“Ai… cốm… đơi..!”. Tiếng rao của cô gái nhẹ bẫng, mỏng mảnh lan giữa phố phường. Đôi quang gánh như chất đầy gió đung đưa theo nhịp chân của người thôn nữ. Nhìn dáng cô gái đổ ngang chiều dưới hoàng hôn tím lựng, mắt mẹ tôi ngân ngấn.
Minh họa: Thanh Hạnh |
Mấy năm nay sức khỏe yếu nên mẹ không thể tự mình ra phố. Các buổi chiều cuối tuần, tôi thường lái xe đưa mẹ đi cho khuây khỏa. Bao giờ qua một vòng các địa danh, mẹ cũng bảo tôi dừng xe bên đường Đội Cấn và lần từng bước lên bia di tích đình Hàng Phố. Rất nhiều lần tôi muốn đưa mẹ vào một quán giải khát nào đó, nhưng mẹ tôi không chịu.
Hồi còn sống, bà tôi kể: Bà quẩy gánh hàng khắp mấy con phố trong thị xã. Lúc mẹ cháu còn bé, không đủ sức theo bà, mẹ cháu vẫn ngồi bên bậu cửa đình Hàng Phố chờ. Gánh hàng đi bán nhưng bà nơm nớp lo. Mùa cốm, bà bán ngay trên sân đình. Mẹ cháu ngồi đó, bà đỡ lo hơn.
Một lần, bọn lính khố xanh đi qua, thấy gánh cốm của bà, chúng xúm lại vốc ăn. Ăn chán, chúng trút cốm vào mũ không thèm trả tiền. Tiếc của bà níu áo một thằng kéo lại. Không những không đòi được tiền, bà còn bị hắn đạp ngã.
Nạn đói năm Ất Dậu 1945, thị xã Thái Nguyên người chết đói la liệt. Không bán được hàng, nhà bà đói quay đói quắt, phải bứt từng cọng rau dại nấu cháo ăn. May ông cháu lên rừng chặt tre, nứa, xuôi bè thuê đong được mấy đấu gạo nên cứu được cả nhà.
Một lần nhìn bia di tích, biết bà mới qua lớp bình dân học vụ “giệt giặc đốt”, đánh vần từng chữ khó khăn, tôi nói vắn tắt: Tại đình Hàng Phố, ngày 19/8/1945, Bộ Chỉ huy Việt Nam Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, đã đặt Sở chỉ huy và tổ chức cuộc họp quan trọng có sự tham gia của quân đồng minh, tổ chức bao vây, tấn công quân Nhật, giải phóng thị xã Thái Nguyên.
Bà bảo: Bà chỉ muốn luyện chữ, chứ sự việc ấy ai chả biết. Đình Hàng Phố xưa nằm bên kia đường. Thời kỳ chống Pháp, đình và cả thị xã thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Vị trí đặt bia hiện chỉ mang tính biểu tượng.
Ngay sau Ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông tôi vào bộ đội, đi biền biệt và hy sinh tại mặt trận Điện Biên Phủ. Tôi không rõ trước Cách mạng Tháng Tám, cuộc sống của gia đình cơ cực thế nào, bởi cơ ngơi chỉ là mái nhà tranh, mảnh vườn nhỏ, mấy sào ruộng bên bờ sông Cầu.
Thời kỳ Mỹ cho máy bay ném bom phá hoại miền Bắc, bố tôi tình nguyện nhập ngũ. Trước khi lên đường ra mặt trận, tôi nghe bố dặn mẹ: “Em giúp anh chăm lo cho mẹ và các con. Thắng giặc Mỹ “nhà ngói, cây mít, sân gạch” anh trở về lo”.
Ngày chiến thắng, bố tôi trở về với đôi nạng gỗ, một bàn chân gửi lại chiến trường. Sau vài năm, với sự giúp đỡ của bà con lối xóm, bố tôi thuê thợ đóng gạch mộc định đốt nung xây nhà. Tuy nhiên, do nhu cầu xây dựng tăng cao, nhiều người hỏi mua, bố mẹ tôi quyết định chưa vội xây, bán gạch lấy tiền mở xưởng gạch. Mãi sau này, khi mảnh vườn lấy đất đóng gạch đã có thể tận dụng làm ao thả cá, bố mới gọi thợ xây đến dựng ngôi nhà khang trang.
Mùa vụ, đồng áng và gánh hàng rong của mẹ nuôi anh em tôi lớn lên. Cũng nhờ gánh hàng, chưa đi học tôi đã thuộc làu tên vài con phố trung tâm, dù chỉ nghe mẹ nói chứ không thấy gắn biển. Khác với mẹ hồi bé ngồi bậu cửa đình, tôi chỉ cần mẹ bảo bán hàng trên con phố nào, tôi cứ việc chơi đùa thỏa thích với đám bạn cũ mới, chơi chán đuổi theo mẹ vẫn kịp.
Tôi ấn tượng nhất là con đường từ Bảo tàng Việt Bắc tới chợ Bến Tượng với một bên là Vườn hoa Sông Cầu, một bên là dãy phố với cửa hàng, cửa hiệu san sát. Con đường nằm lọt thỏm dưới hai hàng cây cổ thụ, trong đó có những cây nhãn. Mùa quả chín, nhãn lúc lỉu đung đưa, tiếng chim chuyền cành ríu rít.
Nghe nói dãy phố này trước kia chủ yếu của các nhà buôn được xây cất bề thế đối diện vườn hoa Dây Thép. Tên vườn hoa người Pháp đặt nghe đâu là Kép Le, nhưng dân ta thường gọi theo tên tòa nhà truyền tin bằng dây thép rất tiện dụng thời đó. Khi thị xã Thái Nguyên thực hiện tiêu thổ kháng chiến, phố bị phá hủy. Hòa bình lập lại, một số chủ nhân dựng lại nhà cửa từ đống gạch vụn, rất ít nhà xây gạch mà chủ yếu dựng cột trát vách toóc xi, lợp lá cọ.
Mùa Thu sang gánh hàng rong được mẹ tôi thay bằng gánh cốm. Mấy sào ruộng bà và mẹ dành một nửa trồng lúa nếp, vừa để lấy gạo bán dịp lễ tết, vừa làm cốm. Dạo đó, người bán cốm còn ít, nên gánh cốm của mẹ chưa hôm nào ế hàng.
Thời gian đầu chỉ bà và mẹ tôi làm cốm. Thấy cốm bán cho thu nhập cao hơn bán gạo nếp, mẹ tôi hướng dẫn một số nhà gần cùng làm và cất bán. Nhiều đêm đã khuya chợt tỉnh giấc, tôi vẫn thấy mẹ và bà lụi cụi rang, giã cốm. Những hạt cốm màu xanh lá, ngọt thơm của mùi sữa lúa nếp non, bao mùa níu còng lưng mẹ như vành trăng khuyết.
Tôi không muốn gợi chuyện một thời vất vả của mẹ, nhưng không biết nói gì đành ngập ngừng:
- Có những con phố, chỉ vài tháng con không qua đã đổi khác, rất khó nhận ra. Hình như mẹ muốn tìm bóng phố xưa của cô hàng cốm?
- Trong cuộc đời, mỗi khoảnh khắc đều rất đáng sống, kể cả buồn vui, không có nó, chúng ta không là con người. Hình bóng phố xưa ở trong lòng mẹ, đâu phải tìm hả con? Mẹ thích làm cốm, bán cốm bởi nó mang thơm thảo từ đồng đất cho người.
Tôi lặng đi trước câu nói của mẹ. Mẹ chưa từng đọc cuốn sách nào, nhưng tuổi càng cao mẹ càng như có sự chiêm nghiệm. Mẹ chỉ hai cây xà cừ cổ thụ trước quảng trường:
- Mẹ quen bố con khi bán cốm bên gốc cây ấy. Mẹ nhận lời lấy bố con khi cùng ăn cốm trong Vườn hoa sông Cầu…
Tôi ngạc nhiên:
- Chuyện này bao nhiêu năm mẹ giấu?
- Những cái nhỏ nhặt, có gì đáng để kể đâu con!
* * *
“Ai… cốm… nào…!”. Tiếng rao của cô gái như chín thơm giữa phố phường, vành nón che nghiêng nụ cười trong chiều buông chấp chới.
Dường như mùa Thu Thái Nguyên kỳ ảo và có một điều gì đó thật linh thiêng. Tôi chợt thấy lòng mình lắng lại giữa âm sắc đầy huyền cảm của đất trời. Hình bóng thân thuộc từ mùa xưa của mẹ thấp thoáng hiện lên trong khói sương lãng đãng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin