Nhiều người dân tộc Tày ở huyện Định Hóa gọi ông Nông Đình Long, xóm Khau Diều, xã Định Biên, là người trao truyền câu hát Then cùng tiếng đàn Tính. Khi được hỏi, ông khiêm tốn: Đó là việc cần làm để bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị nét đẹp văn hóa phi vật thể của hát Then, đàn Tính.
Với cây đàn Tính, ông Nông Đình Long say sưa sáng tác lời Then. |
Ông Long tự hào là được nghe câu Then, tiếng Tính từ thuở nằm nôi. Lúc mặc chiếc áo chàm truyền thống của dân tộc Tày đi học lớp vỡ lòng ông đã biết hát dăm ba bài Then. Ông kể: Ngày trước, kinh tế khó khăn, nhưng phong trào ca hát rất mạnh. Đi làm rẫy, đi thả trâu cũng nghe thấy hát đối ví. Vui nhất là sau mùa gặt, hoặc dịp đầu Xuân mới, hoặc trong làng có hộ vào nhà mới, có đám cưới hỏi thì câu Then, tiếng Tính ngân nga không muốn dừng.
Thấy ông mê hát Then, người bác ruột lặng lẽ truyền thêm cho ông cảm hứng bằng cách dạy cho ông về lời của một số bài Then cổ; đồng thời, truyền lại cho ông nghệ thuật thổi sáo trúc. Bằng cách học truyền khẩu, chẳng giấy mực ghi chép lời hát, nốt nhạc cũng thế, không cần phải nốt mí, nốt mì nhưng bác dạy đến đâu, ông thuộc nằm lòng đến đấy. Vốn có năng khiếu văn nghệ, nên ông nhanh chóng nắm bắt được quy luật của các làn điệu: Then, Phong slư, Lượn Nàng ới, Lượn cọi, Sli, Đối lượn, hát Đình và giai điệu véo von của cây sáo trúc.
Nhưng vào những năm trước thập niên tám mươi của thế kỷ trước, lời Then, tiếng Tính ở các bản người Tày - Nùng bị mai một. Song nhiều bài hát Then ông thuộc nằm lòng, có cố quên cũng không được. Cho đến năm 1991, hưởng ứng phong trào “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” do Đảng, Nhà nước phát động, những phong tục, tập quán và những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào được khơi dậy, phát huy, trong đó có câu hát Then. Nên chẳng mấy chốc lời Then, tiếng Tính được thức dậy. Tuy nhiên có nhiều người biết hát then đã cao tuổi, buồn nhất là không ít “pho then sống” đã mang câu hát về với thế giới người hiền.
Năm 2007, phong trào xây dựng đời sống văn hóa phát triển sâu rộng trong cuộc sống đồng bào, hầu hết các xóm, bản ở các xã trong huyện đều xây dựng được đội văn nghệ. Đặc biệt UBND huyện có văn bản hướng dẫn cho các xã thành lập câu lạc bộ dân ca, dân vũ dân gian. Với ông Long và các nghệ nhân then ở Định Hóa thì đây là cơ hội tốt để trao truyền lại cho lớp trẻ câu Then. Cũng vì thế, ngôi nhà của ông Long trở thành điểm gặp gỡ của những người có cùng sở thích ca hát.
Dựa trên giai điệu lời bài hát cổ, ông Long sáng tác thêm nhiều bài hát Then, hát Sli, hát Lượn… để dạy đồng bào. Ông tự sáng tác được hàng trăm bài hát về thiên nhiên, con người, tình yêu của đồng bào Định Hóa dành cho Đảng, Bác Hồ. Ông sáng tác thơ bằng tiếng Tày, khi rảnh dịch sang tiếng phổ thông để nhiều người cùng thưởng thức. Ông tự hào: Tôi có khá nhiều bài được đồng bào học thuộc, tập luyện để tham gia hát hội diễn văn nghệ các cấp, được Ban Tổ chức trao giải cao, như bài: “Ước hẹn vằn chiêng”, “Nhạc mại đin lầu”, “Thầy gia nghĩa na nấc”, “Bác mà Định Hoá chiến khu”, “Lời then dâng Bác”.
Ôm cây đàn Tính vào lòng như gìn giữ một vật báu, ông Long tiếp tục câu chuyện: Tôi biết hát Then, thổi sáo trúc từ nhỏ, nhưng mới tập đàn Tính từ năm 2014. Mê then, mê đàn, càng tập luyện nhiều thì lời Then, tiếng Tính càng nhuần nhuyễn. Với tôi, Then là một phần quan trọng của cuộc sống. Cũng vì thế tôi tích cực trao truyền cho thế hệ trẻ. Bằng cách đó, lời Then, tiếng Tính của đồng bào dân tộc Tày, Nùng chúng tôi càng ngân dài, bay xa...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin