Công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế non trẻ nhưng có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của đất nước. Với lợi thế sở hữu các di tích, di sản văn hóa, làng nghề…, Thái Nguyên có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp văn hóa và rất cần những cơ chế, chính sách để khai mở, thúc đẩy lĩnh vực này cất cánh.
Màn múa “Hương ngày mùa” do các em thiếu nhi Trung tâm nghệ thuật Little flowers biểu diễn tại Chương trình nghệ thuật “Hoa Núi” do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức. |
Ngành kinh tế mũi nhọn tương lai
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) được xem là tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế, giúp củng cố tính độc đáo của quốc gia và đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy bản sắc văn hóa; là công cụ hữu hiệu cho tăng trưởng, đổi mới kinh tế.
Theo các chuyên gia, phát triển CNVH sẽ giúp Việt Nam tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm - dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Đây cũng là chiến lược để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Với vai trò quan trọng như vậy, từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, trong đó có đề cập tới chủ trương “phát triển nhanh chóng CNVN”, gợi mở nhiều chính sách văn hóa quan trọng của Việt Nam.
Vở kịch “Bến nước thời gian” do Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn, mở màn đầu tiên cho Liên hoan kịch nói toàn quốc tại Nhà hát Ca, múa, nhạc dân gian Việt Bắc (tháng 6-2024). |
CNVN được đề cập chính thức tại Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong đó, phát triển CNVH được xác định là một trong những nhiệm vụ cụ thể. Năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển các ngành CNVH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là một bước tiến rất lớn khi chúng ta xác định rõ ràng về tầm quan trọng của các ngành kinh tế sáng tạo trong tổng thể phát triển kinh tế tri thức.
Theo số liệu thống kê, giá trị sản xuất của các ngành CNVH Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đạt khoảng 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD); đóng góp bình quân mỗi năm gần 4% tổng quy mô nền kinh tế. |
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành CNVH tổ chức cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm: Các ngành CNVH là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển lĩnh vực này.
Cụ thể quan điểm này, tháng 8-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 về phát triển các ngành CNVH Việt Nam. Trong đó, nhấn mạnh việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển lĩnh vực này; xây dựng sản phẩm, dịch vụ gắn với văn hóa đặc trưng vùng, miền, địa phương; thúc đẩy sử dụng các nền tảng số để tạo ra sản phẩm văn hóa…
Phát huy tiềm năng, lợi thế
Trong số 12 lĩnh vực của CNVH, Thái Nguyên có nhiều tiềm năng phát triển về du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn… Toàn tỉnh có trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa đã được kiểm kê, trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích; 57 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 237 di tích xếp hạng cấp tỉnh và hơn 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm đếm (trong đó 23 di sản trong danh mục cấp quốc gia).
Triển lãm Mỹ thuật tỉnh Thái Nguyên năm 2024 tổ chức tại Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc (tháng 10-2024). |
Những địa danh như: Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; không gian văn hóa trà Tân Cương; Thái Hải - làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022 do Tổ chức Du lịch thế giới bình chọn… là điểm nhấn để phát triển du lịch văn hóa. Thực tế, tỉnh đã xây dựng chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành trọng điểm, trong đó du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử và du lịch cộng đồng, nông thôn nằm trong nhóm sản phẩm đặc trưng.
Trên địa bàn hiện cũng sở hữu 277 làng nghề truyền thống, với nhiều sản phẩm đặc trưng gắn với cây chè và đồ mộc như mây tre, cọ,… để phát triển thủ công mỹ nghệ. Đối với thiết chế văn hóa, tỉnh có nhiều công trình tiêu biểu như: Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc với kiến trúc nổi bật đặc trưng, được trang bị cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Quảng trường Võ Nguyên Giáp; Khu di tích lịch sử Quốc gia địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915 (Đội 91 Bắc Thái)… Thời gian gần đây, tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động triển lãm, chương trình nghệ thuật, liên hoan văn nghệ thu hút được đông đảo lượng khán giả và du khách.
Ngoài ra, Thái Nguyên cũng có tiềm năng phát triển các lĩnh vực kiến trúc, thiết kế, thời trang, nhiếp ảnh; điều kiện về hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ chế thu hút đầu tư thông thoáng đối với lĩnh vực phần mềm và trò chơi giải trí. Tiềm năng, lợi thế phát triển CNVH của Thái Nguyên là rõ ràng, tuy nhiên để khai mở phát triển xứng tầm cần có một chiến lược dài hạn và giải pháp cụ thể để giúp lĩnh vực này đột phá, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định 12 lĩnh vực thuộc ngành CNVH, gồm: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin