Những đóa hoa bất tử trong lòng thành phố Thép

15:24, 14/07/2008

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng khi nhắc đến lực lượng thanh niên xung phong, mọi người đều không thể quên huyền thoại về những con người quả cảm thuộc đội thanh niên xung phong 91, trong đó có sự hy sinh anh dũng của 60 TNXP (thuộc đại đội 915) khi đang làm nhiệm vụ tại ga Lưu Xá (Thái Nguyên).

Đội 91 TNXP Bắc Thái gồm các đại đội 911, 912, 913, 914 và 915, biên chế trên 3.000 đội viên được thành lập ngày 18-1-1966 , nhiệm vụ đầu tiên là mở tuyến đường mới từ Thác Giềng vào huyện Na Rì (Bắc Kạn). Sau này khi hoàn thành tuyến đường, đại bộ phận quân số của đội làm công tác đảm bảo giao thông ở các trọng điểm bị máy bay địch đánh phá, số còn lại làm nhiệm vụ mở đường mới. Kể từ khi thành lập cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Đội 91 TNXP luôn là điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua của tỉnh Bắc Thái.

Đại đội 915 là đơn vị trẻ nhất, được thành lập cuối tháng 6-1972, biên chế trên 100 người, chỉ huy đại đội là đồng chí Triệu Đức Việt, dân tộc Nùng, quê ở xã Đồng Lạc, Chợ Đồn (Bắc Kạn). Trong vòng gần 6 tháng sau khi thành lập, đại đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm giao thông ở các trọng điểm thường xuyên bị máy bay Mỹ ném bom bắn phá như tuyến đường lB Lạng Sơn - Thái Nguyên, cầu Gia Bảy ( T.P Thái Nguyên), cầu Đa Phúc (Phổ Yên), cầu Mây (Phú Bình)...

 

Cuối năm 1972, chiến tranh ngày càng ác liệt, Cảng Hải Phòng bị máy bay Mỹ thả thủy lôi phong toả, các kho trung chuyển hàng hóa trên tuyến giao thông từ Lạng Sơn về Hà Nội bị máy bay địch đánh phá hết sức ác liệt nhằm ngăn cản ta tiếp nhận hàng viện trợ của các nước bạn tiếp tế cho mặt trận. Do ở gần biên giới Việt-Trung, nên Thành phố Thái Nguyên trở thành nơi trung chuyển hàng hóa hết sức quan trọng, ga Quán Triều, Lưu Xá trở thành hai “cảng nổi” tiếp nhận, vận chuyển hàng quân sự phục vụ tuyền tuyến.

 

Từ ngày 19 đến 30-12-1972, đế quốc Mỹ dùng máy bay B52 mở cuộc tập kích đường không chiến lược, bắn phá thủ đô Hà Nội, T.P Hải Phòng, T.P Thái Nguyên và một số tỉnh, thành phố khác tại miền Bắc. Khi đó, tại ga Lưu Xá và Quán Triều còn tồn đọng gần 20.000 tấn lương thực và hàng hóa các loại, việc giải tỏa lương thực, hàng hóa tồn đọng trở nên cấp bách và gặp rất nhiều khó khăn.

 

Chiều 23-12-1972, ủy ban hành chính tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Đội 91 TNXP cử cán bộ, đội viên thực hiện giải tỏa lương thực tại ga Lưu Xá, việc giải toả chỉ làm ban ngày, ban đêm phải rút khỏi vùng trọng điểm để tránh thương vong. Đội phó Đội 91 Nguyễn Thế Cường và 66 cán bộ, đội viên Đại đội 915 (trong đó 2/3 là nữ lứa tuổi từ 17-20) đã hăng hái, xung phong nhận nhiệm vụ mặc dù họ biết rõ rằng đây là địa bàn trọng điểm đánh phá của máy bay địch, rất có thể sẽ bị hy sinh.

 

Từ sáng sớm ngày 24-12-1972, 66 đội viên TNXP của Đại đội 915 đã dốc toàn lực giải tỏa hàng tại kho Lưu Xá. Sau một ngày lao động cật lực, hàng chục tấn lương thực đã được chuyển đi, nhưng số hàng còn lại vẫn rất nhiều. Trời tối và thời điểm rút quân theo kế hoạch đã đến, nhìn số lương thực tồn đọng có nguy cơ bị máy bay địch phá hủy trong đêm quá lớn, anh chị em trong đội không đành lòng. Vậy là mệnh lệnh rút quân ra khỏi vùng trọng điểm bắn phá của máy bay địch đã không được thực hiện, Đội phó đội 91 Nguyễn Thế Cường quyết định chỉ huy đơn vị di chuyển đến hầm trú ẩn của khu nhà trẻ ga Lưu Xá gần đó chuẩn bị ăn tối rồi tiếp tục làm việc. Vừa di chuyển đến hầm, chưa kịp ăn tối, máy bay B52 của địch ào tới, một loạt bom đã đánh trúng vị trí hầm trú ẩn của đội. 60 cán bộ đội viên TNXP đã anh dũng hy sinh. Chỉ còn 7 đội viên trú tại một ngách giao thông hào may mắn sống sót, sau này họ chính là những nhân chứng quý giá của một khúc tráng ca anh hùng.

 

Chiến tranh đã lùi xa, thời gian đang dần xóa nhòa đi những vết tích của chiến tranh nhưng tinh thần quả cảm, sẵn sàng hy sinh thân mình vì đất nước của các anh, các chị thì mãi mãi không phai mờ. Sau thời gian hoàn chỉnh tư liệu, hồ sơ đến nay tỉnh Thái Nguyên đã hoàn tất các thủ tục đề nghị Đảng, Nhà nước xét tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Đội 915 TNXP Bắc Thái.