Hà Nội bước vào kỷ nguyên mới

07:52, 31/07/2008

Hôm nay, ngày 1-8-2008, Hà Nội lại một lần nữa “hóa thân” - như đã từng “hóa thân” gần 1.000 năm trước, khi trở thành kinh đô của nước Đại Việt; như đã “hồi sinh” 63 năm trước - với tầm vóc lịch sử, từ tầm cao thời đại, Hà Nội mở rộng, trở thành Thủ đô mới của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hội nhập, kỷ nguyên lạc nghiệp.

63 năm trước, cũng vào những ngày Tháng 8, từ một thành phố tiêu thụ, nửa thuộc địa, với Cách mạng Tháng Tám, Hà Nội đã trở lại vị thế Thủ đô của một dân tộc ngàn năm văn hiến. Và với vị thế ấy, Hà Nội của chúng ta đã được thế giới tôn vinh là “Thủ đô phẩm giá của con người”, “Thành phố vì hòa bình”.

 

Và Thủ đô mở rộng của nước Việt Nam rộng mở trong thời kỳ hợp tác và hội nhập toàn cầu, ảnh hưởng của Hà Nội đối với cộng đồng quốc tế sẽ đến đâu; có thể góp phần như thế nào để trở thành một biểu tượng mới rất cần cho một thế giới thứ ba đang vươn lên... là hoàn toàn phụ thuộc vào những quyết sách, việc làm cụ thể của chúng ta. Để Hà Nội xứng đáng đứng trong hàng ngũ 17 thủ đô lớn nhất thế giới không chỉ có khát vọng, ý chí đơn thuần và một quyết định mở rộng diện tích, tăng dân số là đủ.

 

Năm 1955 dân số hộ khẩu của thành phố khoảng 20 vạn, diện tích chừng 150km2. năm 1961 dân số tăng 2,5 lần, lên tới 50 vạn. Và Hà Nội mở rộng lần thứ nhất: Diện tích tăng gần 4 lần, từ 154 km2 lên 584km2; dân số tăng gần gấp đôi - từ 50 vạn lên 91 vạn. Năm 1978, Hà Nội mở rộng lần 2, nhưng lần này chủ yếu không vì đất chật người đông mà như một giải pháp tình thế vì nhu cầu “cơm áo” cho người dân. Với đợt mở rộng quy mô đó, diện tích Thủ đô tăng lên 2.136km2 và 2,5 triệu nhân khẩu. Năm 1991, đổi mới, Hà Nội thu về gần như cũ. Từ đó cho đến nay diện tích tự nhiên của Hà Nội là khoảng 900km2 còn dân số đã tăng rất đáng kể - 3,4 triệu người có hộ khẩu và 2 triệu người vãng lai. Bây giờ mở rộng Hà Nội thật sự là bài toán đất và người; phát triển và hội nhập. Để giải bài toán đó một cách triệt để, lâu dài, như nghìn năm trước cha ông đã giải quyết vấn đề định đô - một lần và cho muôn đời - từ hôm nay, 1-8-2008 Hà Nội mới của chúng ta sẽ là một vùng đất rộng trên 3.300km2 với đủ cả núi non, sông hồ, rừng quốc gia, rừng đặc chủng, khu nghỉ mát...; trên 6 triệu nhân khẩu, trong đó một nửa là nông dân. Với diện tích đó, địa hình đó, khí hậu đó, số người đó Hà Nội mới có đủ những điều kiện cần thiết để phát triển, trở thành một thủ đô đa chức năng với các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, công nghệ cao, các trung tâm khoa học, nghiên cứu, các trường đại học lớn...

 

Truyền thuyết kể lại, khi các con đã lớn mẹ Âu Cơ đưa 50 con lên rừng khai sơn phá thạch và từ đó núi rừng trở thành quê mẹ của người Việt. Cha Lạc Long Quân đưa 50 con xuống biển, mở mang bờ cõi, gây dựng sự nghiệp. Từ đó người Việt cứ nhắm phía mặt trời, hướng ra biển lớn mà phát triển...

 

Bên kia, phía Bắc sông Hồng là Mê Linh, quê của Bà Trưng; bên này, phía bờ Nam, địa phận xứ Đoài, là quê của Thi Sách. Hai dòng họ lạc hầu lạc tướng tính liên kết thông gia với nhau để tăng thế lực, mưu cầu một cuộc sống an bình cho dân. Hỡi ôi việc chửa thành công... Để trả thù nhà và gây dựng lại nghiệp xưa họ Hùng Hai Bà phất cờ khởi nghĩa:

 

Ngàn Tây nổi áng phong trần

 

Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên

 

Sự nghiệp của Hai Bà như một sự khởi nguồn cho truyền thống cháu con sau này - nhiều sự kiện lớn quyết định sự nghiệp giành lại chủ quyền dân tộc trong suốt những thế kỷ dài “mang gươm đi mở nước” đều xuất phát từ phía Tây rồi tiến về giải phóng kinh kỳ và cả non sông.

 

Cuối thiên niên kỷ 1, từ Đường Lâm xứ Đoài Phùng Hưng giải phóng Tống Bình, thủ phủ của Giao Chỉ thời Đường, mở đầu thời kỳ khẳng định chủ quyền quốc gia của người Việt. Cũng từ Đường Lâm xứ Đoài này Ngô Quyền đã hoàn thành sứ mệnh dựng lại nghiệp xưa họ Hùng, chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc. Đầu thế kỷ 15, trận đánh mang tính chất quyết định thắng lợi cuối cùng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là trận Chúc Động - Tốt Động, một vùng đất nay thuộc huyện Chương Mỹ, cách Hà Nội chừng 30km về phía Tây. Mũi đột kích thẳng vào Đống Đa, Thăng Long, do đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy với “tướng như từ trên trời rơi xuống, quân như từ dưới đất chui lên” vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 làm cho quân Thanh “người không kịp mặc giáp, ngựa không kịp đóng yên” được Nguyễn Huệ hoạch định thực hiện từ một hướng chúng ít ngờ nhất, hướng Tây. Năm 1946, để rút lên thủ đô kháng chiến, Bác Hồ đã đi về hướng tây và chính từ xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Bác đã viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Và cũng từ hướng này, một trong những đoàn quân huyền thoại của cuộc kháng chiến 9 năm đã ra đời với lực lượng nòng cốt là những chàng trai Hà thành hoa lệ - Đội quân Tây Tiến: “Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc”, “đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm”, dù biết rất có thể ngày mai “áo bào thay chiếu anh về đất”...

 

Hôm nay, bước vào thiên niên kỷ 3, mở đầu chương sử mới với tầm nhìn hướng ra biển Đông, theo hướng cha Lạc Long Quân vươn ra hội nhập cũng cộng đồng quốc tế, từ Thủ đô Hà Nội đang chuẩn bị Đại lễ nghìn năm thành lập, chúng ta đi ngược với những đoàn quân giải phóng xưa, trở lại vùng núi Tản linh thiêng, sông Đà huyền thoại, trở lại cội nguồn với Mẹ Âu Cơ. Để từ đây, từ đền Thượng trên đỉnh cao Ba Vì hội tụ hồn sông núi, chúng ta thắp nén nhang thơm kính cáo với tổ tiên, rằng kinh thành Thăng Long- Đông Đô - Hà Nội giờ đây từ hướng Cha ra đi mở cõi đã mở rộng về quê Mẹ, lập nên một Thủ đô mới của nước Đại Việt mới trong thời đại mới; rằng con cháu đã vĩnh viễn an cư và bắt đầu một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên lạc nghiệp.

 

Trải qua thăng trầm lịch sử vùng đất định đô của người Việt đã có nhiều tên gọi - Long Đỗ, Đại La, Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội... Nhà Nguyễn lên nắm quyền đã chuyển kinh đô vào Huế. Chữ Long với nghĩa Rồng, biểu tượng của vua, trong Thăng Long đổi thành Long với nghĩa là Thịnh vượng. Nhưng rồi Thăng Long với nghĩa gì cũng bị bỏ, thay bằng tên mới, cho “lòng người thôi hướng về chủ cũ”. Vua có thể hạ chỉ thay tên gọi, nhưng trong dân gian đất kinh bao giờ cũng vẫn một, không bao giờ thay đổi - Kẻ Chợ. Chợ do người họp mà thành, không thể cứ ra lệnh mà được. Vậy nên cuối cùng vùng đất này vẫn là Thủ đô của người Việt.

 

Các vị La Hán chùa Tây Phương sẽ không còn phân biệt được tiếng chuông thu không từ đâu vẳng lại - từ chùa Trăm Gian hay chùa Trấn Quốc; Tháp Rùa sẽ in bóng nước sông Đà khi trong khói nhang trầm Tổ tiên hiện về chứng kiến cảnh cha mẹ hội tụ trong ngày hội định đô mới, ngày hội an cư mở đầu kỷ nguyên Lạc nghiệp. Có thể các cụ không quen với bóng đá, nhưng trong ngày hội hôm nay chắc hẳn sẽ hài lòng với một sự kiện thể thao chỉ có được khi chúng ta hướng ra biển, vươn ra thế giới như cha ông mong ước - trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam và tuyển Ô-lim-pích Bra-xin!