Thái Nguyên: Nơi khởi nguồn của công tác Đền ơn đáp nghĩa

14:22, 24/07/2008

Thái Nguyên là một tỉnh miền núi có truyền thống cách mạng, căn cứ địa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng thời cũng là nơi khởi nguồn của Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7).

Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Thái Nguyên đã có hàng vạn thanh niên trai tráng nhập ngũ, hàng nghìn thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến trực tiếp phục vụ chiến đấu trên các chiến trường ác liệt gian khổ. Con số xấp xỉ 11.000 liệt sỹ, trên 7.000 thương binh, bệnh binh; trên 12.000 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam (kể cả số đã có hồ sơ đang tổ chức giám định), 134 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng, truy tặng, 500 cán bộ Lão thành cách mạng, cán bộ Tiền khởi nghĩa; 75.000 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương trong các cuộc kháng chiến; 450 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày… Đó là những con số vừa khơi dậy niềm tự hào, vừa như 1 lời nhắc nhủ muôn đời cho những thế hệ đi sau, không được quên, không thể quên đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

 

Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các tổ chức đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân, sự nỗ lực và ý chí của bản thân thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công ngày càng phát huy nội lực để vươn lên trong cuộc sống. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, trong thời kỳ đổi mới, công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh được thực hiện đồng bộ trên cả ba lĩnh vực, đó là việc thực hiện chính sách; phong trào chăm sóc người có công và sự tự vươn lên của các đối tượng đã không ngừng đổi mới phát triển và có hiệu quả.

 

Bằng việc thực hiện đúng đắn, đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng... Công tác “Đền ơn đáp nghĩa” thường xuyên được coi trọng, việc xã hội hóa công tác chăm sóc giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng được triển khai thực hiện có hiệu quả, 100% các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được phụng dưỡng suốt đời; hàng trăm thương binh nặng được chuyển về điều dưỡng sinh sống tại gia đình, hiện tại còn 14 thương bệnh binh nặng có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc tại 5 đơn vị điều dưỡng tập trung với cơ sở vật chất tốt, chế độ sinh hoạt ngày càng được nâng cao. Trung tâm Điều dưỡng Người có công, thuộc Sở LĐ-TBXH tại khu du lịch Hồ núi Cốc với hơn 60 giường, hàng năm đã tiếp nhận điều dưỡng cho trên 1 nghìn lượt đối tượng người có công. Trung tâm chỉnh hình, phục hồi chức năng Trẻ tàn tật Bắc Thái cũng có khoa chỉnh hình phục hồi chức năng, lắp ráp, sản xuất phương tiện giả trợ giúp thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, hàng năm sản xuất từ 300 đến 500 dụng cụ tạo điều kiện cho thương binh, bệnh binh khắc phục phần nào thương tật để lao động sản xuất đóng góp thêm cho xã hội.

 

Từ khi phong trào xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được phát động, cán bộ, nhân dân các dân tộc trên quê hương cách mạng đã ý thức được trách nhiệm của việc toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh, hàng năm Quỹ đã tiếp nhận từ nguồn đóng góp của nhân dân các cơ quan đơn vị từ 1,5 đến 2 tỷ đồng, ngoài việc đóng góp bằng tiền, các hình thức ủng hộ khác cũng đem lại nhiều kết quả thiết thực, như: Tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa...

 

Với chất lượng ngày càng cao hơn về mọi mặt. Tính riêng năm 2007, nhân kỷ niệm 60 năm ngày TBLS 27/7/1947- 27/7/2007, toàn tỉnh đã huy động Quỹ được 3,2 tỷ, xây mới 132 ngôi nhà tặng cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng có hoàn cảnh thực sự khó khăn về nhà ở trị giá hơn 2 tỷ đồng, tu sửa nâng cấp 42 nhà tình nghĩa trị giá 259 triệu đồng tặng 289 sổ tiết kiệm, tặng 54 vườn cây tình nghĩa... trị giá hàng trăm triệu đồng. Hiện toàn tỉnh Thái Nguyên có 67 nghĩa trang và hàng chục công trình ghi tên liệt sĩ đã được hỗ trợ xây dựng, nâng cấp, tôn tạo với trị giá 3,3 tỷ đồng, ngoài ra nhân dịp ngày 27/7, tết Nguyên đán, toàn tỉnh đã tặng 48.538 xuất quà trị giá 4,5 tỷ đồng.

 

Bản thân những thương binh, gia đình liệt sĩ đã có nhiều nỗ lực trong cuộc sống, góp phần tích cực vào thành tích chung của công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, nhiều tấm gương thương binh, gia đình liệt sĩ đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu lao động sản xuất giỏi, sống gương mẫu, là những điển hình tiên tiến trong 31 ngàn hộ người có công của toàn tỉnh… Từ những kết quả trên, năm 2004, 180/180 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã được UBND tỉnh công nhận: Xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sỹ và người có công.