Thành lập trên quê hương cố nghệ nhân Hà Thị Cầu – người được coi là “báu vật” của xẩm, Câu lạc bộ chiếu xẩm chợ Lồng (thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình) đã tập hợp, dìu dắt và truyền lửa cho nhiều em nhỏ đến với nghệ thuật xẩm. Đến nay, sau 5 năm đi vào hoạt động, nhóm đã trở thành địa chỉ tin cậy, nơi “ươm mầm” nhiều tài năng xẩm.
Các thành viên Câu lạc bộ chiếu xẩm chợ Lồng say sưa luyện tập. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Người được coi là “linh hồn” của Câu lạc bộ chiếu xẩm chợ Lồng là nghệ nhân trẻ Bùi Công Sơn (biệt danh Sơn “xẩm”). Dù còn rất trẻ tuổi (sinh năm 2000 tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) và không phải sinh ra, lớn lên ở Ninh Bình nhưng Bùi Công Sơn luôn nặng lòng với sự phát triển của nghệ thuật xẩm trên quê hương nghệ nhân Hà Thị Cầu. Anh cũng không có cơ hội được gặp cụ Cầu mà chỉ được nghe những băng đĩa cụ hát. Trong tâm thức, nghệ nhân trẻ Bùi Công Sơn luôn coi cụ Cầu là người thầy lớn của cuộc đời mình. “Ninh Bình là một trong những xuất phát điểm của xẩm cùng nhiều nghệ thuật truyền thống, các dòng họ cổ. Để xẩm phát triển tốt nhất thì phải cùng nhau thắp lại điệu xẩm tại đất của nó trước, sau đó mới mở rộng ra các địa phương khác”, anh bộc bạch.
Chính vì lẽ đó, năm 2018, sau khi đã học hỏi, tích cóp được những “món nghề” cơ bản của xẩm, Bùi Công Sơn đã cùng chị Lê Hải Chiến (là người con của quê hương Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình) thành lập Câu lạc bộ chiếu xẩm chợ Lồng với 12 thành viên, trong đó có các em học sinh từ mẫu giáo đến Trung học phổ thông. Câu lạc bộ sinh hoạt 1 buổi/tuần do anh đứng lớp và thường xuyên hơn vào các dịp hè khi các em được nghỉ học chính khóa. Theo Sơn, cái khó là không thể dạy xẩm một cách cấp tốc được. Một buổi chỉ dạy một vài em, vì hát xẩm là việc thể hiện tình cảm, mỗi người lại có tính cách khác nhau thì không thể bắt các em hát giống nhau được, ai hợp với điệu gì thì dạy điệu đó.
Sau 5 năm đi vào hoạt động, Câu lạc bộ chiếu xẩm chợ Lồng ngày càng thu hút các thành viên tham gia và nhất là các bạn trẻ. Hiện nay nhóm đã có gần 30 thành viên với nhiều thành phần, tuổi tác, địa vị xã hội. Người lớn tuổi nhất là bác Phạm Kim Tuyến (78 tuổi), người nhỏ tuổi nhất là em Lê Yến Nhung (5 tuổi). Về thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong không khó bắt gặp hình ảnh những cô cậu học trò ngồi hàng giờ ở góc sân để cùng nhau thả hồn mình theo những câu hát xẩm, theo nhịp điệu của tiếng đàn nhị, trống, phách, xênh... Là người tham gia Câu lạc bộ từ những buổi đầu, em Phan Thị Mỵ (18 tuổi) cho biết: “Là người con sinh ra và lớn lên trên quê hương của xẩm, tôi muốn được học những bài xẩm cơ bản để mỗi khi có chương trình văn nghệ tôi có thể tự tin hát. Đó chính là cách tôi lay động và thức tỉnh tình yêu quê hương trong mỗi người con Ninh Bình”.
Câu lạc bộ chiếu xẩm chợ Lồng trong một buổi biểu diễn. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Nhờ có thầy giáo tâm huyết, sáng tạo và nhờ có phương pháp học tập khoa học, Câu lạc bộ chiếu xẩm chợ Lồng đã đạt được nhiều thành tích trong các liên hoan. Câu lạc bộ đã giành một giải nhất, một giải nhì và một giải người hát xẩm nhỏ tuổi nhất Việt Nam tại Liên hoan xẩm các tỉnh khu vực phía bắc năm 2019 (tổ chức tại Ninh Bình); một giải nhất Liên hoan hát xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022; một giải nhất tại Liên hoan các Câu lạc bộ xẩm tỉnh Ninh Bình năm 2022 và một giải nhất, giải nhì, giải ba tại Liên hoan các Câu lạc bộ truyền thống huyện Yên Mô năm 2023. Ngoài ra, em Lê Thảo My (15 tuổi), một thành viên của Câu lạc bộ đã giành giải nhất cuộc thi Giai điệu tuổi hồng tại Ninh Bình năm 2022.
Để xẩm đi vào đời sống đương đại không thể cứ hát mãi bài xẩm của các cụ truyền lại. Nghĩ vậy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bùi Công Sơn đã sáng tác thêm các làn điệu xẩm khác như xẩm an toàn giao thông, tiêu trừ tham nhũng, phòng chống tệ nạn xã hội... Anh trải lòng, với xẩm cổ chỉ dành cho những người đam mê, hiểu về xẩm, còn muốn phổ cập phải dùng ngôn ngữ hiện đại, dễ hiểu đi vào tâm thức người nghe. Đó chính là cách hữu hiệu để xẩm mãi được giữ gìn và lan tỏa.
Câu lạc bộ chiếu xẩm chợ Lồng cùng nhạc sĩ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam chụp hình lưu niệm trong ngày lễ giỗ tổ nghề xẩm, năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Cũng theo Bùi Công Sơn, điều mà anh mong mỏi nhất là làm sao các bạn trẻ sẽ cùng ý thức hành động việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tiếng xẩm cũng là một góc hồn của đất nước, dân tộc. Đó là những giá trị tốt đẹp, dạy con người trở nên tử tế, nhân văn hơn. Xẩm sau nhiều năm đã được bảo tồn, nay các thế hệ trẻ phải trở thành nhân tố tích cực lan truyền xẩm. “Để xẩm có bước phát triển hơn nữa, tôi và những người thực hành xẩm còn rất nhiều việc phải làm, phải nghiên cứu. Tôi phải cố gắng dạy cho học trò phải giỏi hát xẩm hơn hoặc bằng mình, chứ kém mình thì coi như mình thất bại”, anh trăn trở.
Là người luôn theo sát hoạt động của Câu lạc bộ chiếu xẩm chợ Lồng, Nghệ nhân Nhân dân Ngô Văn Đảm khẳng định: “5 năm là hành trình không dài nhưng đủ để khẳng định ban chủ nhiệm và các thành viên đã có sự gắn kết, cố gắng rất nhiều. Việc ra đời của Câu lạc bộ là một điều đáng mừng khi mà nhiều người trẻ dường như đang quay lưng với nghệ thuật truyền thống. Tôi đánh giá cao chuyên môn của Câu lạc bộ khi liên tiếp có những giải cao tại các cuộc thi hát xẩm”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin