Nhà ở cho cán bộ công chức, bài toán chưa có lời giải

08:22, 30/07/2008

Hàng trăm nghìn công chức buộc phải ở chung với gia đình vì không “tách” ra nổi khi lương cả đời không mua nổi căn hộ 30m2. Hàng trăm nghìn công nhân khác phải bỏ ra 1/4 số tiền lương “còm” hàng tháng để thuê trọ trong những căn phòng 3-4 người ở chung, tồi tàn và nhếch nhác.

700 nghìn công chức đang phải ở nhờ, ở tạm

 

Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết, hiện cả nước có 2 triệu cán bộ, công chức (CBCC), nhưng chỉ khoảng 2/3 số này có nhà riêng. Nếu như tỉ lệ CBCC có nhà riêng tại các địa phương là khá đều nhau (Đà Nẵng 77%; Long An, Lạng Sơn: 61%...), thì diện tích bình quân lại khá chênh lệch (Lạng Sơn, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội có diện tích thấp nhất 7-7,5 m2/người; TP.HCM 12m2/người; Long An: 15m2/người và cao nhất là Đà Nẵng: 20m2/người).

 

Nhìn chung, về chất lượng nhà ở chỉ có khoảng 55% là kiên cố, 40% bán kiên cố, còn lại là nhà tạm.

 

Có khoảng 1/3 số CBCC vào biên chế từ trước năm 1992 được phân phối nhà ở. Nhưng số này làm việc lâu, đã nghỉ hưu và chiếm tỉ lệ nhỏ - tương đương với khoảng 5% so với tổng số CBCC hiện đang làm việc. Và những ngôi nhà phân phối chủ yếu xây dựng trong những năm 60-70 của thế kỷ trước nên đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

 

Số còn lại, khoảng 700 nghìn CBCC chưa có chỗ ở ổn định, phải ở ghép hộ với bố mẹ, người thân, một số đi thuê, ở nhờ, ở tạm. Những chỗ ở kiểu này thường chật hẹp, giao thông khó khăn, vệ sinh môi trường kém…

 

Nói về những thực trạng trên, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN chia sẻ: "Giá nhà hiện nay ở các đô thị lên tới hàng chục triệu đồng/m2. Với thu nhập thấp của phần đông CBCC (mức lương tốt nghiệp đại học khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng) thì có tích lũy lương cả đời lao động cũng không thể mua nổi, dù là một căn hộ chỉ khoảng 30m2".

 

Khốn khổ công nhân thuê trọ

 

Theo số liệu thống kê từ các khu công nghiệp trong cả nước, có đến 700 nghìn lao động là người ngoại tỉnh đến làm việc, có nhu cầu thuê nhà ở. Chỉ có khoảng 10% số lao động này được ở trong các khu nhà xây bằng nguồn vốn ngân sách của nhà nước hoặc tiền của doanh nghiệp. Còn lại, tất tật phải tự thu xếp thuê nhà trọ ở các khu dân cư gần khu công nghiệp.

 

Nếu ở nhà trọ do doanh nghiệp xây (có tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai) thì chất lượng khá hơn theo kiểu tập thể 3-5 tầng. Tuy nhiên, cuộc sống của công nhân bị tách biệt với cộng đồng dân cư xung quanh (do nằm trong khuôn viên của doanh nghiệp) và thiếu các công trình hạ tầng xã hội đi kèm nên nảy sinh nhiều bất cập.

 

Nhà dân xây cho công nhân thuê cũng nhiều kiểu, nhưng phổ biến nhất là làm tạm trên đất vườn, đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Nhà được xây thành dãy, tường gạch, lợp mái tôn hoặc mái bro xi-măng, mùa hè tăng độ nóng ẩm, mùa đông lạnh.

 

Thậm chí, có nơi cả mái và tường ngăn che còn bằng phên lá. Nấu ăn và vệ sinh giữa các phòng là chung nhau và hệ thống chữa cháy, ngay đường cấp điện cũng không an toàn. Diện tích mỗi phòng chỉ chừng 12-14m2 dành cho 3-4 công nhân sử dụng.

 

Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, nhà trọ của công nhân không đảm bảo những điều kiện tối thiểu về vệ sinh, điện, nước. Điều này góp phần làm cho chất lượng sống của công nhân thấp. Ăn ở chật chội, nhếch nhác, sinh hoạt khó khăn, không tivi, đài báo. Giá thuê những phòng trọ như thế này ở các thành phố lớn bình quân rơi vào quãng 200-250 nghìn đồng/tháng, tỉnh lẻ thì rẻ hơn 60-150nghìn đồng/tháng.

 

Trong khi đó, thu nhập của công nhân tại Hà Nội phổ biến ở mức trên dưới 1 triệu đồng/tháng. Như thế tiền thuê nhà đã chiếm 1/4 tổng thu nhập, chưa kể chi phí sinh hoạt đời thường khác.

 

Và thực tế đã chứng minh, tình trạng hàng trăm nghìn công nhân nhập cư làm việc trong các khu công nghiệp nhưng thiếu chỗ ăn ở, đang làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp tại các địa phương.

 

Giải quyết vấn đề nhà ở cho CBCC vẫn đang là "bài toán khó" đối với nhiều tỉnh, thành.