Mười cô gái, áo trắng, giắt hương bồ kết vào tóc chưa chịu theo chồng... Đã 40 năm qua đi, ở Ngã ba Đồng Lộc:
“Những ngọn đồi không tên đã kịp thành di tích
Mười cô gái, áo trắng, giắt hương bồ kết vào tóc
chưa chịu theo chồng...
Trời Đồng Lộc chỉ xanh, không yên ả
Hoàng hôn “cong” như quầng lửa… bom thù.
Đừng bắt tội câu đò đưa huyền thoại
Như em, bao người bước qua cuộc chiến tranh
cũng trẻ mãi không già…” (*)
…
Ngày 20-7, trời Can Lộc (Hà Tĩnh) khô rang, nóng bỏng. Thế mà, chỉ vượt qua cầu Tùng Cóc trên đường 15 – cửa ngõ vào Ngã Ba Đồng Lộc – trời như dịu hẳn lại, trong làn gió nhẹ thoang thoảng mùi hương trầm…
Từng đoàn xe chở khách tham quan đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong sự trang nghiêm, kính cẩn, chẳng ai to tiếng vì sợ làm kinh động đến linh hồn hàng nghìn liệt sĩ. Đồng Lộc giờ chẳng có khói bom mà lúc nào cũng thoang thoảng mùi hương trầm... Thế nhưng, những câu chuyện về Đồng Lộc của 40 năm trước vẫn còn đó, trong mỗi con người của một thời chiến tranh, từng tấc đất, đoạn đường, ngọn núi...
Khu mộ Mười nữ Anh hùng – liệt sĩ TNXP không lớn, tĩnh lặng đến lạ thường bởi ai vào đây cũng rón bước chân thật khẽ. Lẫn trong tiếng rì rào của những cây thông cổ thụ là những tiếng khóc nấc nghẹn của những cựu chiến binh đã kinh qua chiến tranh, dày dạn đạn bom; tiếng khóc nức nở của những cô cậu học trò khi nghe hướng dẫn viên kể về sự hy sinh anh dũng trong tư thế sẵn sàng lao ra mặt đường san lấp hố bom của chị: Trưa ngày 24 - 7 - 1968, như mọi ngày, 10 cô ra làm nhiệm vụ. 16 giờ 30 phút trận bom thứ 15 trong ngày giội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi 10 cô đang tránh bom. Họ đã ra đi ở tuổi xuân, tuổi đẹp nhất của đời người…
Gần đến ngày giỗ của Mười nữ Anh hùng – liệt sĩ TNXP của tiểu đội 4, đại đội 552, Tổng đội TNXP 55 nên ai đến Đồng Lộc cũng mang theo những thẻ hương, đồ lễ thắp hương cho các chị… Những ngôi mộ - ngày nào cũng được các cán bộ của BQL Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc và các em học sinh, khách tham quan nhẹ tay lau từng chút bụi, trắng như bạch ngọc – đầy ắp chân hương và các đồ lễ. Một đoàn học sinh mặc đồng phục của Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật (thành phố Vinh, Nghệ An), lặng lẽ chia nhau những chiếc gương, lược, chùm bồ kết, những bông cúc trắng thật tươi… đặt trước từng ngôi mộ, thắp hương và các em cùng khóc…
Ngủ đi các con! Trời đã lại xanh rồi
… Mẹ sẽ gọi tên con mình: Hường, Nhỏ, Rạng, Xuân, Xanh
Tần, Cúc, Hà, Hợi, Xuân ơi, các con ngồi lại
Mẹ lấy nước sông La, bồ kết chợ Nầm gội đầu cho con nhé
Sẽ hết mùi khói bom và bụi trần chiến địa
Ngủ đi các con! Trời đã lại xanh rồi
Câu thơ trong bài thơ “Lời ru của mẹ” của tác giả Bùi Minh Tuệ đưa chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ nằm sát bên bờ sông La ở thôn 2, Trung Hòa, xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Trong ngôi nhà nhỏ ấy, mẹ liệt sĩ Hà Thị Xanh - cụ Trần Thị Chút, năm nay 88 tuổi - đã làm 39 cái giỗ cho các chị và đang chuẩn bị cho lần giỗ thứ 40.
Lặng lẽ bên bậc cửa, mẹ tỉ mẩn ngồi bới đi, bới lại mấy ống gạo nếp, nhặt từng hạt sạn, hạt lép. Cô Hà Thị Hương, con gái út cụ Chút, em ruột liệt sĩ Hà Thị Xanh nói với chúng tôi: “Cứ đến ngày giỗ của các chị là mẹ lại chọn từng hạt gạo nếp đồ xôi, vót đủ 10 đôi đũa bông, lau sạch 10 chiếc bát hoa… để làm giỗ cho các chị. Hồi các chị còn sống, mẹ đã đi bộ hàng chục cây số, ra tận Đồng Lộc để thăm các chị. Tần, Cúc, Hà, Hợi, Xuân Hường, Nhỏ, Rạng, Xuân, Xanh… chị nào mẹ cũng quý như con đẻ vậy”.
Đã bước sang tuổi 88, nhưng mẹ Chút vẫn khỏe và minh mẫn lắm. Vừa bổ cau, móm mém nhai trầu, mẹ Chút vừa kể: “Hồi còn ở nhà với mẹ, cô Xanh hiền lắm! Cô ít nói nhưng làm gì cũng chăm chỉ. Nhà có 8 anh chị em, nhưng việc gì khó, nặng nhọc cô Xanh đều nhận làm cả. Nhà gần sông La nên mỗi khi đi làm đồng về, cô lại ào xuống chiếc bến sau nhà tắm. Lâu rồi, cô Xanh không về, bến sông vắng hẳn…”.
Năm 2007, ngày giỗ thứ 39 của các chị, mẹ Chút nhất định đòi vợ chồng chị Hương cho ra Ngã Ba Đồng Lộc để thắp hương cho các chị. Thương mẹ, hai vợ chồng chị Hương phải bán đi hơn một tấn thóc, thuê hẳn một chiếc xe ô tô đưa mẹ đi. Chị Hương nghẹn ngào: “Hôm ấy, thắp hương xong, mẹ lần đến từng ngôi mộ, ghé mặt nhìn từng tấm di ảnh của các chị… Đến tận đêm, khi không còn nhìn tỏ được nữa, mẹ mới chịu về”.
Cũng như mẹ Chút, mỗi lần đến ngày giỗ các chị, mẹ Trần Thị Khuyên, mẹ của liệt sĩ Võ Thị Hà, năm nay 92 tuổi, ở thị trấn Đức Thọ, Hà Tĩnh, đều nhắc các con làm đủ 10 bát cơm, 10 quả trứng, 10 đôi đũa bông, 10 ngọn nến… để cúng đều cho các chị.
Từ 4 tháng nay, mẹ Khuyên trở bệnh, nằm liệt giường, mọi sinh hoạt đều do cô con dâu Nguyễn Thị Phương Vinh đảm đang chăm sóc. Chị Vinh bảo: “Mẹ bị tai biến mạch máu não từ hồi tháng 3 – 2008, gần như chẳng trò chuyện với ai được. Thế mà hôm qua, mẹ như khỏe lại, nhắc vợ chồng tôi phải làm giỗ cho các chị chu đáo. Mẹ còn dặn kỹ: Chị Hà mê đọc sách, chị Tần hay viết thư… nên ngoài những đồ cúng lễ khác phải có thêm sách và giấy trắng ”.
Nằm trên gường bệnh, nhưng mẹ Khuyên vẫn nhớ lần cuối cùng mẹ đến Ngã Ba Đồng Lộc năm 1990, đúng vào đợt tỉnh Hà Tĩnh cải táng, quy tập hài cốt các chị từ nghĩa trang của huyện Can Lộc về Khu tưởng niệm tại Ngã Ba Đồng Lộc. Ngày ấy, dù tuổi cao, sức yếu, nhưng mẹ Khuyên nhất quyết xin với ban tổ chức được cầm cuốc tham gia đào huyệt và thả từng nắm đất mịn, lấp mộ cho các chị…
Trở lại với Ngã Ba Đồng Lộc. 40 năm đã trôi qua, vùng “đất thiêng”, “Thánh địa thanh niên xung phong” – ngã ba Đồng Lộc đã đổi khác rất nhiều. Hàng ngàn hố bom sâu hoắm đã được san phẳng để trồng cây xanh và xây dựng các hạng mục di tích. Chỉ còn lại chiếc hố bom – nơi mười nữ TNXP đã hy sinh - được giữ nguyên trạng. Ngồi dưới tán những cây thông đã 40 năm tuổi, hướng dẫn viên của BQL Khu di tích Đào Anh Tuân kể câu chuyện: Cách đây vài năm, những cánh rừng thông ở Hà Tĩnh bị nạn sâu róm hoành hành, cây nào cũng cháy đỏ, trụi hết lá. Nhiều rừng thông của huyện Can Lộc cũng lâm nạn. Riêng những cây thông ở Ngã Ba Đồng Lộc vẫn xanh, chẳng có con sâu nào bén mảng đến. Phải chăng, những cây thông ở Đồng Lộc – những cây mọc lên từ “đất trộn với máu tươi” của hàng ngàn liệt sĩ – vì mang trong mình những linh hồn bất tử nên mãi mãi xanh tươi.