Vợ thương binh giàu nghị lực

11:24, 23/07/2008

5 sào ruộng cấy, 5 sào đất soi bãi, một đại lý bán vật tư nông nghiệp, chồng lại đau ốm luôn, mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình đều dồn cả lên vai chị. Tần tảo lao động sản xuất, vượt lên tất cả để chăm sóc chồng chu đáo và nuôi dạy 3 người con ngoan ngoãn, học tốt. Vất vả là vậy, nhưng chị chưa một lời than phiền...

Chị là Bùi Thị Năm, vợ thương binh nặng ở tổ 50, phường Hương Sơn, T.P Thái Nguyên.

Vừa gặp chúng tôi chị Năm đã nói: ‘’Tôi đang tranh thủ dắt con bò đi ăn rồi xới mấy sào ngô thì các anh ở phường điện bảo có cô nhà báo xuống nhà. Nhà có 4 cháu, cô con gái lớn đã xây dựng gia đình, còn 3 đứa đang đi học chuyên nghiệp cả, 10 sào ruộng, lợn gà, cửa hàng bán vật tư nông nghiệp… đều một tay tôi đảm nhiệm nên vất lắm cô ạ. Ông nhà tôi đau yếu luôn, đi làm đồng hay họp phụ nữ đều phải nhờ cụ già bên cạnh trông nhà và trông ông ấy luôn. Có hôm đang làm đồng trời đổ mưa, thóc phơi đầy sân, tôi chạy về đến nhà nhìn thóc trôi qua cống ở sân xuống vườn chỉ biết vừa khóc, vừa lấy rơm bịt cống ngăn để khỏi trôi thóc đi...’’. Nói đến đây, chị Năm rơm rớm nước mắt, đôi mắt anh Hạnh chồng chị cũng đượm buồn vì thương vợ.

Nói về mối tình của mình với chồng chị bảo: ‘’Nhà tôi có 2 anh trai đi bộ đội, một anh đã hy sinh, một anh thì bị thương mất một tay. Anh Hạnh chơi rất thân với anh trai tôi. Khi đang học phổ thông, mẹ tôi bảo: Mẹ ngắm rồi, con học xong mẹ sẽ gả cho thằng Hạnh. Mẹ thấy nó hiền lành và ngoan lắm. Tôi bảo con còn trẻ muốn học tiếp. Mẹ già rồi chẳng sống được bao lâu nữa, nếu con thương mẹ thì con lấy nó. Ngày 6-10-1977, tôi theo anh về nhà chồng. Ở cùng bố mẹ chồng một thời gian, em chú lấy vợ, hai vợ chồng tôi mua mảnh đất nhỏ này sát bờ đê sông Cầu dựng căn nhà lá ở. Cơ ngơi hôm nay là sự nỗ lực của cả gia đình trong 31 năm qua đấy cô ạ’’. Ngắm ngôi nhà ngói khang trang, sân, vườn, chuồng trại, cửa hàng được xây dựng kiên cố tôi thầm cảm phục chị.

Quả thực nếu không có sức khoẻ, chị Năm khó có thể gánh vác được từng ấy công việc. Lịch làm việc hàng ngày của chị như sau: 3h sáng đi thịt lợn để về bán. Thịt lợn xong về đến nhà là rạng sáng, chị cho lợn, gà ăn, rồi sả thịt ra bán. Chỉ đến nửa buổi là phản thịt hết veo. Vừa bán hết thịt lợn, chị lại tất bật tay vác cuốc, tay dắt bò ra đồng làm. 5 sào ruộng cấy và 5 sào đất soi bãi một tay chị làm không mất một đồng thuê nhân công. Chị còn làm đại lý bán các mặt hàng chính sách của Trạm vật tư nông nghiệp Thành phố. Là lao động chính trong gia đình, chị tần tảo lao động sản xuất, vượt lên tất cả để chăm sóc chồng chu đáo và nuôi dạy con tốt. 3 người con của chị một đang học Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, 1 đang học Trường CĐ Sư phạm và 1 đang học Trường CĐ Cơ khí-Luyện kim. Chị luôn dạy các con rằng: ‘’Bố mẹ chẳng có gì ngoài việc tạo điều kiện cho các con ăn học, vì thế phải học thật tốt để sau này nuôi bản thân mình. Dù làm bất cứ việc gì các con đều phải nghĩ đừng phụ sự sự hy sinh của bố mẹ là được’’. Thương bố mẹ, các con chị đều ngoan ngoãn, học hành tốt. Tần tảo làm ăn, trung bình mỗi năm gia đình chị Năm thu nhập trên 50 triệu đồng. Chị đề ra mục tiêu mỗi năm mua một chiếc xe máy cho một đứa con. Giờ đây, 4 người con của chị đều có xe máy để đi học, đi làm. Năm nay, chị phấn đấu dành dụm tiền xây dựng nốt bờ tường quanh nhà để có thể mở rộng chăn nuôi gia cầm.

Khi được hỏi động lực nào giúp chị có thể vượt qua mọi khó khăn vất vả, chị nở nụ cười hiền hậu: ‘’Cứ nhìn vào anh ấy và các con là tôi quên hết mệt nhọc nỗ lực làm việc để anh ấy vơi đi nỗi lo lắng, các con được học hành nên người’’. Giờ đây khi kinh tế gia đình đã khá giả, nhưng chị vẫn chưa hết vất vả. Đó là, nhiều khi trái nắng, trở trời, anh bị các vết thương hành hạ, trên người anh hiện nay vẫn còn 4 mảnh đạn: 1 mảnh ở đầu, 1 mảnh trong phổi, 1 mảnh ở cổ tay và 1 viên đạn ở đầu gối. Có năm anh đi viện tới 5-6 lần. Tháng trước, chị vừa đưa anh xuống Bệnh viện K Hà Nội để mổ lấy đi mảnh đạn nằm giữa hai xương sườn. Chị kể: ‘’Mỗi tháng tôi đi lĩnh cho anh ấy 2.314 nghìn đồng tiền thương tật và nuôi dưỡng nhưng không dám tiêu một đồng xu nào. Tất cả số tiền lĩnh được tôi để riêng để hàng năm đưa anh đấy đi điều trị tại các bệnh viện’’. Mọi công việc lớn nhỏ trong nhà dồn cả lên hai vai chị Năm, vất vả là vậy, nhưng anh không thấy chị buông một lời than phiền. Chị là người vợ hiền thảo xua tan đi mọi nỗi đau đớn trong anh.

Tuy bận rộn vất vả lo việc gia đình, nhưng được bà con tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Phụ nữ, Tổ trưởng tổ sản xuất, chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Vừa qua, anh Hạnh đau yếu nhiều phải nằm viện liên tục, chị mới xin nghỉ công việc của tổ để lo cho anh. Chị Bùi Thị Năm là tấm gương tiêu biểu phụ nữ Việt Nam ba đảm đang. Chị vinh dự được Sở Lao động Thương binh và Xã hội tặng Giấy khen là hộ "Gia đình người có công tiêu biểu" và được UBND tỉnh tặng Bằng khen, UBND T.P Thái Nguyên tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất.