Thái Nguyên: Còn khó khăn trong vay vốn xuất khẩu lao động

13:58, 13/07/2008

Một trong  những mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ 17 là mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 15.000 lao động. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2008 việc thực hiện chỉ tiêu này đạt thấp, trong đó có chỉ tiêu xuất khẩu lao động (XKLĐ) đạt rất thấp.

6 tháng toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 7.000 lao động, đạt 43,8% kế hoạch, trong đó XKLĐ được 520 người, bằng 20,8% kế hoạch.

 

Theo ông Nguyễn Thành Long, Trưởng phòng Quản lý Lao động (Sở Lao động Thương binh và Xã hội) thì: Nhu cầu việc làm trong nước lớn, nhưng chất lượng nguồn lao động của tỉnh không đáp ứng được. Bên cạnh đó giải quyết việc làm thông qua quỹ quốc gia về việc làm khó khăn do có sự thay đổi về cơ chế chính sách. Còn vay vốn XKLĐ chững lại một phần do chi phí đi một số nước quá lớn, phải thế chấp tài sản, trong khi đó người nghèo hầu hết tài sản đang đi cầm cố".

 

Hiện nay vay vốn XKLĐ chủ yếu qua Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo ông Nguyễn Văn Thưởng, Giám đốc Ngân hàng... thì "trong những tháng đầu năm lạm phát tăng cao, ngân hàng thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ về thiết chặt hệ thống tiền tệ để kiềm chế lạm phát, cung ứng tiền cho các nhiệm vụ cấp thiết về quốc tế dân sinh... Cùng với đó, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT và hệ thống các ngân hàng khác gặp khó khăn trong huy động vốn, do vậy ảnh hưởng tới việc cho vay ở các loại hình".

 

Ông Đặng Hoàng Nguyên, Trưởng phòng Kế hoạch Kinh doanh cho rằng: "Một nguyên nhân rất quan trọng là năm 2008, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thắt chặt việc quản lý cấp phép hoạt động cho các doanh nghiệp tham gia kinh doanh XKLĐ bằng cách thẩm định và cấp phép lại. Để đảm bảo an toàn nguồn vốn vay, chúng tôi đã cử người lên Sở Lao động Thương binh và Xã hội để lấy danh sách những doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh XKLĐ trên địa bàn, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa có danh sách ấy. Ngân hàng Nông nghiệp chỉ cho vay không cần thế chấp đến 20 triệu đồng, trong khi phí đi LĐXK một số nước cao như: Nga 2.700 đến 4.000 USD, Cộng hòa Séc trên 7.000 USD, các  nước trung đông 1.700 USD... người đi xuất khẩu lao động thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo nên không dám vay nhiều hoặc không có tài sản thế chấp vì họ đang có nhiều món nợ khác".

 

Theo báo cáo của Ngân hàng Nông nghiệp về tình hình cho vay XKLĐ từ năm 2002-2007 thì đỉnh điểm của công tác XKLĐ ở các năm 2004, 2005, 2006. Nếu như năm 2004 doanh số cho vay là 13.205 triệu đồng, thì năm 2005 là 18.220 triệu đồng, năm 2007 giảm xuống còn 8.134 triệu đồng. 5 tháng đầu năm nay, Ngân hàng mới cho vay XKLĐ được 71 hộ với số tiền là 1.663 triệu đồng.

 

Về phía Ngân hàng Chính sách Xã hội hiện ngoài việc đảm nhiệm cho vay vốn của Quỹ quốc gia về việc làm, đơn vị cũng cho vay có thời hạn ở nước ngoài đối với các đối tượng chính sách. Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ thì: "Việc cho vay XKLĐ đối với các đối tượng chính sách mức tối đa là 30 triệu đồng không cần thế chấp. Trước đây chúng tôi cho vay trực tiếp đến tận hộ. Từ 1-5-2008 cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội (Hội CCB, Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên). Nguồn vốn vay không bao giờ thiếu. Tuy vậy các đối tượng chính sách vay vốn XKLĐ không nhiều, năm nào cũng thừa nguồn vốn phải điều chỉnh sang cho vay các đối tượng khác. Cụ thể là 6 tháng đầu năm nay chỉ có 65 khách hàng vay XKLĐ với số tiền 1.604 triệu đồng. Khó khăn lớn nhất hiện nay chính là giải ngân vốn Quỹ quốc gia về việc làm.

 

Theo Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 5-4-2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý và điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm thì Ngành Lao động Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm thường trực hướng dẫn, thẩm định dự án cho vay. Nhưng theo Quyết định số 15/2008/QĐ-TTg ngày 23-1-2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 71/2005/QĐ-TTg việc thẩm định dự án chuyển sang Ngân hàng Chính sách Xã hội. Sau 6 tháng quyết định này ban hành vẫn chưa có thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện của liên bộ Kế hoạch-Đầu tư, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội. Do vậy, Ngân hàng Chính sách Xã hội vẫn đang chờ".

 

Được biết dư nợ đến thời điểm này từ nguồn vốn Quỹ quốc gia việc làm là 41.465 triệu đồng/kế hoạch năm 2008 là 49.411 triệu đồng. Như vậy vẫn còn trên 7 tỷ đồng của nguồn vốn này chưa được giải ngân.

 

Để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải quyết việc làm, theo ông Nguyễn Thành Long, Trưởng phòng Quản lý Lao động thì ngành đã trao đổi với phía Ngân hàng Chính sách Xã hội trong khi chờ thông tư hướng dẫn liên bộ, ngân hàng căn cứ vào các quy định trong Quyết định 15 thực hiện thẩm định, giải ngân vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm.

 

Đối với vay vốn XKLĐ, phần lớn hộ nghèo là người bị tàn tật, không đủ sức khỏe tham gia lao động, hoặc không có nhu cầu đi LĐXK nên chỉ tiêu này đạt thấp. Trong khi đó nhu cầu XKLĐ lớn nhất là những hộ cận nghèo, nhưng lại không được hưởng chính sách ưu tiên như hộ nghèo trong vay vốn. Do vậy, để thực hiện được mục tiêu về XKLĐ mà tỉnh đã đề ra, chúng tôi đề nghị các địa phương cần hỗ trợ người dân trong công tác tuyên truyền về XKLĐ.

 

Trong khi chính sách vay vốn của các ngân hàng còn cứng, tỉnh cần nghiên cứu xây dựng cơ chế phù hợp để những hộ cận nghèo có thể được hưởng những chính sách vay vốn như hộ nghèo. Bên cạnh đó có các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hoàn thành chỉ tiêu giải quyết việc làm cho lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.