Điều gì sẽ xảy ra nếu làn da không chống nắng hằng ngày?

Theo Thanhnien.vn 08:53, 16/02/2023

Nhiều người không có thói quen sử dụng kem chống nắng, kể cả khi ra ngoài trời nắng. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu làn da không được chống nắng cẩn thận hằng ngày.

Ánh nắng mặt trời là nguyên nhân hàng đầu khiến da sạm nám tàn nhang
Ánh nắng mặt trời là nguyên nhân hàng đầu khiến da sạm nám tàn nhang

Ánh nắng mặt trời chứa 3 loại tia cực tím bao gồm UVA, UVB và UVC. Trong đó làn da bị tổn thương chủ yếu bởi tia UVA và UVB.

Tia UVA (sóng dài) chứa lượng bức xạ tia tử ngoại lên đến 97% khiến làn da rám nắng, lão hóa sớm và xảy ra những tổn thương ở sâu bên trong da.

Tia UVB (sóng ngắn) gây ra những ảnh hưởng ở lớp ngoài cùng của biểu bì và là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cháy nắng. Thông thường, khoảng từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều, cường độ UVB được đánh giá là cao nhất trong ngày.

Bức xạ UVA và UVB có thể gây ra những điều bất thường trên làn da nếu không được chống nắng cẩn thận.

Các dấu hiệu thường gặp khi da không chống nắng

Lão hóa sớm

Tia UV có khả năng phá hủy collagen và mô liên kết trên da. Thời gian dài da sẽ mất đi tính đàn hồi, lão hóa xảy ra kể cả ở những người trẻ tuổi với biểu hiện da nhăn nheo, chảy xệ. Trong khi đó, việc bôi kem chống nắng đúng cách sẽ bảo vệ da tốt hơn, kiểm soát các vấn đề lão hóa ở cả nam giới lẫn nữ giới.

Bỏng nắng

Khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhất là vào thời điểm từ 10h - 14h nhưng không chống nắng và che chắn, da sẽ xuất hiện các vết bỏng được gọi là hiện tượng cháy nắng, biểu hiện là những mảng đỏ, nóng, đau và mụn nước.

Hiện tượng cháy nắng do da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Hiện tượng cháy nắng do da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

Ung thư da

Tia cực tím có khả năng tạo ra đột biến gen, tổn thương DNA gây ung thư da. Lúc này da sẽ hình thành một khối u ác tính do sự nhân lên nhanh chóng của các tế bào biểu bì. Sử dụng kem chống nắng có SPF >=15 sẽ giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ ung thư da.

Sẹo thâm sau mụn

Trường hợp đang bị mụn nếu tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời sẽ để lại sẹo thâm. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do bức xạ tia cực tím chiếu vào phần mô da đang được chữa lành gây hiện tượng tăng sắc tố sau viêm. Chứng tăng sắc tố sẽ được kiểm soát hiệu quả khi dùng kem chống nắng. Tuy nhiên, kem chống nắng chỉ nên bôi lên vết thương đã lành, không bôi lên vết thương hở.

Vỡ mạch máu

Bên dưới mô da là những mạch máu nhỏ li ti, chúng có thể tổn thương khi tiếp xúc với các tia UV. Khi đó, chất lỏng sẽ rò rỉ ra từ các mạch máu hình thành vết sưng đỏ trên da. Kem chống nắng hoạt động như một tấm khiên, ngăn cách da khỏi bức xạ tia cực tím có hại, hạn chế sự giãn nở của mạch máu.

Hệ thống miễn dịch yếu hơn

Kết quả từ các nghiên cứu cho thấy tia UV có thể làm thay đổi một số tế bào miễn dịch trên da, khiến hệ miễn dịch suy yếu, giảm khả năng bảo vệ tự nhiên của da.