Họ gặp nhau trên một chuyến tàu hỏa. Vô tình phát hiện ra chàng trai khoảng ba mươi tuổi ngồi ở hàng ghế đối diện chính là tác giả của những truyện ngắn gần đây được khá nhiều bạn đọc mến mộ, người đàn ông đứng tuổi nhổm hẳn người lên, đưa cả hai tay về phía trước mà nắm chặt lấy bàn tay bé nhỏ của nhà văn trẻ nọ:
- Trời ơi! Ra anh là Thủy Sơn? Tôi không thể tưởng tượng được rằng Thủy Sơn lại còn trẻ như thế này. Trời ơi! Thủy Sơn, một nhà văn mà bấy lâu nay tôi vô cùng ngưỡng mộ. Hôm nay, rất hân hạnh được biết mặt anh. Thật vinh dự cho tôi quá.
Minh họa: Thanh Hạnh |
Nhà văn trẻ có vẻ hơi ngượng trước những lời hơi thái quá của người đàn ông mới quen, khẽ nói:
- Có gì đâu bác. Em cũng chỉ là… một tác giả mới.
Rồi người đàn ông nài nỉ người ngồi cùng ghế với Thủy Sơn cho ông đổi chỗ để được cái vinh dự "ngồi bên cạnh nhà văn".
Định vị ở chỗ ngồi mới, ông tranh thủ nói luôn:
- Thưa với nhà văn là tôi yêu văn chương lắm. Ngày nào không bỏ ra được vài tiếng để đọc thì lòng dạ không sao yên được. Anh có biết không, cái truyện ngắn "Người đến muộn" của anh đăng trên báo Tác phẩm vừa rồi đã làm tôi thao thức mấy đêm liền. Tôi đã đau đớn, xót xa không kém gì nhân vật ông bố bị bỏ rơi trong truyện ngắn ấy. Tài thật! Cái triết lý anh đưa ra trong câu chuyện là cái triết lý của muôn đời.
Ông thở dài, chép miệng như lòng ông vẫn còn đang quặn đau cùng các nhân vật trong truyện. Một lát, ông gật gù:
- Giá trị của văn chương quả là to lớn. Một truyện ngắn chục trang mà có thể làm thay đổi cả nếp nghĩ của cộng đồng. Một bài thơ ngắn ngủi mà có sức mạnh bằng mấy sư đoàn.
Nhà văn trẻ giọng khiêm tốn:
- Thưa bác, nhưng cũng không nên qua kỳ vọng vào văn chương như vậy.
- Không! - Ông đập mạnh vào vai nhà văn trẻ, nói lớn - trái lại, phải kỳ vọng hết tầm vào văn chương. Văn chương đã làm cho cái thiện thắng cái ác, cái đẹp cải tạo cái xấu. Chính các anh chứ không ai khác đã dạy cho loài người biết sống cho ra sống.
- Vâng, quả bác nói cũng không sai, nhưng cũng ở chừng mực nào thôi, chứ…
Người đàn ông phấn chấn:
- Đúng quá đi chứ! À… thế nhà văn đã có nhiều đầu sách được xuất bản chưa?
- Dạ, em cũng chỉ mới được xuất bản hai tập truyện ngắn.
- Vậy hả? Tôi dám tiên đoán một cách chắc như đinh đóng cột là anh sẽ có những bước tiến rất xa. Giá như tôi có quyền thì điều đầu tiên tôi kiến nghị sẽ là lời yêu cầu với Hội Nhà văn phải chú ý bồi dưỡng những nhà văn trẻ đầy triển vọng như anh. Bởi vì người như anh không phải ở đâu cũng kiếm được.
Nghe lời khen có phần hơi bốc đồng của người đàn ông, Thủy Sơn cũng thấy vui. Vào cái thời dân chúng đang làm ngơ với văn chương như bây giờ mà có được những độc giả tâm huyết như người đàn ông này thì quả cũng đáng mừng cho giới cầm bút.
Tầu đỗ ga trung tâm thành phố. Nhà văn trẻ xin phép xuống tàu. Người đàn ông cứ nắm chặt tay Thủy Sơn như không muốn rời. Tưởng chừng cuộc chia ly như đã làm ông mất đi điều gì to tát lắm. Tận lúc nhà văn trẻ bước xuống tàu, ông mới sực nhớ ra vì quá say sưa với chuyện văn chương mà đến cái địa chỉ và điện thoại của con người nổi danh nọ ông cũng chưa kịp hỏi. Tiếc là tàu đã lăn bánh.
* * *
Người đàn ông đứng tuổi trên chuyến tàu hôm qua chính là trạm trưởng một trạm bưu điện ở ngoại ô thành phố. Bây giờ thì ông đang ngồi trên chiếc ghế giả da có hai tay ngai bành ra. Đó là loại ghế dành riêng cho các sếp. Ông trạm trưởng đang chăm chú đọc một loạt công văn, giấy tờ đọng lại trong kì ông nghỉ phép vừa qua.
Ông chợt ngẩng lên và… nhìn thấy nhà văn trẻ cùng đi chuyến tàu hôm qua đang bước tới phòng. Ông mở căng mắt, sợ mình nhìn nhầm. Ôi! Nhưng đích thị rồi. Đúng là con người tài danh ấy. Ông đứng bật dậy, xô người chạy ra vồn vã:
- Chào nhà văn. Sao anh lại biết tôi ở đây. Được anh đến thăm tệ xá này thật vinh dự cho tôi quá.
Nhà văn trẻ cũng ngạc nhiên reo lên:
- Hóa ra bác chính là trạm trưởng ở đây?
- Đúng vậy. Hôm qua mải chuyện văn chương mà quên cả giới thiệu nghề nghiệp.
- Vâng! Em là Thủy, nhân viên mới của bác đây. Em công tác ở Bưu điện Lào Cai, do hoàn cảnh gia đình được chuyển về tỉnh nhà. Chắc là bác cũng đã nhận được quyết định điều động của Bưu điện tỉnh?
Ông trạm trưởng ngớ người một giây rồi lại cười xòa, cho rằng nhà văn trẻ muốn đùa mình cho vui.
- Anh lại cứ đùa. Thôi, cất ba lô vào đây, ra ngoài quán làm chầu bia cái đã.
Nhà văn trẻ chìa tờ quyết định điều động:
- Vâng! Nhưng bác nhận tờ quyết định này cho em đã. Quyết định ghi rõ ràng tên em là Thủy. Nguyễn Văn Thủy ạ.
Trạm trưởng ngúc ngoắc đầu, nghi hoặc:
- Nhưng anh là nhà văn Thủy Sơn cơ mà.
- Thì viết văn thường có bút danh mà bác. Tên thật của em là Nguyễn Văn Thủy, cán bộ viễn thông, bây giờ đang là nhân viên của bác, của trạm bưu điện của ta.
Chừng như vẫn chưa tin vào tai mình, trạm trưởng cứ ú ớ mãi:
- Lạ thật… sao lại có cái sự lạ thế nhỉ…
Ông thấy lạ. Văn chương là thứ cao siêu mà sao lại có thể ra đời từ một nhân viên bưu điện quèn dưới quyền của ông nhỉ? Nhưng rồi khi cầm trên tay tờ quyết định từ tay nhà văn trẻ, ông mới dám tin đó là sự thật. Vậy, Thủy Sơn và Nguyễn Văn Thủy là một, cũng có nghĩa chàng nhà văn trẻ đang đứng giữa nhà kia bắt đầu từ hôm nay sẽ là nhân viên dưới quyền ông. Bay bổng thật! Nhưng mà sự việc đã đúng là như vậy.
Ông ngồi xuống ghế. Hai cái tay vịn bành ra như nhắc ông về cái chức trách trưởng trạm của mình. Ông là thủ trưởng, còn người đứng trước mặt ông kia, dù có nổi danh đến mấy thì cũng chỉ là nhân viên của ông, chịu sự điều hành của ông, sai trái là ông có quyền phạt. Mà hay thật! Dưới quyền ông lại là một "ông" nhà văn. Ở đời, đúng là lắm chuyện khó lường.
Ông ngẩng lên, đưa cặp mắt sắc đanh nhìn… cậu nhân viên mới. Thủy Sơn bỗng có cảm giác hơi ớn lạnh.
- Thôi được! Công việc của cậu ở đây là quản lí hơn năm trăm máy điện thoại cho cả vùng. Một công việc phức tạp đấy. Trước cậu, đảm nhiệm việc này là một nhân viên cũng còn trẻ như cậu. Anh ta suốt ngày đàn hát, văn nghệ văn nghẽo, không hề chú ý đến nhiệm vụ chính của mình. Tôi đã điều anh ta lên tận vùng sâu vùng xa.
- Rõ!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin