Chuyện ở Lũng Hoài

14:57, 11/08/2008

Về Lũng Hoài, Thượng Nung (Võ Nhai) tìm hiểu về công tác dân số ở bản người Mông, chúng tôi mới thấy những hạn chế trong cách nghĩ và việc làm của người dân do đó mỗi gia đình trung bình có từ 4-5 con, có người đẻ tới 10 con, 100% số hộ thuộc diện hộ nghèo…

Gia đình anh Hoàng Văn Kiều, chị Dương Thị Sầu năm nay hơn 40 tuổi đã có tới 8 đứa con (4 trai, 4 gái) nhưng chưa bao giờ áp dụng biện pháp tránh thai mặc dù thường xuyên được cán bộ dân số tuyên truyền vận động. Chị Sầu cho rằng nếu đặt vòng tránh thai mà lao động nặng thì vẫn có thể có thai nên tốt nhất là không cho thứ ấy vào người, nếu mang thai thì đẻ. Với quan niệm : “trời sinh voi” cùng với tập tục của người Mông là không nạo phá thai vì việc sinh nở là bản năng sẵn có của con người nên năm 2007 chị Sầu sinh đứa con thứ 7, vài tháng sau lại mang thai, đứa con thứ 8 giờ cũng đã mẹ “tròn con vuông”.

 

Gia đình anh Sùng Văn Khình cũng sinh tới 8 người con trong khi anh kiên quyết không cho vợ áp dụng bất cứ biện pháp tránh thai nào vì cho rằng sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ?!  Thế nhưng anh lại không nhận thức được  đẻ dày và nhiều con thì sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ người phụ nữ.

 

Không chỉ đẻ nhiều con, ở xóm Lũng Hoài phụ nữ cũng lấy chồng rất sớm, điển hình như chị Lý Thị Sinh lấy chồng từ năm 15 tuổi, năm nay mới gần 20 tuổi đã có 2 con.

 

Người dân đẻ nhiều đã đành, cộng tác viên dân số cũng đẻ tới ...10 con. Anh Lý Văn Lù, cộng tác viên dân số xóm Lũng Hoài cho biết: Con đầu của tôi sinh năm 1982, sau đó cứ một, hai năm lại sinh một đứa và đứa thứ 10 sinh năm 1995. Thời gian đó, vợ chồng tôi không biết thực hiện kế hoạch hoá gia đình nên mới đẻ nhiều như vậy. Tôi đã làm cộng tác viên dân số được gần 10 năm, thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đẻ ít, đẻ thưa để cuộc sống bớt nghèo nhưng thật khó có thể thay đổi được nhận thức của họ. Là nam giới làm cộng tác viên dân số cũng có những hạn chế nhất định. Tại Lũng Hoài đã xảy ra trường hợp một phụ nữ đã đặt vòng nhưng vẫn mang thai, khi sinh con vẫn mang chiếc vòng trong người. Tôi không hiểu nguyên nhân và cũng không biết làm thế nào giải thích cho chị em. Hoặc có lần đi tuyên truyền, một số người dân đã nói cán bộ dân số cứ vận động mọi người đẻ ít mà nhà mình lại có tới 10 đứa con. Tôi đành im lặng.

 

Không chỉ là cộng tác viên dân số, anh Lý Văn Lù còn là Chi hội trưởng chi  hội phụ nữ xóm Lũng Hoài gần 10 năm nay. Trong các buổi họp phụ nữ, anh thường lồng ghép tuyên truyền công tác dân số cho chị em nhưng nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, nhất là những người đàn ông, họ đều cho rằng áp dụng các biện pháp tránh thai là việc của người phụ nữ. Đàn ông phải gánh vác những việc lớn, kiếm tiền lo cho gia đình… nên họ không chấp nhận áp dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào. Tuyên truyền đã khó, để người dân chấp nhận và áp dụng lâu dài lại càng khó hơn, trong khi đó phụ cấp cho cán bộ làm công tác dân số lại quá thấp (50.000 đồng/tháng). Những buổi giao ban dân số, để có mặt ở xã lúc 8 giờ, anh Lý Văn Lù phải rời khỏi nhà từ hơn 6 giờ sáng. Không có phương tiện nào có thể sử dụng để vượt qua con đuờng gần 5km từ bản xuống trung tâm xã mà phải đi bộ.

 

Đẻ nhiều con, cuộc sống khó khăn, các hộ dân không có điều kiện lo cho con cái học hành nên hầu hết trẻ em chỉ học biết chữ là lại bỏ học. Thế mới có chuyện anh Lù làm Chi hội trưởng phụ nữ, cộng tác viên dân số gần chục năm nay vì trong xóm không có phụ nữ nào biết chữ. Nhà nước cũng rất quan tâm xây dựng lớp học mầm non, tiểu học nhưng chỉ có 4-5 cháu theo học. 100% số hộ trong xóm được vay vốn xoá đói giảm nghèo với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội để chăn nuôi trâu bò. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà từng người dân không thay đổi nhận thức trong đầu tư phát triển kinh tế, nhất là thực hiện kế hoạch hoá gia đình thì không biết đến bao giờ những người dân tộc Mông xóm Lũng Hoài mới thoát được nghèo?