Thái Nguyên: Chưa có biện pháp quản lý giá thuốc hữu hiệu

13:44, 10/07/2008

Mặc dù Bộ Y tế chưa đồng ý cho các đơn vị nhập khẩu thuốc, sản xuất thuốc, điều chỉnh giá bán nhưng các điểm bán lẻ trên địa bàn Thái Nguyên đã bắt đầu tăng giá từ đầu tháng 6-2008.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì một số loại thuốc và vật tư y tế đã tăng giá từ 5-20%. Những mặt hàng tăng mạnh nhất là: Vitamin, Paracetamol,  Lincomysin, phim X-Quang, bông y tế … Đến nay, vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để quản lý giá thuốc trên thị trường.

 

Cầm đơn thuốc trên tay, Nguyễn Đắc Dân, quê Hưng Yên, sinh viên Phân hiệu Cao đẳng Giao thông Vận tải miền núi Thái Nguyên lo lắng: “Em bị đau dạ dày và vẫn phải thường xuyên dùng thuốc, tuy nhiên lần này đơn thuốc em mua tăng giá so với lần trước hơn 50 nghìn đồng. Đối với sinh viên xa nhà thì 50 nghìn là số tiền không nhỏ”. Tương tự trường hợp của Dân, anh Nguyễn Văn Đường ở Thị trấn Ba Hàng (Phổ Yên) mang theo đơn thuốc điều trị bệnh tiểu đường mua lần trước có giá hơn 800 nghìn đồng để tiếp tục mua cho đợt điều trị mới, tuy nhiên anh không khỏi ngạc nhiên vì đơn thuốc hiện nay của anh đã tăng thêm gần 100 nghìn đồng. Anh cho biết: “Tôi đã tham khảo ở ba nhà thuốc nhưng giá ở các nhà thuốc đều tăng như nhau”.

Ngày 1-7-2008, Công ty Cổ phần Dược và Vật tư y tế Thái Nguyên đã áp dụng giá bán lẻ mới, theo đó, có tới 92 mặt hàng điều chỉnh giá tăng lên so với giá cũ. Với gần 90 điểm bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh thì việc Công ty tăng giá thuốc  ảnh hưởng tới phần lớn người bệnh trên địa bàn Thái Nguyên và các tỉnh lân cận. Giải thích về nguyên nhân tăng giá, Ông Bùi Văn Mẫn, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược và Vật tư y tế Thái Nguyên cho biết: “Công ty đã bị các doanh nghiệp sản xuất thuốc và các nhà nhập khẩu ép giá nhập đầu vào với lý do giá thuốc và nguyên liệu trên thị trường quốc tế tăng cao. Nếu Công ty không chấp nhận giá mới thì không thể nhập được các mặt hàng tăng giá”.

Với các điểm bán lẻ thuốc khác cũng nhận được nhiều đề nghị tăng giá từ phía các nhà cung cấp. Dược sĩ Phan Thị Hòa, Nhà thuốc tư nhân Việt Nụ (T.P Thái Nguyên) cho biết: “Các đơn vị cung ứng thuốc đã liên tục gửi báo giá và đề nghị tăng giá từ giữa tháng 6-2008. Mới đây nhất, Công ty cổ phần Traphaco đã gửi đề nghị tăng giá thêm 9 loại thuốc trong đó có loại tăng giá đến 30%”

Trao đổi với chúng tôi về các biện pháp quản lý giá thuốc, bà Hoàng Thị Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý Dược, Sở Y tế cho rằng nguyên nhân lớn nhất của việc chưa quản lý được giá bán lẻ thuốc là vì theo Luật Dược, các đơn vị bán lẻ và phân phối thuốc có thể tự điều chỉnh giá bán nhưng Luật lại không quy định mức tối đa mà các đơn vị được phép điều chỉnh. Bên cạnh đó, Luật chỉ cho phép các cơ quan chức năng quản lý giá thuốc đối với các đơn vị nhập khẩu và các đơn vị sản xuất thuốc nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh không có đơn vị sản xuất thuốc và cũng không có đơn vị nhập khẩu thuốc.

Bà Nghĩa cũng cho biết: "Hiện tại, Bộ Y tế vẫn chưa cho phép các đơn vị nhập khẩu thuốc, sản xuất thuốc điều chỉnh giá bán mới, việc các đơn vị tự ý điều chỉnh là trái với Luật Dược. Bên cạnh đó, hợp đồng giữa các đơn vị nhập khẩu, đơn vị sản xuất thuốc với nhà bán lẻ là do hai bên tự thoả thuận nên các cơ quan quản lý rất khó có thể can thiệp.”

Trước thực trạng này, Sở Y tế Thái Nguyên đã báo cáo với Bộ Y tế và đề nghị có biện pháp xử lý đối với các đơn vị tự ý tăng giá bán thuốc. Tuy nhiên, khi chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu như hiện nay thì các loại thuốc có thể sẽ tiếp tục tăng giá.