Bất ngờ, lạ lẫm và háo hức, đó là cảm giác của các du khách khi đến với "miền quê cổ tích" Ngọc Chiến, Mường La, Sơn La, để tham dự cuộc thi chọn “hoàng tử trâu” lần đầu tiên được tổ chức. Thí sinh dự thi là những chú trâu với vóc dáng to, săn chắc, được tuyển chọn từ hơn 3.000 con trâu trong xã...
Những chú trâu đến từ các bản của xã Ngọc Chiến được chủ đưa đến tham dự cuộc thi. |
Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Tết Độc lập, những ngày này tại xã Ngọc Chiến, nơi được ví như “miền quê cổ tích” đã diễn ra nhiều hoạt động, lễ hội độc đáo, đậm đà bản sắc các dân tộc vùng cao Sơn La.
Năm nay, tại lễ hội mừng cơm mới ở “miền quê cổ tích” Ngọc Chiến, một trong những lễ hội nông nghiệp truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng lúa nước của đồng bào các dân tộc nơi đây đã diễn ra nhiều trò chơi, cuộc thi dân gian được tái hiện lại, như đá bóng bằng trái bưởi, chọi dê và thi vẽ sáp ong…
Nổi bật, độc đáo và thu hút được sự quan tâm của các du khách và đồng bào các dân tộc từ khắp các nơi là cuộc thi “hoàng tử trâu”, một cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức tại vùng Tây Bắc, đó là “miền quê cổ tích” Ngọc Chiến. Những du khách tới đây đều rất hào hứng xem "chàng" trâu đực nào sẽ giành được vương miện “hoàng tử”.
Một "thí sinh trâu" có vóc dáng to, khỏe, da bóng mượt được người dân bản Mường Chiến 2 lựa chọn để tham gia cuộc thi "hoàng tử trâu". |
Dù lần đầu tiên được tổ chức, nhưng cuộc thi “hoàng tử trâu” đã thu hút được hơn 70 “thí sinh” tham gia. 70 “thí sinh” được tuyển chọn từ trên 3.000 chú trâu đực được nuôi tại các bản trên địa bàn xã Ngọc Chiến.
Để lựa chọn những “thí sinh” tham gia cuộc thi, trước đó xã Ngọc Chiến đã có hẳn một “chiến dịch” tuyên truyền, vận động các hộ dân tại các bản tích cực chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn trâu của gia đình mình.
Ông Lèo Văn Lả, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi “hoàng tử trâu”, cho biết: tiêu chí để lựa chọn ra “hoàng tử trâu” là trâu khỏe mạnh, dáng cao, kích thước to, sừng đẹp cân đối, có cân nặng từ 1 tấn trở lên... Cuộc thi năm nay sẽ lựa chọn 3 con trâu bảo đảm các tiêu chí trên để trao giải nhất, nhì, ba.
Mang “đầu cơ nghiệp” của gia đình đến với cuộc thi, ông Lèo Văn Thành, bản Mường Chiến 2, chia sẻ: gia đình tôi nuôi 4 con trâu. Tham gia cuộc thi “hoàng tử trâu”, gia đình tôi đã lựa chọn con trâu to, khỏe nhất đàn, thường xuyên cho trâu đi tắm suối để trâu có da bóng, mượt.
Anh Lò Văn Năm, bản Mường Chiến, phấn khởi chia sẻ: Trâu của gia đình tôi đã chiến thắng, đoạt danh hiệu “hoàng tử trâu”, gia đình tôi rất vui. Gia đình tôi sẽ chăm sóc trâu thật tốt, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trâu cho các hộ khác trong bản. Bởi trâu vẫn được chúng tôi coi là “đầu cơ nghiệp” cho người dân vùng nông thôn chúng tôi khi góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Trao đổi thêm về cuộc thi độc đáo này, đồng chí Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, thông tin: cuộc thi “hoàng tử trâu” nằm trong khuôn khổ phần hội của lễ mừng cơm mới năm 2023. Cuộc thi với mục đích khuyến khích phát triển nông nghiệp tại địa phương. Đồng thời, quảng bá sản phẩm du lịch đến với du khách trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, xã Ngọc Chiến có hơn 3.000 con trâu, trọng lượng mỗi con từ 500 kg đến 1.000 kg trở lên, mỗi con trị giá từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Những năm qua, xã đã vận động nhân dân trồng gần 400 ha cỏ voi để phát triển chăn nuôi. Con trâu với đồng bào các dân tộc nơi đây đã mang lại giá trị kinh tế cao, giúp bà con giảm nghèo, tăng thu nhập ổn định.
"Hoàng tử trâu" sẽ được cuốn khăn đỏ lên người rồi được chủ dắt đi quanh khu vực sân vận động Mường Chiến 2, nơi diễn ra cuộc thi. |
Trước khi diễn ra cuộc thi “hoàng tử trâu”, Ban tổ chức đã tái hiện lại lễ cúng vía trâu. Đây cũng là một trong những nghi lễ đặc trưng về nông nghiệp của đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La.
Theo quan niệm của người dân nơi đây: con trâu là “đầu cơ nghiệp”, cả năm trâu đã vất vả giúp sức cho người nông dân cày ruộng làm ra thóc lúa nuôi sống con người. Nhưng có những lúc do sức ép của mùa vụ, của cuộc sống, người đối xử với trâu không được tốt như: đánh, mắng trâu. Vì sợ hồn vía của trâu giận, bỏ đi mất nên khi xong mùa cấy gia đình sắm mâm lễ để cúng vía, cầu cho trâu khỏe mạnh, sung sức, phục vụ tốt sản xuất…
Khi kết thúc việc cấy lúa, cả bản họp mặt bàn bạc thống nhất việc tổ chức lễ. Thầy cúng có nhiệm vụ xem ngày lành tháng tốt để chuẩn bị làm lễ. Lễ cúng thường diễn ra trong 1 ngày rưỡi. Gia đình chuẩn bị lễ vật gồm: đầu lợn, gà luộc, trầu và vỏ chay, rượu, xôi…
Thầy cúng khấn xin thổ địa về thụ lễ; báo cáo mùa vụ đã làm xong, lúa cấy đã bắt đầu bén rễ, lên xanh, xin phép được cúng vía cho trâu, để trâu được khỏe mạnh, không bị hổ ăn thịt, thấy vực đừng đi, thấy hang đừng vào, không bị con vắt chui vào mũi, lúc đi lành lặn, lúc về lành lặn.
Sau đó, thầy cúng sẽ làm thủ tục cúng vía cho trâu. Thầy nói rằng, trong mùa vụ đã trót đánh mắng trâu, giờ cúng vía mong trâu khỏe mạnh, cày cấy tốt, không bị ốm đau, không bị hổ, báo bắt đi. Cúng xong, thầy cúng mời trâu ăn cỏ lau, mời trâu miếng cơm nếp, uống một chén rượu để tỏ lòng biết ơn con trâu đã cùng với nhà nông làm mùa vụ vất vả.
Cuộc thi “hoàng tử trâu” tại “miền quê cổ tích” Ngọc Chiến mang đậm dấu ấn văn hóa của nền nông nghiệp lúa nước, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây còn là dịp để đồng bào các dân tộc nơi đây giao lưu, chia sẻ kĩ thuật chăm sóc giữa các hộ nông dân chăn nuôi. Đồng thời cũng là dịp giúp du khách gần xa biết đến vẻ đẹp, con người và phong tục truyền thống đậm bản sắc dân tộc nơi “miền quê cổ tích” Ngọc Chiến…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin