Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 30 nghìn người dân tộc Dao, tập trung chủ yếu ở các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Lương. Người Dao thuộc 3 nhóm địa phương là Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt và Dao Lô Gang.
Lễ Cấp sắc được coi là nét văn hóa đặc trưng nhất của người Dao Thái Nguyên. |
Đối với người Dao Thái Nguyên, lễ Cấp sắc đóng một vai trò vô cùng quan trọng, góp phần điều chỉnh quan hệ xã hội, lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa, củng cố tinh thần đoàn kết cộng đồng dân tộc. Nét đẹp văn hóa này đã, đang được cộng đồng người Dao ở Thái Nguyên gìn giữ, phát huy.
Thật vinh dự và tự hào khi ngày 29/3/2016, tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ công bố Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đối với nghi lễ Cấp sắc của dân tộc Dao.
Để chuẩn bị cho lễ Cấp sắc cần khá nhiều thời gian. Nếu dựa vào số lượng đèn thì lễ này có ba cấp bậc: 3 đèn gọi là quá tăng; 7 đèn là tẩu sai thiết ping tăng; 12 đèn là tẩu sai chập nhảy ping tăng.
Theo chia sẻ của các cụ cao niên người dân tộc Dao trong tỉnh, chuẩn bị cho một lễ Cấp sắc 3 đèn cần thời gian từ 6 tháng đến một năm; riêng lễ Cấp sắc ở cấp bậc cao thì có thể phải chuẩn bị từ 1-2 năm, thậm chí còn lâu hơn.
Anh Bàn Sinh Thắng, người dân tộc Dao, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ), chia sẻ: Chỉ khi nào người đàn ông Dao được làm lễ Cấp sắc thì mới có vị thế nhất định trong gia đình, dòng họ và cộng đồng. Người Dao chúng tôi luôn tin rằng chỉ những người được cấp sắc mới có tâm đức để phân biệt phải trái ở cuộc sống, hướng tới việc thiện và mới được công nhận là con cháu của Bàn Vương; mới thấu hiểu phong tục, tập quán của cộng đồng Dao.
Ngay từ khi còn nhỏ, các cậu con trai trong gia đình người dân tộc Dao đã được giáo dục là phải chu đáo và nghiêm khắc về vai trò, trách nhiệm của đàn ông đối với gia đình, dòng họ, làng, bản. Do vậy, lễ Cấp sắc được tổ chức một lần nữa khẳng định sự trưởng thành của người con trai đó.
Cũng theo anh Thắng, nét văn hóa đặc trưng nhất của dân tộc Dao là lễ Cấp sắc. Mà cũng có thể gọi là lễ hội Cấp sắc vì tính chất sinh hoạt cộng đồng rất cao ở nét văn hóa này. Anh em, họ hàng, bạn bè xa gần, mọi người được mời đến dự rất đông, chia sẻ niềm vui với người được cấp sắc. Cộng đồng người Dao rất tự hào khi lễ Cấp sắc của dân tộc mình được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa Quốc gia.
Thực tế cho thấy, nét đẹp của lễ Cấp sắc còn thể hiện qua những lời giáo huấn trong các bài cúng được sử dụng. Từ việc nhắc nhớ về cội nguồn, dòng họ đến những việc không được làm, việc hay lẽ phải đối với người được cấp sắc đều được thể hiện trong các bài cúng, hướng tới sự trưởng thành trong tư cách làm người.
Tham dự một lễ Cấp sắc, mọi người còn thấy các điệu nhảy diễn liên tục và tiếng kèn pí lè được tấu lên thường xuyên. Đây là sự hình tượng hóa những chủ đề khác nhau về lịch sử, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng dân tộc Dao.
Các điệu múa có thể kéo dài hàng giờ, thu hút nhiều người cùng tham gia, chứng kiến…Mỗi nghi lễ Cấp sắc diễn ra với sự tổng hòa của các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, múa trong nghi thức tôn giáo bản địa.
Để được làm lễ Cấp sắc, bản thân người con trai Dao phải nỗ lực cố gắng rất nhiều. Vì ý nghĩa quan trọng như vậy trong cộng đồng mà lễ Cấp sắc là nghi lễ truyền thống không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người đàn ông dân tộc Dao.
Với những nét độc đáo riêng có như vậy, lễ Cấp sắc của người Dao được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia cho thấy sự quan tâm bảo tồn và khích lệ của Nhà nước đối với các nét đẹp trong văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc, góp phần làm phong phú thêm tinh hoa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin