Vừa thu hoạch xong vụ vải thiều, vợ chồng ông Lương Thế Vinh, tổ 10, phường Tân Lập, T.P Thái nguyên lại tất bật chăm bón 150 gốc gấc giống lai, 200 gốc chanh, hơn 1.000 gốc quất và 6 con bò.
Mỗi năm, trên diện tích 1,7 ha đất vườn đồi, gia đình ông Vinh có mức thu nhập trên 40 triệu đồng, đã trừ chi phí. Ông tâm sự: Để vườn cây ăn quả cũng như vật nuôi của nhà đem lại hiệu quả kinh tế, tôi thường xuyên đến các mô hình nông dân sản xuất giỏi để học tập, còn cán bộ khuyến nông, với tôi-họ là những người thầy.
Ông Vinh người gốc Hà
Ông Lý Thành Coóng, Trạm trưởng Trạm khuyến nông thành phố Thái Nguyên khiêm tốn: Trách nhiệm của chúng tôi là hướng dẫn, trang bị cho nông dân kiến thức về KHKT sản xuất mới. 6 tháng đầu năm 2008, đơn vị đã tổ chức được 59 lớp tập huấn cho gần 3.000 lượt nông dân về kỹ thuật gieo trồng, chăm bón cây, con. Được biết, đã hơn 30 năm nay ông Coóng gắn bó đời mình với công việc khuyến nông, nên hầu như những lão nông cao tuổi thuộc đất thành phố đều quen biết, quý mến, coi ông như người nhà. Bà Nguyễn Thị Mựu, 91 tuổi, xóm Bình Dân, phường Hương Sơn bảo: Ngày trước, tôi làm ruộng do cán bộ HTX “cầm tay, chỉ việc”, bây giờ, nông dân phải đi học nghề nông, ngay cả việc cấy lúa, nuôi gà cũng phải học.
Thời của bà Mựu làm nghề nông chủ yếu trông đợi vào kinh nghiệm. Việc cấy lúa, trồng khoai… đều " trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm". Phải năm thời tiết khô hạn thì "Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống"… Bây giờ nông dân là những người làm chủ ruộng đồng bằng kiến thức KHKT, việc sản xuất của các hộ cũng năng động hơn, hầu như các hộ có kinh tế khá giả đều là người chịu bươn trải, lăn lộn thực tế và biết ứng dụng các biện pháp KHKT trong sản xuất. Chị Nguyễn Thị Dung và chị Định Thị Mai Liên, cán bộ Trạm cho biết: Nông dân thành phố rất chịu khó học tập kinh nghiệm cũng như được tham gia các lớp tập huấn chuyến giao KHKT trồng trọt, chăn nuôi. Thông qua các hình thức tập huấn thường xuyên, xây dựng mô hình và tập huấn theo nhu cầu của nông dân, có những lớp ban tổ chức chỉ mời 50 người, nhưng khi vào tập huấn có tới 60 - 70 người tham gia. Bà Nguyễn Thị Cậy, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hương Sơn tâm sự: Trung bình hằng năm, Hội kết hợp với Trạm Khuyến nông thành phố và các đơn vị chức năng khác mở được ít nhất 5 lớp tập huấn cho khoảng trên 200 nông dân, vậy mà người nông dân vẫn luôn kêu đói… KHKT sản xuất.
Nhu cầu học tập của nông cao, đó là dấu hiệu đáng mừng, cũng từ tham gia học tập làm nghề nông, nhiều hộ nông dân của thành phố thoát nghèo từng bước phát triển kinh tế. Đặc biệt là những năm gần đây, nhiều hộ nông dân được học thêm nhiều nghề mới như trồng nấm, nuôi ba ba, ếch, rắn… và trở thành hộ sản xuất tiêu biểu, đặc biệt như gia đình ông Nguyễn Công Thìn, tự học nghề nuôi giun do Công ty Hùng Vương (Hà Nội) đào tạo. Tháng 3 năm 2008, gia đình ông "xuất chuồng" hơn 70 kg, mỗi kg giun Công ty Hùng Vương trả cho ông 140.000 đồng. Ông Thìn tâm sự: Làm nông dân thời nay, nếu không đi học nghề nông sẽ không theo được sự phát triển trong sản xuất nông nghiệp. Hiện tôi đang chuẩn bị cho chuyến đi học tập kinh nghiệm làm kinh tế trang trại ở Bắc Ninh.