Thủ phạm chính gây sập cầu dẫn Cần Thơ là Móng trụ tạm T13U

13:46, 02/07/2008

Sau 8 tháng làm việc, với 8 phiên họp, thảo luận thận trọng, trách nhiệm, ngày 18-6-2008, Ủy ban Nhà nước điều tra sự cố sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ (UBNNCT) đã đệ trình Chính phủ báo cáo cuối cùng về kết quả điều tra của Ủy ban gồm báo cáo tổng hợp dày gần 100 trang và 10 phụ lục kèm theo dày trên 1000 trang tài liệu. Nguyên nhân của sự cố sập 2 nhịp cầu dẫn Cần Thơ đã được thông báo tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều qua (2-7).

Dự án cầu Cần Thơ và 2 đường dẫn đầu cầu có chiều dài 15,85 km là tuyến đường tránh QL1A vượt sông Hậu Giang nằm trên địa phận tỉnh Vĩnh Long. Sự cố xảy ra trong quá trình đang thi công bê tông dầm hộp tại hai nhịp neo của cầu chính từ trụ P13 đến trụ P15 phía bờ Vĩnh Long. Vào lúc 7 giờ 55 phút sáng 26-9-2007, toàn bộ hệ thống kết cấu đỡ tạm bị sập làm cho hộp dầm bê tông đang thi công dở dang bị sập theo.

 

Về nguyên nhân từ thiết kế hệ thống kết cấu đỡ tạm, UBNNCT cho rằng việc thiết kế hệ thống kết cấu đỡ tạm trong điều kiện chưa xét tới lún lệch không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố. Về nguyên nhân từ khâu gia công, chế tạo, lắp dựng hệ thống kết cấu đỡ tạm, qua khảo sát hiện trạng kết cấu sau sự cố, Ủy ban đã phát hiện một số sai lệch thi công so với thiết kế. Tại dàn ngang, một số đường hàn chịu lực có khuyết tật, một thanh có kích thước sai lệch so với thiết kế. Tại trụ tạm, một số bu lông sai kích thước và sai vị trí phải chỉnh sửa lại. Qua phân tích, tính toán cho thấy các sai lệch này không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố.

 

Về nguyên nhân từ các yếu tố bất lợi khác,  Ủy ban điều tra, xem xét các yếu tố bất lợi mà trong hồ sơ thiết kế chưa đề cập tới như chiều dày lớp đất đắp, sự thay đổi của nước ngầm do các trận mưa liên tiếp trước thời điểm xảy ra sự cố, sự tăng tải trọng nhanh do bê tông cầu đợt 10 và 11 được đổ liên tiếp trong 2 ngày 24 và 25 tháng 9 năm 2007, cộng hưởng dao động công nhân thi công trên cầu và đi lại của cần cẩu. Qua phân tích, UBNNCT nhận thấy các yếu tố trên ảnh hưởng nhỏ tới sự làm việc của hệ thống kết cấu đỡ tạm, vì vậy có thể loại trừ nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố từ các yếu tố này.

 

Theo Ủy ban, các tác động của lún lệch, bao gồm lún lệch giữa móng trụ tạm và trụ chính, lún lệch giữa hai đài móng trụ tạm với nhau cũng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố. Riêng lún lệch trong một đài móng của trụ tạm (móng trụ tạm thượng lưu -T13U) được đánh giá là yếu nhất, cột trụ này đã bị cong do lún, dồn tải sang các trụ khác gây mất ổn định toàn bộ trụ tạm T13U và sau đó là sự sụp đổ của các kết cấu bên trên.

 

Như vậy, hệ thống kết cấu đỡ tạm bị phá hủy rất nhanh do mất ổn định của trụ tạm, nguyên nhân gây ra mất ổn định này là do lún lệch ở một đài cọc. Do trụ tạm T13U sập trước nên bản bê tông có xu hướng nghiêng dốc về phía thượng lưu, vì vậy đã có một số công nhân và vật dụng rơi xuống nóc các nhà thượng lưu. 

 

UBNNCT kết luận về nguyên nhân sự cố như sau: Lún lệch của đài móng trụ tạm thượng lưu T13U theo hướng dọc cầu từ phía bờ ra sông là nguyên nhân chính, nguyên nhân khởi nguồn của sự cố. Lún lệch đài móng đã làm tăng nội lực trong các bộ phận của trụ tạm gây đứt bu lông liên kết của một số thanh giằng xiên dẫn tới các thanh đứng của trụ tạm này mất ổn định và theo đó là sự sập đổ các kết cấu bên trên của trụ tạm.

 

Theo tiêu chuẩn AASHTO quy định áp dụng cho công trình thì trách nhiệm chính của thiết kế là phải bảo đảm an toàn cho cộng đồng tức là bảo đảm an toàn chịu lực của hệ thống kết cầu đỡ tạm. Tuy vậy, việc xảy ra lún lệch trong phạm vi hẹp của một đài móng trụ tạm, nguyên nhân chính khởi nguồn gây ra sự mất an toàn kết cấu trong trường hợp này, có thể xem là tình huống rủi ro, khó lường trước được trong thiết kế thông thường.