Khoảng trời đầy nắng thu bé lại vừa bằng một cụ bà với mái tóc bạc trắng đang ngồi hóng nắng trước sân. Nắng như trêu đùa chạy nhảy trên mái tóc bà, làm mái tóc bạc như tỏa lên một thứ ánh sáng nhuộm màu nào đó rồi lại được lan tỏa sự mát mẻ bởi đủ thứ chậu cây trong khu vườn nhỏ, nơi bà ngồi lọt thỏm vào. Người đàn ông luống tuổi vừa dắt xe đạp vào cửa, đương cởi chiếc mũ cối lau vầng trán lấm tấm mồ hôi, nhác thấy bóng bà đang ngồi nơi nắng lật đật chạy lại:
- Sao má lại ngồi đây? Tivi nói nắng mùa này rát dữ lắm, bỏng bệnh thì sao? Bà Côn mỉm cười hiền từ chỉ góc nhỏ mình ngồi, nơi được ông Dinh bày rất nhiều chậu nhỏ xanh mát một góc, trên đầu lại đủ loại cây leo, phía trước nhà còn có cây hoa giấy tỏa mát vào bên trong vườn.
***
Dinh và Tan là hai người bạn chí cốt của nhau từ tấm bé. Làng quê nghèo ngày ấy bom đạn chiến tranh không làm mất đi ý chí quật cường mà còn hun đúc nhiều tình yêu quê hương đất nước và nhiều người sẵn sàng hy sinh bản thân để đổi lại một tương lai nhiệm màu cho Tổ quốc. Gia đình của cả hai cũng là hàng xóm của nhau và thậm chí ba của cả hai cũng lên đường nhập ngũ cùng ngày, chỉ còn lại hai người phụ nữ cùng nhau nuôi hai đứa con nhỏ vượt khó chờ chồng. Thế rồi, ba của cả hai và những người đồng đội hy sinh anh dũng trong một trận càn rất rát của địch. Ngày tin báo về, mẹ của Dinh vì không chịu nổi đã ngả bệnh và cũng theo chồng không lâu sau đó. Dinh trở thành đứa trẻ mồ côi. Lúc ấy, chính bà Côn, mẹ Tan đã đón Dinh về nuôi. Hai thằng cũng bảo ban nhau không chỉ đỡ đần “mẹ” mà cũng tự chọn cho mình những con đường có thể cống hiến sức lực nhỏ nhoi của mình cho đất nước. Cả hai đều có tâm niệm, khi lớn lên sẽ đi lính, nhập ngũ bảo vệ quê hương, mong ngày hòa bình.
Hai đứa trẻ lớn lên và khi trưởng thành cũng nhập ngũ cùng một ngày, quyết tâm cống hiến hết mình cho đất nước. Vừa là bạn bè, vừa là “anh em”, nay đã là đồng đội, mối quan hệ của cả hai ngày càng khăng khít. Cả hai khi nhập ngũ lo nhất là người mẹ già nơi hậu phương. Có lẽ, bà Côn cũng biết rất rõ nên nhiều khi truyền tin được, đều cho biết bà đang sống rất tốt, được làng xóm yêu thương, chăm sóc để hai con yên tâm. Qua những năm kháng chiến, Tan được bổ nhiệm làm đội trưởng một tổ đội nhỏ, cậu cũng mang trong mình những trách nhiệm nhất định. Trong khi Tan ngày càng trưởng thành và gánh vác trọng trách người đứng đầu ở trên vai thì Dinh dường như vẫn còn duy trì được sự ngây thơ ở tuổi hai mươi của mình. Cậu chàng là anh nuôi của đội, cũng là chàng trai sôi nổi nhất, những lúc rảnh rỗi hay tối trời, cậu thường ôm đàn ghi-ta hát vang bên đống lửa để làm niềm vui cho cả đội. Tính tình hoạt bát, năng nổ nên cậu cũng thường học được rất nhiều câu chuyện cười để về kể cho mọi người. Phải nói nơi nào có Dinh, nơi đó sẽ ngập tràn niềm vui.
Bản thân Dinh và Tan như là sự bù trừ cho nhau vì trong khi Tan khá nghiêm khắc thì Dinh thường là người giúp mọi người hiểu Tan hơn. Trong quân đội sẽ có những mức kỷ luật nhất định dù có thể người đứng đầu không muốn nhưng vẫn phải phạt để chỉnh đốn mọi người. Ví như khi Tan phạt một ai đó, thì Dinh cũng sẽ là người tới giải thích với người đó về nỗi khổ của Tan, về sự đúng sai của vấn đề. Ngay cả khi Dinh mắc lỗi, Tan cũng không niệm tình. Nhớ năm ấy dịp Tết, thức ăn khan hiếm nhưng vì thương đồng đội vất vả chiến đấu, Tan đã lấy suất thịt vốn là suất dự trữ cho cả tuần để nấu bánh chưng. Việc đó an ủi rất nhiều những người lính chiến đấu xa nhà nhưng lại là lãng phí quân lương. Khi ấy, Tan cũng phân tích đúng, sai sự việc và kỷ luật Dinh rất nặng. Dù xuất phát điểm là ý tốt nhưng lương thực khi đó đang rất cần thiết. Khỏi nói cũng biết, người đã bên Dinh cả đêm ở chòi chịu phạt khi ấy là Tan, vì cậu không muốn bạn mình cô đơn đêm Giao thừa. Thế rồi, người đội trưởng tình cảm nhưng nghiêm khắc ấy lại mãi mãi nằm xuống trong một trận giao tranh đầy kịch liệt với địch, hy sinh để bảo vệ một đồng đội khác. Ngày Dinh “tìm thấy” Tan, Tan đã bị thương rất nặng, anh không còn nói được gì nữa, chỉ cầm chặt tấm hình mẹ Côn ở trong tay, mắt ướt sũng nhìn Dinh. Dinh gật đầu, nước mắt tuôn rơi ngầm hiểu…
***
Ông Dinh khẽ thắp nén nhang lên bàn thờ, nơi để di ảnh của ba mẹ ruột ông, ba ông Tan và cả ông Tan rồi đứng lặng một lúc lâu. Ông Dinh còn nhớ ngày đất nước hòa bình, ông về quê đón bà Côn lên chăm sóc. Khi nhìn thấy chỉ có mình ông Dinh, bà Côn đã hiểu, con trai mình không còn nữa, nhưng khi thấy bóng dáng cao lớn của ông Dinh như đổ gục khi đưa di vật của ông Tan về với bà, bà đã gồng mình lên ôm lấy ông: “Má vẫn còn con…”. Câu nói đó làm ông Dinh nhớ tới tận bây giờ. Ông rất đau lòng khi một người thân nữa của mình ra đi nhưng ông đồng thời cũng hiểu mình là chỗ dựa của người ở lại.
Cuộc sống những ngày đầu còn khó khăn, hai mẹ con bảo ban nhau mà sống. Ông làm thầy giáo trên huyện, bà cũng vẫn gồng mình nhận đủ việc làm thêm ở nhà, lại còn bắt ông mở thêm luống ruộng, luống rau để trồng lúc rảnh rỗi. Sau đó, ông cũng có gia đình hạnh phúc với hai đứa con sinh đôi và người vợ tảo tần lúc nào cũng rất yêu thương và kính trọng bà Côn. Tới ngày giỗ hằng năm của Tan, hai mẹ con lại ngồi ôn lại những kỷ niệm cũ về Tan.
Bà vẫn hay bảo ông kể lại chuyện thời chiến đấu nhưng tuyệt nhiên bà không khóc vì bà luôn tự hào về những điều mà các con mình mang lại. Những khi nhìn lại quá khứ ba mẹ con, ông Dinh luôn thấm thía sự hy sinh cao cả của bà, nhớ những ngày ông còn nhỏ, mỗi khi địch rát, bà ôm hai đứa chạy xuống hầm trú ẩn, bụi khói nguy hiểm nhuộm trắng mái tóc đen tuyền của bà. Trong kí ức đã từ rất lâu rồi, hình ảnh người đàn bà nhỏ bé dang tay che chắn cho hai đứa con luôn tồn tại mãi trong kí ức của ông. Bản thân ông luôn cảm thấy vẫn chưa thể đền đáp được cho bà dù luôn tận tâm hiếu dưỡng, thậm chí luôn dạy bảo vợ con phải yêu thương bà như ruột thịt. Đối với ông, việc yêu thương bà không chỉ vì lời hứa với người đồng đội đã mất, mà còn vì công ơn dưỡng dục mà bà đã dành cho ông suốt cả cuộc đời…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin