Làm sâu sắc thêm giá trị văn hóa các dân tộc

Trinh An 09:20, 10/04/2023

Thực tế có những điều về văn hóa, bản sắc và truyền thống văn hóa của các dân tộc (nhất là dân tộc thiểu số) trong sách vở, tài liệu không thể đề cập, luận giải hết được. Nếu không tìm hiểu kỹ và thiếu thông tin sẽ dễ bị coi là mê tín hay hủ tục. Sau những chuyến thực tế tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những nghiên cứu của PGS, TS Phạm Thị Phương Thái (Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên) đã góp phần luận giải những giá trị tinh thần trong đời sống sinh hoạt văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Sau khi “thực hành Then” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên đã mời các nghệ nhân đến biểu diễn và tổ chức hội thảo khoa học.
Sau khi “Thực hành Then” được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên đã mời các nghệ nhân đến biểu diễn và tổ chức hội thảo khoa học.

Cũng như một số dân tộc thiểu số khác ở nước ta, đồng bào Sán Chỉ vẫn còn lưu giữ một tập tục cổ sơ: Tổ chức lễ trưởng thành cho người con trai ở độ tuổi từ 10 - 16. Theo quan niệm của người Sán Chỉ thì chỉ những người đã qua lễ cấp sắc mới được coi là người trưởng thành. Lễ cấp sắc còn là sự “trình báo” cho tổ tiên biết, một thành viên của dòng họ có nghĩa vụ nối dõi, làm tròn bổn phận của mình.

Nét độc đáo và đầy triết lý về giáo dục đạo đức của đồng bào Sán Chỉ chính là cấp sắc cho người đến tuổi thành niên. Nếu như người đến tuổi thành niên mà vi phạm pháp luật, sống buông thả, vi phạm đạo đức… thì chưa đủ điều kiện cấp sắc, đồng nghĩa với việc chưa thể làm các đám cưới, hỏi sau này. Muốn vậy, mỗi gia đình phải biết giáo dục con cái, mỗi thành niên phải biết tu dưỡng, rèn luyện bản thân, để được cộng đồng thừa nhận mới đủ điều kiện cấp sắc.

Tìm ra được chân lý đó, PGS, TS Phạm Thị Phương Thái đã gần chục lần “ba cùng” tham dự lễ cấp sắc và tham vấn nhiều tư liệu từ các già làng, thanh niên vùng đồng bào Sán Chỉ. Trước khi hành lễ phải ăn kiêng ít nhất 10 ngày. Trong những ngày ăn kiêng tuyệt đối không được làm ảnh hưởng đến sinh vật, không được làm điều ác. Sau khi kết thúc lễ cấp sắc, người được cấp sắc phải kiêng thêm 21 ngày...

Do vậy, nghi lễ của vòng đời người còn là những nghi lễ hay cho cách ứng xử của con người đối với gần như toàn bộ xã hội cũng như thế giới xung quanh. Và chỉ khi nào nghi lễ kết thúc, chàng trai ấy mới được thần linh và mọi người công nhận là đã trưởng thành để nối dõi dòng họ. Đó cũng là Đề tài “Nghiên cứu đời sống tâm linh của người Sán Chỉ qua nghi lễ vòng đời” được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt xuất sắc, là nguồn tư liệu phục vụ cho giáo dục phổ thông và các nghiên cứu chuyên đề.

Vì sao phụ nữ trước khi sinh lại xách ống bương nước thả xuống đất, hay làm một số việc bằng chân tay? Vì sao lại kiêng kị không cho người lạ tiếp xúc trẻ lúc mới sinh...? Từ chuyến thực tế tại tỉnh Lào Cai, PGS, TS Phạm Thị Phương Thái đã xây dựng đề tài: “Tục kiêng kị trong sinh đẻ của người Hà Nhì ở Bát Xát, Lào Cai”.

Luận giải về những điều còn “bí ẩn”, PGS, TS Thái cho biết: Cái thiếu trong thực tế của đồng bào là những căn cứ khoa học, vì ở vùng cao, đồng bào chủ yếu truyền khẩu và hàm chứa những yếu tố huyền bí. Trong thực tế, tục xách ống bương nước thả xuống đất của bà mẹ khi sắp sinh con, về tinh thần là mong muốn mẹ tròn con vuông, sinh thuận, về khoa học đó chính là động tác tạo co dãn cơ để dễ sinh hạ... Còn việc kiêng kị tiếp xúc người lạ, cũng là việc phòng tránh nhiễm khuẩn trong môi trường, khí thở… khi khả năng phòng dịch của trẻ sơ sinh còn yếu.

Ở một góc nhìn hiện thực, PGS, TS Thái đã cảm nhận sâu sắc hơn về những nghi lễ khi người Sán Dìu huyện Đồng Hỷ làm đám ma. PGS, TS Thái chia sẻ: Đám tang nào cũng nặng tình cảm và nhiều nghi lễ. Đó cũng là nghĩa cử về trách nhiệm của người sống với người đã khuất. Nhưng nghe các bài tế, điếu văn dịch từ tiếng dân tộc ra mới thấm thía: Chết không phải là hết mà giá trị còn lại chính là những điều tốt đẹp còn trong lòng những người đang sống.

Bên cạnh sự phát hiện từ các hoạt động thực tế, trong hoạt động văn hóa, văn học PGS, TS Thái cũng dành nhiều thời gian để phân tích, so sánh theo văn học dân gian. Ví dụ như: Những câu ca dao, hò vè, hát đối của đồng bào cũng thể hiện những sắc thái riêng về tâm tư, tình cảm: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội/ Mấy đèo cũng qua”… thì trong ngôn ngữ biểu đạt bằng hát đối của đồng bào Sán Chỉ có làn điệu dìu dặt. Những cách trở núi, sông không ngăn được tình cảm của đôi lứa: “Yêu em chẳng sợ sông sâu với núi cao/ Núi cao đã có em làm người dẫn lối/ Sông sâu đã có bóng người thương đưa đò…”. Về ý nghĩa không thay đổi, những về hành động bằng tình cảm rõ ràng được biểu đạt qua nhiều cung bậc cảm xúc hơn.

Với phương pháp tiếp cận đối tương nghiên cứu từ thực tế và cảm nhận bằng những giá trị từ văn học, văn hóa, các vấn đề đều được luận giải thấu đáo bằng khoa học. Dù những nghiên cứu phần lớn mang tính trực quan, song đã góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc trong sự phát triển của đời sống xã hội.