Báo động dân số tăng nhanh

19:35, 08/07/2008

Tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 trở lên tiếp tục tăng cao trong khi việc thực hiện các biện pháp tránh thai giảm nhiều so với kế hoạch.

Theo báo cáo của Tổng Cục dân số (Bộ Y tế), chỉ riêng trong quí I/2008 số sinh tăng hơn 18.000 trẻ (tương ứng 7,2%) so với cùng kỳ năm 2007. Có tới 39 tỉnh, thành phố có số trẻ sinh ra nhiều hơn cùng kỳ năm 2007.

 

Mức sinh tăng, các biện pháp tránh thai giảm

 

Trong 4 tháng đầu năm 2008, tình hình thực hiện các biện pháp tránh thai giảm sút nghiêm trọng, cụ thể, số phụ nữ đặt vòng tránh thai mới là 484.408 ca (ước thực hiện trong 6 tháng đầu năm là 715.072 ca (giảm 76.880 ca) so với cùng kỳ năm 2007.

 

“Hậu quả của việc giảm sút nghiêm trọng các biện pháp tránh thai sẽ dẫn tới tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong năm 2008 tăng mạnh. Nhưng điều đáng lo ngại hơn là sự giảm sút trong kết quả thực hiện chương trình DS-KHHGĐ khó có khả năng chấm dứt trước tháng 12 năm 2008. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mức sinh, mức sinh con thứ 3 trở lên trong cả năm 2009”- ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) đưa ra những con số cảnh báo.

 

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, tỷ suất sinh thô năm 2007 đạt 17,45%0, giảm 0,25%0 so với năm 2006 và không hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao là 0,3%0 .

 

Theo số liệu báo cáo thống kê chuyên ngành dân số-kế hoạch hoá gia đình năm 2007, cả nước có trên 1,2 triệu trẻ sinh ra, tăng 11.647 cháu so với năm 2006. Trong đó, có 34 tỉnh, thành phố có số trẻ em sinh ra tăng so với cùng kỳ.

 

Có 16/64 tỉnh, thành phố có số sinh con thứ ba tăng cao so với năm 2006, điển hình là Sơn La tăng 57,7%, Bắc Ninh tăng 14,1%, Hải Dương tăng 13,8%.

 

Điều đáng chú ý là trước đây 2 khu vực đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long luôn là những khu vực có mức sinh thấp, đã đạt và thấp hơn mức sinh thay thế, nhưng năm 2007 lại có số trẻ sinh ra tăng cao hơn nhiều so với năm 2006.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Bá Thủy nhận định: “Công tác DS-KHHGĐ Việt Nam đang gặp phải những khó khăn thách thức rất lớn. Ngoài mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng trở lại thì kết quả thực hiện các biện pháp tránh thai giảm nhiều so với kế hoạch; hệ thống tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ có nhiều thay đổi, chậm được kiện toàn, nhiều địa phương thực hiện giải thể không đúng với tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Một bộ phận nhân dân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên cho rằng công tác DS-KHHGĐ đã đạt mục tiêu, dẫn tới việc coi nhẹ công tác này… Việt Nam vẫn là một nước nghèo, với 73% dân số nông thôn, các dịch vụ chăm sóc trẻ em và người già chưa phát triển, lại chịu ảnh hưởng sâu rộng của tư tưởng Nho giáo, muốn có đông con và phải có con trai để nối dõi tông đường”.

 

Đầu tư có lợi

 

Thứ trưởng Nguyễn Bá Thuỷ cho biết: Việt Nam hiện nay có qui mô dân số lớn đứng thứ 13 trên thế giới, chất lượng dân số thấp (xếp thứ 108/177 nước); chênh lệch giới tính khi sinh bước vào mức cao (khoảng 110 nam/100 nữ). Dự báo, dân số tăng tới 88 triệu người vào năm 2010 với số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sẽ tăng lên 24 triệu và khoảng 1,2 triệu phụ nữ mang thai và sinh con mỗi năm, trong đó có khoảng 1/5 là các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên.

 

Theo các nhà nghiên cứu, dân số tiếp tục tăng nhanh gây ra mối đe dọa đối với công tác xóa đói giảm nghèo ở hầu hết các nước châu Phi lớn hơn nhiều so với HIV/AIDS, và Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.

 

Tùy thuộc vào dịch vụ được cung cấp, các nhà nghiên cứu dự đoán rằng mỗi 1 USD chi cho KHHGĐ tự nguyện có thể tiết kiệm được cho Chính phủ tới 31 USD chi cho chăm sóc sức khỏe, nước sạch, giáo dục... Một phân tích chi phí lợi ích toàn cầu chỉ ra rằng, đầu tư 3,9 tỷ USD vào các biện pháp tránh thai cho phụ nữ ở những nước thiếu thốn nhất trong số các nước đang phát triển có thể ngăn ngừa được 52 triệu ca mang thai ngoài ý muốn và 22 triệu ca phá thai, và tiết kiệm được chi phí y tế. Theo báo cáo về chi phí-lợi ích của Việt Nam thì đầu tư 1 đồng cho kế hoạch hóa gia đình có thể tiết kiệm được 7 đồng cho chi phí y tế, giáo dục.

 

Ông Ian Howie-Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, kế hoạch hoá gia đình là một vấn đề mấu chốt trong Chiến lược dân số Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cần tăng cường vận động các nhà tài trợ và cam kết tài chính để bù đắp sự thiếu hụt 77,3 triệu USD (nguồn tài trợ cho các phương tiện tránh thai sẽ chấm dứt vào năm 2010) để có thể cung ứng hàng hoá phương tiện tránh thai cho thời kỳ 2006-2015. Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông chuyển đổi hành vi và thu hút nam giới tham gia tích cực vào KHHGĐ. Cần tổ chức các chiến lược truyền thông để giáo dục mọi người về những lợi ích của gia đình nhỏ.

 

Cần tiếp tục kiện toàn tổ chức

 

Việc giải thể Uỷ ban Dân số-Gia đình và Trẻ em đã khiến công tác dân số trong năm qua có phần bị lơ là. Ông Thuỷ cho biết: “Trong các chuyến công tác khảo sát về tình hình dân số tại một số địa phương, chúng tôi thấy có xã 4 năm nay không có người sinh con thứ 3. Nhưng từ khi Uỷ ban Dân số giải thể, số người sinh con thứ 3 tại xã này tăng vọt. Khi đoàn công tác lên huyện điều tra thì huyện lại bỏ sót, không thống kê tỷ lệ sinh ở xã này. Con số thống kê có thể là không chính xác, nhưng xu hướng sinh con thứ 3 tăng là có thật và ngày càng cao”.

 

Xây dựng lại đội ngũ những người làm công tác dân số và phong trào kế hoạch hoá gia đình là cả một chặng đường gian nan. Theo ông Tân, thời gian tới, công tác dân số nước ta phải được thực hiện bằng phương pháp của một cuộc “cách mạng”, phải kiên trì, lâu dài mới tạo được phong trào sâu rộng, đồng thời đòi hỏi một biện pháp điều hành thích hợp.

 

Theo thông tin ghi nhận được từ 10 đoàn công tác của Tổng cục DS-KHHGĐ đi kiểm tra, nắm tình hình tại 34 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, chỉ có khoảng 1/3 số huyện báo cáo thông tin lên tỉnh, còn lại  2/3 số huyện, hệ thống bộ máy làm dân số hầu như không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Do bộ máy cán bộ dân số cấp tỉnh chưa được định hình, nên ở nhiều địa phương, cấp huyện và cấp xã rơi vào tình trạng mất phương hướng. Cán bộ có tay nghề, nhiều kinh nghiệm tìm cách chuyển ngành, dẫn đến hiện tượng mất cán bộ giỏi.

 

Ông Nguyễn Văn Tân khẳng định: “Chúng ta đạt được thành công về công tác DS-KHHGĐ thời gian qua là nhờ công sức và tâm huyết của hơn 1 vạn cán bộ chuyên trách dân số và 15 vạn cộng tác viên dân số ở hơn 600 huyện, thị trong cả nước. Nếu không giữ và phát triển thêm đội ngũ này cộng thêm với tâm lý “ngành dân số giải thể là được đẻ thoải mái” của người dân, công tác dân số sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới”.