Chết vì thiếu thông tin

09:43, 03/07/2008

Mỗi năm, ở nước ta, bệnh ung thư cướp đi khoảng 150.000 người, chỉ sau bệnh tim mạch. Theo GS, TS Nguyễn Bá Đức -Giám đốc Bệnh viện (BV) K TƯ, 30% trường hợp ung thư liên quan đến chế độ ăn uống và ô nhiễm thực phẩm; chỉ có 2-8% là do môi trường, nghề nghiệp.

Trong khi đó, cả nước mới có 3 BV chuyên khoa; ngân sách y tế đầu tư không đáng là bao; trung tâm tư vấn phòng bệnh không có; sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng vẫn chỉ dừng lại ở mức văn bản, chỉ thị... Hậu quả tất yếu: 70% bệnh nhân khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Quá tải bệnh nhân ung thư

BV K TƯ có 10 phòng khám, mỗi ngày đón hàng trăm bệnh nhân, riêng năm 2007 đã có hơn 100.000 bệnh nhân tới khám, điều trị. Do chỉ có 570 giường nên đa phần bệnh nhân không có cơ hội điều trị nội trú. Ai có điều kiện kinh tế, hoặc có thẻ BHYT thì được nằm trên giường (ít nhất cũng 2 người/giường), còn lại phải thuê phòng ở ngoài với giá 70-100.000 đồng/phòng/ngày. Khoa Ung bướu của BV Bạch Mai cũng tương tự. 7 người không thể nằm chung nên giường phải nhường cho bệnh nhân nặng, người bị nhẹ hơn thì ra hành lang.

GS Phạm Thụy Liên, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam đưa ra một vài con số : Pháp có khoảng 63 triệu dân, mỗi năm có 262.000 người bị ung thư mới và tử vong là 144.000 người. Tính tổng cả cũ và mới, mỗi năm nước này phải chăm sóc cho 700.000 bệnh nhân ung thư. Nhưng ở Pháp có tới 20 BV chuyên về ung thư và có 130 khoa ung thư ở các BV đa khoa. Ở Việt Nam, có khoảng 200.000 bệnh nhân mắc căn bệnh này, nhưng cả nước mới có 3 BV chuyên về ung thư, tuyến cơ sở chỉ 4-5 tỉnh có khoa ung bướu nhưng hoạt động kém hiệu quả. Về nhân lực, bác sĩ lành nghề về căn bệnh quái ác này cũng dừng khiêm tốn ở con số gần 50 người.

Theo BV Bạch Mai, hiện viện phí điều trị một ca bệnh bằng dao Gamma Knife ở Việt Nam là 40 triệu đồng, tương ứng với 2.500 USD, giảm 93,75% so với điều trị một ca tương tự tại Mỹ (40.000 USD), giảm 86% so với điều trị tại Xin-ga-po (18.000 USD) và giảm 90% so với Hàn Quốc, Nhật Bản (20.000 USD).

5 triệu USD để giảm 50% ca tử vong

Hiện nay, 70% bệnh nhân ung thư khi được phát hiện đã ở giai đoạn muộn, vì vậy tỉ lệ tử vong rất cao. GS Phạm Thụy Liên đề xuất: Phải tập trung tuyên truyền để người dân hiểu mức độ nguy hiểm của bệnh nhưng nếu phát hiện sớm sẽ điều trị khỏi. Điển hình, 70% bệnh nhân ung thư dạ dày ở Nhật do phát hiện sớm đã được điều trị khỏi và ngành Y tế nước Nhật đang phấn đấu sẽ giải quyết 100% bệnh này. Việt Nam cũng hoàn toàn có thể làm được như thế nếu mỗi năm nhà nước đầu tư 5 triệu USD để đào tạo cán bộ chuyên môn cao từ tuyến cơ sở, để có thể tầm soát ung thư sớm cho người dân. Với nguồn kinh phí đó sẽ giảm được 50% số bệnh nhân tử vong do bị ung thư trong vòng 5 năm. Còn nếu cứ đủng đỉnh như hiện nay, GS Phạm Thụy Liên cảnh báo, vào năm 2015, số lượng người ung thư mỗi năm của Việt Nam sẽ lên đến hơn 400.000.

Theo PGS, TS Mai Trọng Khoa - PGĐ BV Bạch Mai kiêm Trưởng khoa Y học hạt nhân và Ung bướu, hiện những phương tiện chẩn đoán hiện đại vào loại hàng đầu thế giới như máy chụp cắt lớp mô phỏng phát hiện chính xác kích thước cũng như khối u trong cơ thể; dao Gamma Knife để điều trị khối u trong sọ não thay vì phải phẫu thuật; máy xạ trị gia tốc điều trị khối u; máy phát hiện di căn ung thư và ung thư bằng kĩ thuật hạt nhân... với nguồn kinh phí huy động từ xã hội hóa lên đến hàng trăm tỷ đồng đã có mặt tại Việt Nam. Mặc dù vậy, không phải người bệnh ung thư nào cũng biết và được điều trị. Với thực trạng này, câu chuyện về căn bệnh ung thư sẽ còn dài.