên Thắng, xã Ngọc Trung, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) "lên lớp" cho 20 học trò về Mo Mường. Lớp học được tổ chức miễn phí. Nhưng thầy Đương vui lắm. Năm nay 83 tuổi, nhưng giọng thầy sang sảng, ánh mắt rạng rỡ. Thầy không chỉ giảng giải các bài Mo cụ thể, mà đến bài Mo nào thầy lại nói những chuyện cũ, tích xưa. Đó là những câu chuyện kể từ khi tổ tiên xa xưa trong thời "Đẻ đất, đẻ nước" (áng sử thi về sự hình thành thế giới, sự ra đời của muôn loài… của người Mường). Thầy Đương là thế hệ thứ năm trong gia đình nhiều đời làm thầy mo. Thầy Đương chia sẻ: "Có quãng thời gian xã hội "quay lưng" với Mo Mường vì hiểu lầm là mê tín, dị đoan. Tôi chẳng ngờ sẽ có được ngày hôm nay. Học viên trong lớp của tôi ở nhiều độ tuổi, nghề nghiệp khác nhau. Điều đó cho thấy nhiều người quan tâm đến Mo Mường. Tôi đã cao tuổi rồi, nên cố gắng truyền dạy tất cả những gì mình biết. Điều quan trọng là phải để học viên hiểu được lịch sử, những câu chuyện xa xưa của tổ tiên, từ đó thì mới gìn giữ Mo Mường". Thanh Hóa có khoảng 400 nghìn đồng bào Mường cư trú chủ yếu ở 11 huyện miền núi. Dù Mo Mường trải qua những thăng trầm lịch sử khác nhau, nhưng ở mảnh đất này, thầy Nguyễn Đình Đương vẫn là một trong 184 thầy mo nắm giữ di sản Mo Mường. Ngoài ra còn gần 100 người là học viên.

Đồng bào Mường xứ Thanh và đồng bào Mường Hòa Bình có mối liên hệ chặt chẽ. Nhiều người Mường ở Thanh Hóa vốn di cư từ Hòa Bình vào. Hòa Bình chính là cái nôi của văn hóa Mường, nơi tập trung bốn Mường nổi tiếng: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động (tương ứng với các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong và Kim Bôi ngày nay). Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình) Bùi Kim Phúc cho biết: "Mo Mường là nhân tố quan trọng hình thành nên cốt cách, tâm hồn cũng như văn hóa, lịch sử của dân tộc Mường ở Hòa Bình. Trước đây, Mo Mường được thực hành trong 23 nghi lễ của đồng bào dân tộc Mường, gồm: Tang lễ, nhóm nghi lễ cầu phúc lộc; nhóm nghi lễ thờ linh hồn con người và nhóm nghi lễ trừ tà. Hiện giờ, dù còn nhiều khó khăn, nhưng địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện có 190 thầy mo".

Ngày trước, nhiều người quan niệm Mo Mường là nghề nghiệp của các thầy mo trong những nghi lễ, chủ yếu liên quan đến vòng đời của con người. Song, ngày nay, các nhà khoa học đánh giá, đây là một loại hình di sản văn hóa đặc biệt. Mo Mường bao gồm ba lĩnh vực chính cấu thành: Lời mo và diễn xướng, môi trường diễn xướng và con người thực hành diễn xướng mo (nghệ nhân mo). Ở góc độ di sản, Mo Mường chứa đựng giá trị của nhiều loại hình văn hóa dân gian: văn học, diễn xướng, âm nhạc, múa và sân khấu, tín ngưỡng, tri thức dân gian. Trong đó, lời mo chính là những áng văn có dung lượng khổng lồ, chứa đựng những giá trị nhân văn, văn hóa, lịch sử, nhân sinh quan, vũ trụ quan. Đây chính là bộ "bách khoa thư dân gian" về dân tộc Mường, những gì có ở người Mường đều được phản ánh trong Mo Mường. Có nhiều loại hình mo khác nhau như: Mo kể chuyện (mo sử thi), mo nghi lễ (gắn với các nghi lễ tín ngưỡng), mo nhòm (mo tả cảnh)…

Hiện cả nước có bảy tỉnh, thành phố còn Mo Mường. Ngoài Thanh Hóa, Hòa Bình, còn có các tỉnh: Ninh Bình, Phú Thọ, Hà Nội, Đắk Lắk, Sơn La. Tại Hà Nội, Mo Mường trên địa bàn ba huyện Thạch Thất, Ba Vì, Quốc Oai vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Số lượng thầy mo trên địa bàn thành phố Hà Nội không còn nhiều, nhưng đáng chú ý, có những thầy mo tuổi đời còn rất trẻ như thầy mo Đinh Xuân Nam ở thôn 2 (xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất). Năm nay thầy Nam mới tròn 30 tuổi. Từ khi còn nhỏ, thầy mo Nam đã chứng kiến cảnh ông nội cúng mo cho nên sớm thuộc hầu hết những "roóng mo". Những ngày đầu năm này, thầy mo Nam rất bận rộn khi các gia đình mời đi cúng cho các lễ cầu an. Thầy chia sẻ: "Khi hiểu về Mo Mường, mọi người sẽ thấy không chỉ có những giá trị về lịch sử, mà các bài mo còn mang ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa giáo dục cao. Trong tang ma, khi đưa người quá cố về nơi an nghỉ, có bài mo cửa lìa. Đó là bài mo người quá cố chia tay vợ chồng, con cái, dặn dò con cháu ngày sau làm ăn ra sao, trông nom họ mạc thế nào… rất là xúc động. Tôi gắn bó với Mo Mường không chỉ vì nghề nghiệp mà còn vì những ý nghĩa như thế".

Khẩn trương triển khai các biện pháp bảo vệ

Giá trị của Mo Mường đã được khẳng định. Song thực tế, việc thực hành, gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của Mo Mường đang dần bị thu hẹp và có nguy cơ mai một. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi này, trước hết là do một thời gian dài bị gián đoạn, bị hiểu lầm là mê tín, dị đoan, nghệ nhân dân gian không có môi trường thực hành nên nhiều bài mo rơi vào quên lãng; tiếp đó, là sự thay đổi về lối sống, sinh hoạt của chính đồng bào Mường. Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Lan Anh cho biết: "Nghi thức tang ma - nơi thực hành Mo Mường một cách sinh động nhất, nhưng lại có nhiều nghi lễ khiến thời gian tang ma kéo dài. Điều này không phù hợp với nếp sống văn hóa mới. Khi vận động xây dựng việc tang văn minh, tiến bộ, việc điều chỉnh là cần thiết. Nhưng một số cán bộ địa phương không nhận thức đầy đủ nên đã "cắt xén" quá mức, điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến bảo tồn Mo Mường". Khảo sát của ngành văn hóa tỉnh Hòa Bình cho thấy, hiện nay, trên chính đất Mường Hòa Bình, khoảng 25% số người dân không quan tâm đến giá trị Mo Mường. Việc đào tạo, truyền dạy Mo Mường trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, ngay cả việc lựa chọn được người học cũng không dễ dàng, do phải hiểu và biết được tiếng nói, chữ viết của dân tộc Mường. Chưa kể, việc học Mo Mường, hành nghề mo hiệu quả không cao, mất rất nhiều thời gian, nhiều công phu, nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Nghệ nhân Quách Văn Đào (xã Sào Báy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) cho biết: "Trên địa bàn huyện hiện chỉ có 18 nghệ nhân. Số nghệ nhân lớp chúng tôi ngày càng mai một. Mặc dù giới trẻ hiện nay có biết đến Mo Mường, nhưng để hiểu và quan tâm đến Mo Mường lại rất ít".

Năm 2020, Mo Mường đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chọn lựa là di sản văn hóa phi vật thể cần xây dựng Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Trong đó, Hòa Bình là đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm chính, còn các địa phương khác phối hợp thực hiện. Thời gian qua, các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp bảo tồn Mo Mường. Tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh triển khai Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình giai đoạn 2019-2025 và những năm tiếp theo", nghiên cứu, đưa Mo Mường vào chương trình giảng dạy tại các cơ sở giáo dục; mở lớp truyền dạy một số nghi lễ Mo Mường cơ bản và tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân... Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn cho biết: "Tỉnh Hòa Bình đã tập trung kiểm kê, sưu tầm và tổng hợp, lưu giữ đầy đủ các giá trị, nội dung và kịp thời khắc phục nguy cơ mai một Mo Mường. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội trong việc bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị của di sản trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Đối với công tác xây dựng Hồ sơ quốc gia về di sản Mo Mường, tỉnh phối hợp với các đơn vị khác tiến hành một cách khoa học, dự kiến tháng 8/2023 sẽ hoàn thiện".

Các địa phương khác như: Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa… cũng thúc đẩy nhiều biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị Mo Mường. Trong đó, Hà Nội đang triển khai công tác kiểm kê di sản, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về Mo Mường, ban hành chính sách hỗ trợ nghệ nhân… Mặc dù vậy, việc bảo tồn Mo Mường còn hết sức khó khăn và cần tiến hành khẩn trương. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng cho biết: "Trong việc bảo tồn, phát huy giá trị Mo Mường tại Thanh Hóa nói riêng, các tỉnh nói chung, cần ghi chép lại các lời mo, ghi lại hình ảnh diễn xướng để làm tài liệu nghiên cứu và phục hồi; nghiên cứu, đưa giá trị của Mo Mường vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương, nhất là các nội dung liên quan đến giáo dục nhận thức, đạo đức, các mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng, ý thức bảo vệ môi trường; lưu giữ, phục hồi các bài mo có giá trị giáo dục cao để đưa vào các hoạt động văn hóa ở cộng đồng. Một số nội dung của Mo Mường cần được nghiên cứu, đưa vào chương trình ngoại khóa, tìm hiểu lịch sử địa phương của các trường học, khuyến khích thế hệ trẻ nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi".