Không chỉ là một chí sĩ, nhà lãnh đạo tài năng, cụ Huỳnh Thúc Kháng còn là một nhà thơ yêu nước. Năm 1908, trước lúc chia tay các chiến hữu trong tù, bị đày ra Côn Đảo, cụ viết bài thơ "Bài ca lưu biệt". Bài thơ gồm 17 câu viết theo thể hát nói, được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân miền Trung thời Pháp thuộc, góp thêm một bông hoa tươi thắm trong vườn thơ ca yêu nước và cách mạng Việt Nam ở thế kỷ XX.
Bài ca lưu biệt
Trăng trên trời khi tròn khi khuyết
Người ở đời sao khỏi tiết gian nan
Đấng trượng phu tùy ngộ nhi an
Tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn
Tiền lộ định tri thiên hữu nhãn
Thâm tiêu do hứa mộng hoàn gia
Bấy nhiêu năm ngẫm cũng chưa già
Nọ núi Ấn, này sông Đà
Non sông ấy còn chờ ta thêu dệt
Kìa tụ tán chẳng qua là tiểu biệt
Ngựa Tái ông họa phúc biết về đâu?
Một mai kia con tạo khéo cơ cầu
Thảy bốn bể cũng trong bầu trời đất cả.
Ư bách niên trung tu hữu ngã
Dẫu đến lúc núi sụp biển lồi, trời nghiêng đất ngả
Tấm lòng vàng tạc đá vẫn chưa mòn
Trăng kia khuyết đó lại tròn…
Bài thơ đặc biệt ở chỗ tác giả viết bằng cả chữ Hán lẫn chữ Quốc ngữ và sử dụng nhiều điển tích. Trong 17 câu có 5 câu chữ Hán: Đấng trượng phu tùy ngộ nhi an (Kẻ trượng phu dù gặp hoàn cảnh nào cũng yên tâm chấp nhận). Tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn (Gặp hoạn nạn thì xử trí theo hoạn nạn). Tiền lộ định tri thiên hữu nhãn (Trên đường đi biết chắc trời luôn có mắt). Thâm tiêu do hứa mộng hoàn gia (Đêm khuya còn chiêm bao thấy về lại nhà). Ư bách niên trung tu hữu ngã (Trong khoảng trăm năm cần phải có ta).
Ngoài viết thơ chữ Hán, tác giả sử dụng đến 3 điển tích: “Tái ông thất mã” (Ông họ Tái mất ngựa); Trên đường đi biết chắc trời luôn có mắt; Đêm khuya còn mơ thấy về nhà…
Bài thơ mở đầu bằng hai câu song hành, đối xứng nêu lên một nhận xét về quy luật của tự nhiên và cuộc đời: "Trăng trên trời có khi tròn khi khuyết/ Người ở đời đâu khỏi tiết gian nan"; thể hiện một cái nhìn sáng suốt, bình tĩnh trước tai hoạ cuộc đời.
Hai câu tiếp là hai câu chữ Hán nói lên cách ứng xử của đấng trượng phu trước mọi biến cố, thử thách của cuộc đời: "Đấng trượng phu tuỳ ngộ nhi an/Tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn". Hai câu thơ chữ Hán xuất hiện đầy sáng tạo, làm nổi bật ý chí vững vàng, một tư thế hiên ngang, đàng hoàng của kẻ sĩ chân chính trước mọi thử thách ác liệt.
Khổ thơ giữa tiếp theo bừng sáng lên một niềm tin và tự hào về con đường cách mạng của mình đang đi, về đức tài của người chiến sĩ yêu nước: "Tiền lộ định tri thiên hữu nhãn - Thâm tiêu do hứa mộng hoàn gia". Câu thơ được tác giả viết bằng chữ Hán sử dụng điển tích “Trên đường đi biết chắc trời luôn có mắt” khéo léo và đầy sáng tạo trong một hoàn cảnh đặc biệt.
Con đường phía trước còn đầy chông gai, bị tù đày, nhưng là con đường sáng, con đường của sự nghiệp chính nghĩa, thì trời có mắt soi xét. Tin vào trời có mắt là niềm tin của dân gian, nhưng tin vào việc làm của mình theo lẽ phải, là niềm tin chính nghĩa.
Tác giả vững tin vào một ngày mai không xa sẽ trở lại nơi quê cha đất tổ, đem tài năng để góp phần "thêu dệt" điểm tô, quê hương được phục hưng và cường thịnh: "Bấy nhiêu năm cũng vẫn chưa già/Nọ núi Ấn, này sông Đà/ Non sông ấy còn chờ ta thêu dệt".
Bài thơ khép lại với những câu thơ biểu hiện khí tiết của đấng trượng phu trong hoạn nạn: “Dẫu đến lúc núi sụp, biển lồi, trời nghiêng, đất ngả/ Tấm lòng vàng, tạc đá vẫn chưa mòn/Trăng kia khuyết đó lại tròn”.
“Bài ca lưu biệt” là bài thơ hay, thể hiện niềm tin sắt đá vào con đường đã chọn của các nhà Duy tân và tinh thần lạc quan, luôn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc của chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin