Nghe câu “vác tù và hàng tổng” nhiều người thường nghĩ ngay tới các trưởng xóm bởi công việc của họ phải đảm trách rất nhiều nhưng lại toàn không tên và quyền lợi thì lại chẳng đáng kể gì. Với những thôn, xóm có tới 300, 400 hộ dân thì quả thực cái “tù và” mà họ phải vác thực sự là quá sức...
Vừa phe phẩy cái mũ, đồng chí trưởng xóm Nguyễn Văn Nhị vừa thông tin: “Xóm tôi có 240 hộ chính thức và vài chục hộ mới tách ra ở riêng nên tổng số hộ của xóm lên tới gần 300. Trong khi đó, mọi việc lớn bé từ kế hoạch sản xuất cho tới công tác an ninh trật tự đều cần sự có mặt trưởng xóm. Cùng với đó còn là công việc của gia đình. Để giải quyết hài hòa lợi ích riêng- chung, hàng ngày tôi phải dậy rất sớm làm nhà để còn có thời gian làm việc xóm. Với mức hỗ trợ 120 nghìn đồng/tháng so với lượng công việc phải làm của trưởng xóm hiện nay thực tế là quá thấp, may chăng thì đủ tiền xăng xe đi lại chứ nếu tính chuyện lợi lộc thì chẳng ai muốn có “chức” này.
Hiện nay, toàn tỉnh có 2.388 thôn xóm và 636 tổ dân phố, trong đó 73 thôn xóm, tổ dân phố có từ 200 tới 300 hộ dân. Cá biệt như xóm 6 của xã Sơn Cẩm (Phú Lương) có 313 hộ; xóm Trung, xã Điềm Thuỵ, Phú Bình có 432 hộ (gần bằng dân số của xã Na Mao, Đại Từ và một số xã phía Bắc của huyện Võ Nhai). Theo Quyết định số 13 ngày 6-12-2002 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ thì trưởng thôn, tổ trưởng nhân dân được giao 9 phần việc như: Tổ chức và chủ trì hội nghị của thôn; tổ chức thực hiện quyết định của thôn; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; tổ chức thực hiện hương ước; đảm bảo sự đoàn kết trong thôn.... Đặc biệt là trưởng thôn, tổ trưởng nhân dân phải thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch UBND cấp xã giao nên suốt ngày phải tất bật đi triển khai công việc. Nhiệm kỳ trưởng thôn kéo dài 2 năm, song nhiều người chưa hết nhiệm kỳ đã xin thôi với nhiều lý do khác nhau, do đó số cán bộ nhìn chung không ổn định.
Có thể vì lý do cấp xóm có nhiều đầu việc mà trong các cuộc tiếp xúc cử tri mới đây của đại biểu HĐND các cấp, nhân dân ở các xã như: Điềm Thuỵ, Nga My, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) và một số xã của huyện Đồng Hỷ đã đề nghị UBND tỉnh đồng ý chia tách những xóm có trên 300 hộ trở lên để thuận lợi cho công tác quản lý và phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, từ năm 2002 đến nay, Bộ Nội vụ đã có văn bản yêu cầu tạm dừng việc chia tách các xóm, tổ dân phố. Và theo ghi nhận của chúng tôi, việc chia tách này cũng không nên thực hiện nếu thấy không quá cần thiết vì nó có liên quan đến công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu và một số vấn đề khác của người dân.
Theo đồng chí Nguyễn Đức Tôn, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền địa phương (Sở Nội vụ): Cấp xóm là đầu mối nối dài của chính quyền cấp xã và hoạt động mang tính chất bán hành chính nên công tác quản lý ở đây chỉ có tính chất cộng đồng nhỏ. Do đó, nếu vì yêu cầu của công tác quản lý mà chia tách nhỏ các xóm là điều không cần thiết. Còn vì lý do công việc của trưởng thôn, tổ trưởng dân phố quá sức thì chúng ta nên xem xét lại quy trình, cách thức giao việc cho cấp xóm. Trong thực tế hiện nay chính quyền một số phường, xã đang lạm dụng để dồn việc về cho xóm trong khi họ không có những chức năng này. Về cơ chế, vừa qua, chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định nâng mức phụ cấp cho vị trí trưởng thôn. Theo quyết định này, phụ cấp đối với trưởng thôn loại I (có trên 200 hộ dân trở lên) được nhận hệ số 0,5 (tương đương 270 nghìn đồng/tháng), loại II được nhận hệ số là 0,4...
Theo chúng tôi, đối với những xóm có trên 300 hộ dân, tỉnh cần bổ sung thêm từ 1-2 phó trưởng xóm và có hỗ trợ cho vị trí công tác này để cùng chia sẻ công việc với trưởng xóm. Còn những xóm có trên 400 hộ dân thì cần có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ cho phép chia tách làm 2, tránh để “tù và” quá sức với khả năng gánh vác của trưởng xóm.