Trong những năm qua, hoạt động bảo tồn di tích, phát huy di sản văn hoá dân tộc và lễ hội được TP. Sông Công quan tâm triển khai thực hiện, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân; khai thác và phát huy hiệu quả giá trị di tích lịch sử văn hóa, gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Cây đa cổ thụ nằm trong Di tích lịch sử đình - chùa Bá Vân là nơi để hộp thư mật của Chi bộ Căng Bá Vân giữ mối liên lạc với Xứ ủy Bắc Kỳ (giai đoạn 1941-1943). |
Là Di tích lịch sử cấp Quốc gia duy nhất của TP. Sông Công, Căng Bá Vân nằm trong khuôn viên trụ sở UBND xã Bình Sơn, được đầu tư xây dựng và khánh thành nhà bia năm 2006, gồm 2 tầng bằng bê tông, có 4 trụ lớn vững chắc, mái lợp ngói đỏ.
Theo ông Nguyễn Hoài Phương, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn, trước năm 1941, Căng Bá Vân là một phần của nhà tù tỉnh Thái Nguyên được người Pháp xây dựng trên khu đất hẻo lánh thuộc làng Bá Vân, để giam giữ tù nhân (những chiến sĩ cách mạng). Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của Di tích, xã thực hiện tốt công tác giữ gìn cảnh quan sạch đẹp, đảm bảo sự tôn nghiêm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến tham quan, học tập, nghiên cứu phục vụ công tác giáo dục, tuyên truyền về lịch sử cho các thế hệ. Phát huy truyền thống yêu nước của thế hệ cha ông, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Sơn nỗ lực không ngừng, đưa xã trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Ông Nghiêm Văn Hà, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Sông Công, cho biết: Địa phương hiện có 39 điểm di tích lịch sử văn hóa, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và danh lam thắng cảnh. Trong đó, Di tích lịch sử Căng Bá Vân được xếp hạng cấp Quốc gia; đình - chùa Bá Vân, chùa Bá Xuyên, đền Phố Cò, chùa Bách Quang, đình - chùa Làng Kè, đền Rừng Bần, chùa Niếng được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn được chú trọng.
Hằng năm, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền, tư vấn pháp luật về công tác quản lý nhà nước về lễ hội, bảo tồn di sản, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Tuyên truyền, quảng bá sâu rộng các văn bản luật, dưới luật, liên quan tới di sản văn hoá đến các cấp chính quyền địa phương và cộng đồng nhân dân. Tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về quản lý, bảo tồn di sản, di tích lịch sử trên địa bàn; kịp thời chấn chỉnh các trường hợp vi phạm, đảm bảo các điều kiện hoạt động của di tích đúng mục đích và tuân thủ pháp luật.
Trước tình trạng xuống cấp của chùa Bá Xuyên (phường Châu Sơn), TP. Sông Công đang phối hợp triển khai Đề án tu bổ, tôn tạo với kinh phí hơn 4 tỷ đồng. |
Thành phố cũng phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích. Giai đoạn 2015-2022, UBND thành phố đã hướng dẫn phường Lương Sơn lập Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình chùa Làng Kè với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng; hướng dẫn sửa chữa những hạng mục hư hỏng nhỏ, đảm bảo hoạt động của các di tích như: Chùa Bách Quang, chùa Niếng, chùa Bá Xuyên, đình - chùa Bá Vân. Thành phố đang triển khai thực hiện Đề án tu bổ chùa Bá Xuyên (phường Châu Sơn), với kinh phí đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh 50%, ngân sách địa phương và các nguồn xã hội hoá 50%.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch UBND phường Châu Sơn, thông tin: Không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh, trong lịch sử cách mạng, chùa Bá Xuyên còn là kho chứa lương thực cho nhân dân, lớp học bình dân học vụ, là địa điểm hội họp để nối đường dây liên lạc giữa Chi bộ Đảng Căng Bá Vân với Xứ ủy Bắc Kỳ thời kỳ 1940-1945. Nằm trong Di tích lịch sử chùa Bá Xuyên còn có giếng Xấp (giếng làng), được nhân dân xây dựng vào năm 1848 (thời vua Tự Đức), sâu khoảng 3m, đã bị bồi lấp. Hiện nay, cùng với tu bổ, nâng cấp chùa Bá Xuyên, giếng Xấp cũng được nhân dân khôi phục, tôn tạo với kinh phí trên 500 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn, TP. Sông Công cũng đã phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức các hoạt động gắn liền với quảng bá di sản, như: Tổ chức vinh danh, ca ngợi giá trị truyền thống lịch sử, cảnh đẹp của di tích tại các buổi lễ đón bằng xếp hạng di tích tại địa phương; tổ chức khai mạc mùa du lịch tại điểm di tích để quảng bá...
Các đoàn thể, trường học trên địa bàn tích cực tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, học sinh tham gia chỉnh trang, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích, nghĩa trang liệt sĩ; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan, tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa; thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công… Qua đó giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử địa phương, phát huy truyền thống yêu nước, phấn đấu học tập và rèn luyện, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin