Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam 2023-2025

Theo chinhphu.vn 11:16, 16/05/2023

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 515/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 (Chương trình).

Nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài với Việt Nam.

Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực cụ thể, gồm: Di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; đào tạo; văn hóa dân tộc; văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa...

Đối tượng của Chương trình bao gồm: (1) Di sản văn hóa thế giới, di tích được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia; (2) Di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận; di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu hoặc nguy cơ mai một; (3) Các thiết chế văn hóa, không gian văn hóa sáng tạo; đội tuyên truyền lưu động; các đồn biên phòng; các cơ sở, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em; (4) Đội ngũ văn nghệ sĩ, đội ngũ trí thức, nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hóa; (5) Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

8 giải pháp chủ yếu

Chương trình đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm:

1- Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đồng thời phổ biến, truyền thông nâng cao nhận thức về Chương trình.

2- Bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa của dân tộc.

3- Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa.

4- Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần, năng lực thẩm mỹ của nhân dân.

5- Phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và nguồn nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa.

6- Phát triển các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng.

7- Quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới.

8- Huy động nguồn lực và quản lý thực hiện Chương trình.

Cụ thể, nhằm bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa của dân tộc, sẽ triển khai các chương trình, nhiệm vụ bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo cho khoảng 2 di sản văn hóa thiên nhiên được UNESCO ghi danh; khoảng 15 di tích quốc gia đặc biệt có giá trị đang xuống cấp nghiêm trọng. Hỗ trợ chống xuống cấp, tu sửa cấp thiết khoảng 150 di tích cấp quốc gia.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng hồ sơ khoa học các di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu hoặc có nguy cơ mai một, cần được bảo vệ khẩn cấp để ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản thế giới đẩy mạnh công tác sưu tầm tài liệu cổ, quý hiếm có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học; nâng cấp, cải tạo một số bảo tàng công lập cấp quốc gia. Nghiên cứu, thành lập các bảo tàng chuyên ngành cấp quốc gia về nghệ thuật đương đại, nghệ thuật nhiếp ảnh; trung tâm quốc gia về bảo quản hiện vật.

Ngoài ra, sẽ nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; phát triển các ứng dụng trải nghiệm thực tế ảo, nghiên cứu khai thác những giá trị về nghệ thuật truyền thống trong các kho dữ liệu đang có, hỗ trợ các hoạt động truyền dạy, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận và bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một.

Xử lý các vướng mắc về cơ chế, chính sách

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình, có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình; chịu trách nhiệm về số liệu, tiến độ thực hiện, kết quả và hiệu quả của Chương trình. Hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm hiệu quả; sơ kết hằng năm, tổng kết việc thực hiện Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp kế hoạch và đề xuất nhu cầu kinh phí sử dụng ngân sách trung ương thực hiện Chương trình hằng năm, theo giai đoạn gửi cơ quan có thẩm quyền; đề xuất dự toán và quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước giao để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao trực tiếp thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp kiến nghị và đề xuất xử lý các vướng mắc về cơ chế, chính sách, cơ chế quản lý, giám sát, cơ chế huy động và quản lý các nguồn lực xã hội hóa trong quá trình thực hiện Chương trình; bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn, phổ biến thông tin, tuyên truyền dưới các hình thức, sản phẩm phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, tư duy cho đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ quản lý, thực hiện Chương trình; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức giám sát, đánh giá, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Chương trình.

Các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình; bảo đảm tiến độ, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. 

Dành quỹ đất hợp lý tại các vị trí thuận lợi để đầu tư mới các công trình văn hóa

UBND các tỉnh, thành theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm: Chủ động cân đối, bố trí đủ nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương theo quy định, cũng như có giải pháp huy động hiệu quả các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách để thực hiện Chương trình tại địa phương.

Trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất, xác định cụ thể nhu cầu về diện tích và vị trí đất dành cho xây dựng công trình văn hóa; dành quỹ đất hợp lý tại các vị trí thuận lợi để đầu tư mới các công trình văn hóa trong khuôn khổ Chương trình; đối với các khu đô thị mới, ưu tiên bố trí diện tích và vị trí đất cho xây dựng các công trình văn hóa trong khuôn khổ Chương trình.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành cơ chế, chính sách, hướng dẫn tổ chức triển khai Chương trình trên địa bàn theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao; ban hành quy định về lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng nội dung, nhiệm vụ để thực hiện Chương trình trên địa bàn, bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp về phạm vi, đối tượng, nội dung với các chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ của Chương trình đã được phê duyệt; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình tại cơ sở, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp để thất thoát, lãng phí kinh phí thực hiện của Chương trình…