Vỉa hè là một phần của thiết kế đô thị, không chỉ đảm bảo chức năng giao thông cho người đi bộ mà còn đảm bảo không gian cho hộp kỹ thuật, biển báo hiệu, thùng rác... Để đảm bảo sự ưu tiên và an toàn của người đi bộ, nhiều quốc gia đã ban hành quy định quản lý không gian này.
Nhiều nước cho phép kinh doanh trên vỉa hè song vẫn đảm bảo không gian cho người đi bộ. Ảnh: Hồng Lê |
Theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, quản lý vỉa hè trước tiên phải bắt đầu từ khâu thiết kế, dựa trên chức năng của từng con phố, lưu lượng của người đi bộ. Để làm được điều này một cách chính xác, các nhà thiết kế thường triển khai khảo sát để đưa ra các thông số về chiều rộng của vỉa hè, độ dốc thoát nước, vật liệu xây dựng và nhiều chi tiết khác.
Thông thường, ở các nước phát triển, yêu cầu chiều rộng tối thiểu của vỉa hè là 5 ft (1,52m). Khoảng cách này mới đủ để đáp ứng nhu cầu đi lại của cả người khuyết tật. Ở một số khu vực gần trường học, khu liên hợp thể thao, công viên, khu mua sắm, chiều rộng vỉa hè tối thiểu lên tới 8 ft (2,43m).
Tại nhiều đô thị, chiều rộng của vỉa hè có thể lên tới 30-40 ft (9-12m). Đại lộ Pennsylvania ở Washington, D.C (Mỹ) vỉa hè có chiều rộng 30 ft, mang tới sự thuận lợi cho các hoạt động của xe buýt; vỉa hè ở đại lộ Paseo de Gracia ở Barcelona (Tây Ban Nha) rộng 10-14,5m, thuận tiện cho các hoạt động thương mại. Bên cạnh khâu thiết kế, công tác quản lý trật tự vỉa hè cũng được nhiều quốc gia chú trọng.
Tại một số thành phố của Mỹ, chính quyền đã ban hành quy định các cá nhân, tổ chức sở hữu bất động sản mặt phố đều phải quản lý diện tích vỉa hè gắn với mặt tiền của tòa nhà, bao gồm cả việc đảm bảo độ thông thoáng và sửa chữa bề mặt vỉa hè khi bị hỏng. Để đảm bảo an toàn cho người đi bộ, chính quyền cũng thường xuyên triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát định kỳ chất lượng bề mặt vỉa hè.
Tại Trung Quốc, số lượng xe hơi đang hoạt động đã đạt đến con số 302 triệu chiếc, riêng ở Bắc Kinh đã vào khoảng 6 triệu chiếc. Điều này tạo áp lực rất lớn đối với hoạt động giao thông nói chung và trật tự đô thị nói riêng. Các hiện tượng như xe máy đi trên vỉa hè, ô tô cá nhân đỗ chắn lối đi của người đi bộ và việc các cửa hàng kinh doanh dọc các con phố ở Bắc Kinh cơi nới, mở rộng các bảng biển quảng cáo nhằm lôi kéo khách hàng đã ảnh hưởng không nhỏ tới mỹ quan đô thị. Để giải quyết vấn đề, chính quyền Bắc Kinh đã siết chặt hoạt động quản lý, xử phạt hành chính với việc đỗ xe trên vỉa hè hoặc làn đường dành cho xe đạp. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng mở các chiến dịch dẹp bỏ, thu giữ và xử phạt những cửa hàng không chấp hành các quy định đảm bảo trật tự, văn minh đô thị.
Tại Anh, từ giữa năm 2016, chính quyền nước này đã đề ra chủ trương cải tạo, loại bỏ những rào cản trên hè phố ở các thành phố trên cả nước với mục đích giúp đường phố an toàn, sạch sẽ hơn cũng như khuyến khích người dân đi bộ, đi đạp xe.
Đối với các hoạt động kinh doanh, tại nhiều quốc gia châu Âu, quy định về bán hàng trên phố hay mở nhà hàng, quán cà phê trên lề đường được quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan. Một trong những quốc gia nổi tiếng với văn hóa cà phê vỉa hè là Pháp. Giới chức nước này cho phép các hộ kinh doanh cà phê được kê bàn ghế bên ngoài lề đường nhưng phải tuân theo quy định bàn ghế nằm gọn trong mái hiên khoảng 3-6m.
Tại Brussels của Bỉ, để được phép kinh doanh trên vỉa hè hay không gian công cộng, những người bán hàng phải nộp đơn xin giấy phép kinh doanh lên Liên đoàn Thương mại của thành phố Brussels. Ngoài thông tin chung về chủ kinh doanh, mặt hàng buôn bán, đơn xin giấy phép hoạt động cũng phải nêu rõ đề xuất diện tích mặt bằng kinh doanh.
Ở Australia, mỗi thành phố có quy tắc và điều kiện sử dụng vỉa hè riêng, được ban hành và xét duyệt bởi Hội đồng thành phố. Nhà chức trách khuyến khích kinh doanh ngoài trời; chỉ riêng thành phố Sydney đã có hơn 500 khu vực ăn uống ngoài trời và khu vực vỉa hè. Dù vậy, để được cấp phép, các hộ kinh doanh phải vượt qua được các quy định nghiêm ngặt của Hội đồng thành phố như việc phải để lại không gian đi bộ tối thiểu 3-4m.
Ngoài các điều kiện an toàn, các hội đồng còn quy định về loại và kiểu dáng, màu sắc, kích cỡ đồ đạc, bàn ghế, ô dù được bày ở vỉa hè để đảm bảo bộ mặt thành phố có tính thống nhất. Chân ghế, chân bàn phải bọc mềm để tránh tiếng ồn, tránh hư hỏng mặt đường. Đặc biệt, Autralia cấm sử dụng mọi đồ đạc bằng nhựa khi kinh doanh vỉa hè. Chi phí cho giấy phép không cố định, thậm chí khác biệt theo từng khu vực của một thành phố.
Không gian vỉa hè thể hiện phần nào nét văn minh và trật tự của mỗi đô thị. Chính vì thế, có thể thấy, các quốc gia trên thế giới bằng nhiều biện pháp đã và đang nỗ lực từng ngày để vừa đảm bảo an toàn cho người đi bộ, vừa khai thác không gian có tiềm năng kinh tế không nhỏ này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin