Công trình thuỷ nông hồ Gò Miếu: Hiệu quả nửa vời

13:54, 25/08/2008

Công trình thuỷ nông hồ Gò Miếu (Vai Miếu) được Bộ Nông nghiệp và PTNT đầu tư gần 40 tỷ đồng nhằm mục đích tưới nước cho khoảng 800ha đất nông nghiệp của 4 xã phía Nam huyện Đại Từ, phòng, chống lũ lụt và đã đưa vào sử dụng được  7 năm nay. Tuy nhiên, do hệ thống kênh dẫn nước chất lượng thấp nên đã có nhiều chỗ xuống cấp, rò rỉ dẫn tới nước không đến được một số cánh đồng theo thiết kế ban đầu…

Chúng tối cùng đồng chí Dương Văn Hanh, Phó Chủ tịch UBND xã Ký Phú đi dọc các tuyến kênh chính tả, chính hữu và tuyến kênh N3T thuộc công trình thuỷ nông Gò Miếu để kiểm chứng thông tin phản ánh của nhân dân về tình trạng xuống cấp của công trình này. Tại tuyến kênh chính Tả đã xuất hiện nhiều đoạn nứt vỡ tới cả chục mét, hai bên bờ kênh nhiều chỗ nước sùi ra như mạnh ngầm. Đặc biệt đang là mùa mưa nhưng nước không thể lên tới kênh N3T-tuyến kênh dẫn nước lên cánh đồng xóm Bầu của xã Văn Yên nên trong lòng kênh chỗ cỏ dại mọc kín, chỗ lại khô trắng như đường nhựa.

 

Qua hồ sơ còn lưu lại tại xã Ký Phú cho thấy công trình thuỷ nông này được khởi công xây dựng từ năm 1998 đến năm 2001 mới đưa vào sử dụng với tổng số vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng do Bộ Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư. Hồ Gò Miếu trữ lượng gần 7 triệu mét khối nước và có khả năng phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 800ha đất của các xã : Ký Phú, Văn Yên, Vạn Thọ và Cát Nê.

 

Song trên thực tế công trình này hiện mới cung cấp nước cho gần 600ha đất, riêng xã Văn Yên duy nhất năm 2001 nước lên tới cánh đồng xóm Bầu còn lại từ đó đến nay người dân không hề được hưởng lợi từ công trình. Ngay xã Ký Phú là nơi đặt công trình, để có nước cho bà con canh tác chính quyền xã cũng phải bỏ ngân sách gia cố lại nhiều đoạn nền đáy, thành mương nhưng gia cố được chỗ này thì chỗ khác lại xuống cấp nên công trình vẫn không đảm bảo. Cùng với sự tự xuống cấp của công trình thì ý thức bảo vệ của một số người dân địa phương cũng không cao nên nhiều đoạn kênh bị đập phá, đánh cắp nhiều tấm giằng, một số vai chia nước bị vứt bỏ.

 

Vẫn theo anh Hanh vào năm 2002 một số đoạn kênh đã bị đổ vỡ nhưng do công trình  trong thời gian còn bảo hành nên đơn vị thi công đã về xây dựng lại nhưng từ khi bàn giao cho chính quyền xã quản lý thì xã chỉ có khả năng sửa chữa nhỏ chứ không thể đầu tư lớn để nâng cấp hệ thống kênh dẫn qua địa bàn xã. Chỉ tính riêng số tiền dự kiến đầu tư nâng cấp trên 1,3km tuyến kênh N3T qua xóm Cả hết khoảng 60 triệu đồng nhưng đã vài năm nay xóm kiến nghị lên xã Ký Phú, xã kiến nghị lên huyện mà vẫn không có tiền để thực hiện. Một số người dân địa phương còn cho rằng phía dưới nền kênh chỉ có 1 đến 2 lớp gạch lát và vữa xây ít xi măng nên nước dẫn ở đầu kênh thì nhiều nhưng đến giữa kênh đã mất quá nửa vì rò rỉ (trong hồ sơ thiết kế là 3 lớp gạch…). Người dân ở xóm Bầu, xã Văn Yên quá thất vọng vì không được hưởng lợi từ công trình nên đã có ý kiến xin phép chính quyền cho phá hết phần kênh mương để làm ruộng vì hiện đang lãng phí mấy chục mẫu đất trong khi dân lại thiếu đất sản xuất!

 

Công trình thuỷ nông hồ Gò Miếu được xây dựng với số tiền rất lớn và thời gian đầu đã góp phần tăng gần 40% diện tích đất canh từ 1 vụ lên 2 vụ, giải quyết cơ bản tình trạng hạn hán ở Vạn Thọ, Cát Nê, tạo ra một điểm du lịch hấp dẫn và phát triển thuỷ sản. Đặc biệt là từ khi xây dựng công trình đã góp phần điều tiết nước ở thượng nguồn nhằm chống lũ quét và góp phần bảo vệ hồ Núi Cốc. Tuy nhiên, do thời gian và chất lượng xây dựng công trình nên mạng kênh dẫn nước của công trình này đã, đang xuống cấp, dẫn tới không đảm bảo tưới nước phục vụ sản xuất. Các ngành trong tỉnh nên sớm có cơ chế hỗ trợ để cùng với nhân dân ở 4 xã được hưởng lợi nâng cấp hệ thống kênh mương dẫn nước, hoàn tất đoạn kênh N3T để đưa nước về xã Văn Yên. Đồng thời cũng có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT thành lập tổ kiểm tra, đánh giá tổng thể chất lượng hệ thống kênh dẫn nước, từ đó có biện pháp xử lý đối với những đơn vị thi công phần công trình này nếu phát hiện sai phạm, rút ruột công trình.