“Giữ lửa” văn hóa truyền thống

Nhị Hà 11:18, 10/12/2024

Trong dòng chảy cuộc sống hiện đại, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số đứng trước nguy cơ mai một. Để khắc phục điều này, các cấp, ngành của tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, với điểm nhấn là tăng cường truyền dạy, cơ hội tiếp cận cho thế hệ trẻ và quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.

Phụ nữ dân tộc Sán Chay ở xóm Khuôn U, ở xã Na Mao (Đại Từ) lưu giữ nét văn hóa truyền thống bằng việc tự thêu thùa trang phục mỗi khi nông nhàn.
Phụ nữ dân tộc Sán Chay ở xóm Khuôn U, ở xã Na Mao (Đại Từ) lưu giữ nét văn hóa truyền thống bằng việc tự thêu thùa trang phục mỗi khi nông nhàn.

Mới đây, huyện Đồng Hỷ đã tổ chức thành công lớp truyền dạy, thực hành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lễ cấp sắc và chữ nôm Dao ở xã Hợp Tiến. Theo đó, 35 học viên chủ yếu là trẻ tuổi được học cách viết và thực hành các nghi lễ đặc trưng của dân tộc mình. Thời gian tổ chức các buổi học linh hoạt, nội dung gần gũi và cách truyền dạy dễ hiểu của các nghệ nhân sinh sống ngay tại xã là những lý do giúp lớp học phát huy hiệu quả tích cực.

Anh Triệu Sinh Thành, ở xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ): “Qua khóa học, bản thân tôi thêm hiểu biết và trân trọng hơn văn hóa của dân tộc mình. Từ đó tiếp tục truyền dạy, lan tỏa cho những thế hệ tiếp theo”.

Cùng với truyền dạy cho thế hệ trẻ, ngành Văn hóa và các địa phương trong tỉnh cũng tăng cường hỗ trợ, tổ chức các mô hình diễn xướng văn hóa dân tộc. Như ở Phú Lương, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã tổ chức hoạt động văn nghệ, bảo tồn văn hóa dân tộc Sán Chay tại các xã Tức Tranh, Vô Tranh và Phú Đô. Rất nhiều cháu nhỏ tham gia được truyền dạy điệu múa Tắc xình và biểu diễn làn điều Sấng cọ. Ngay sau tập huấn, một chương trình giao lưu văn nghệ giữa các câu lạc bộ trên địa bàn được tổ chức, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Trẻ em người Sán Chay ở xóm Khuôn U, xã Na Mao (Đại Từ) học chữ viết của dân tộc mình.
Trẻ em người Sán Chay ở xóm Khuôn U, xã Na Mao (Đại Từ), học chữ viết của dân tộc mình.

Tại Đại Từ, mô hình làng bản văn hóa cơ sở được thực hiện ở xã La Bằng, trong đó nòng cốt là các câu lạc bộ hát Then của dân tộc Tày. Hay mới đây nhất, tại xã Phú Thượng (Võ Nhai), lớp truyền dạy, bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể đã được tổ chức cho các nghệ nhân, trưởng xóm, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung được tập trung truyền đạt là bảo tồn tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn; tập quán xã hội (hương ước, nghi lễ truyền thống), thực hành nghi lễ Then… gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Theo thống kê, Thái Nguyên có 51 dân tộc cùng sinh sống (trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 30%), tạo nên sự đa dạng trong văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo. Để “giữ lửa” và “truyền lửa” giá trị văn hóa các dân tộc, các cấp, ngành trong tỉnh đã quan tâm lập hồ sơ đối với 8 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được công nhận; xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, giữ gìn các làng văn hóa dân tộc thiểu số; hỗ trợ các mô hình, câu lạc bộ dân ca, dân vũ về trang phục, đạo cụ, thiết bị âm thanh.

Các địa phương trong tỉnh duy trì thường niên ngày hội văn hóa các dân tộc để tạo môi trường cho nhân dân giao lưu, trao đổi và thưởng thức các di sản văn hóa đặc sắc, từ đó làm giàu thêm nét văn hóa đặc sắc của địa phương. Đồng thời, quan tâm phát huy vai trò của những nghệ nhân dân - lực lượng trực tiếp bảo vệ, thực hành và sáng tạo văn hóa, cũng là hạt nhân “truyền lửa” văn hóa truyền thống các dân tộc cho thế hệ sau.