Năm 1988, Lưu Quang Vũ hoàn thành vở kịch "Bệnh sĩ" và khép lại cuộc đời 40 năm nhiều thăng trầm. Vở kịch đã trở thành một hiện tượng lúc bấy giờ.
Đông đảo khán giả đến xem “Bệnh sĩ”. Ảnh: Quang Huy |
Tháng 8 vừa qua, Nhà hát Kịch Việt Nam đưa vở kịch nổi tiếng này tới khán giả Thái Nguyên tại Nhà hát Ca, múa, nhạc dân gian Việt Bắc. Vở kịch đã để lại ấn tượng sâu sắc trong công chúng. Những thông điệp tưởng như xưa cũ vẫn còn nguyên giá trị trong đời sống hôm nay.
Bối cảnh là một làng quê có tên Cà Hạ, dưới sự cố vấn của quân sư Văn Sửu, ông Chủ tịch Toàn Nha quyết định thay tên đổi họ xã Cà Hạ thành Hùng Tâm. Với quyết tâm "phấn đấu để mỗi sáng mai thức dậy, người dân Việt Nam đều mơ ước là dân xã Hùng Tâm", ông Chủ tịch đã gắn cho các xã viên những cái mác thật kêu. Từ đó, những người nông dân chân chất, thật thà được khoác các danh: Chủ nhiệm Trung tâm Công nghệ, Đội trưởng Xây dựng kiến thiết, Chủ nhiệm Công ty Dịch vụ, Chủ nhiệm Trung tâm Xay xát...
Cà Hạ vốn là xã thuần nông với nghề trồng lúa, chăn nuôi, nay bỏ bê công việc để chạy theo cái mác mới là xã công nghiệp, lấy nghề làm pháo và buôn lông ngan, lông vịt làm mũi nhọn.
Sau 8 tháng ra quân, điều hoành tráng nhất cả xã làm được là xây một trung tâm xã với kiến trúc "dân tộc kết hợp với hiện đại", cột theo kiến trúc La Mã, cửa vòm Hy Lạp nhưng ở giữa là đôi rồng chầu của… Việt Nam.
Ruộng vườn không ai trồng cấy, lợn gà không chăm nom, ai cũng mải chạy theo những “định hướng vĩ đại” mà ông Chủ tịch xã vạch ra. Rồi ông Toàn Nha quyết định làm lễ báo công sau tám tháng đổi mới. Ông cho mời nhà văn quốc gia, phóng viên truyền hình phỏng vấn về sự phát triển của xã mình.
Để “vải thưa che mắt thánh”, ông Toàn Nha và cố vấn Văn Sửu bày ra đủ trò gian dối. Ấy là việc ông Chủ tịch xã quyết định cho học sinh nghỉ học, mượn lớp học làm… chuồng lợn, biến thành khu chuồng trại chăn nuôi lớn. Kho lông ngan, lông vịt để làm nguyên liệu cho ngành sản xuất phất trần…
Một cảnh trong vở kịch “Bệnh sĩ” được công chiếu tại Nhà hát Ca, múa, nhạc dân gian Việt Bắc (TP. Thái Nguyên). Ảnh: Quang Huy |
Màn kịch được đẩy lên khi phóng viên truyền hình và ông nhà văn Chu Văn xuất hiện. Các xã viên “ai cũng biết chỉ có điều không nói” những trò gian dối, bởi đã trót gắn lên mình những cái danh hão. Mọi chuyện chỉ bị lật tẩy sau quá trình đấu tranh nội tâm của nhân vật Hưng. Anh công bố mình chỉ là thuyền trưởng tàu kéo xà lan chở phân đạm cho nông dân, chứ chẳng phải truyền trưởng tàu viễn dương nào cả.
Vở kịch kết thúc sau tiếng nổ "đoàng", do ông Toàn Nha trong lễ rước đuốc mừng công đã làm lửa bén vào kho thuốc pháo. Ông Toàn Nha bị thương tích, Văn Sửu và các xã viên cũng te tua vì trận nổ.
Diễn biến của tác phẩm là những tình tiết của hài kịch, khi hạ màn, triết lý sâu sắc được đưa ra. Câu hỏi của nhân vật Hưng: "Tại sao không yêu quý những điều thật thà, mà lại ưa những thứ giả dối" chính là thông điệp khiến vở diễn với bối cảnh xã hội xưa cũ vẫn giữ được giá trị trong đời sống hôm nay.
Vở kịch phê phán tính phô trương, háo danh, ham thành tích - những biểu hiện nổi cộm của thói sĩ diện mà Lưu Quang Vũ gọi là bệnh sĩ.
35 năm đã trôi qua, tưởng rằng trong xã hội hiện đại ngày hôm nay căn bệnh ấy sẽ khó còn “đất sống”, nhưng trên thực tế vẫn có một bộ phận không nhỏ đang đi vào vết chân của ông Chủ tịch xã Hùng Tâm ngày trước. Nhất là trong thời đại 4.0, nhiều người lên mạng xã hội “chém gió”, “sống ảo” khoe khoang nhiều thứ cốt để người khác phải trầm trồ, ghen tỵ. Cũng bởi muốn “sống ảo” nên đôi khi người ta quên mất mình đang ở đâu, mình là ai, mình đang làm gì.
Đã là bệnh thì phải chữa. Phương thuốc chữa trị ở ngay trong bản thân mỗi người, hãy sống thành thật, giản dị và khiêm tốn, hãy là chính mình với những gì mình đã và đang có.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin