Dân chủ quan, dịch tả vẫn đeo bám

09:43, 24/08/2008

Mặc dù bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm không ồ ạt xuất hiện như tháng trước tại nhiều địa phương nhưng số ca mắc vẫn xuất hiện.

Báo cáo của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch bệnh tháng 8 cho biết, từ 20/7-20/8 ghi nhận 390 trường hợp mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm dương tính với phẩy khuẩn tả, không có tử vong. Tích luỹ số mắc trên cả nước từ đầu năm đến nay là 4.533 người, tích lũy số dương tính với phẩy khuẩn tả là 722 trường hợp.

Từ đầu tháng 8 tới nay đã xuất hiện bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm, dương tính với phẩy khuẩn tả rải rác trở lại tại 12/13 địa phương có dịch cũ ở miền bắc. Chủ yếu người mắc bệnh sau khi ăn tại các bữa cỗ, bữa ăn đông người.

Bộ Y tế cũng nhận định dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm hiện rất khó khống chế hoàn toàn. Bởi hiện các chuyên gia đang lo lắng về vi khuẩn tả đang gây ra dịch đã biến đổi. Theo những nghiên cứu mới nhất của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vi khuẩn tả trong vụ dịch 2007- 2008 không giống với vi khuẩn tả cổ điển tại VN, mà tương tự loại vi khuẩn đang lưu hành tại Lào và Bangladesh. Đây là type vi khuẩn biến chủng từ type vi khuẩn tả cổ điển, xuất hiện từ những năm 1960 trở về trước và type El Tor, thường thấy vào những năm 1960-1980.

Đặc điểm của chủng biến đổi này là tập hợp những đặc tính xấu nhất của hai loại trên như gây bệnh cảnh lâm sàng nặng, độc tính cao, nhiều người lành mang trùng, thời gian lưu hành lâu gây dịch lai rai…

Sự kết hợp này đã dẫn đến số ca mắc tả tiếp tục xuất hiện rải rác trong thời gian qua, mặc dù đã có PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhấn mạnh, sự xuất hiện lẻ tẻ các đợt dịch ở các địa phương hiện nay cũng cho thấy, dịch tả đang ở thời kỳ rất khó kiểm soát, dễ lan truyền khi gặp những điều kiện thuận lợi.

Các tỉnh đang có bệnh nhân tả hiện nay phần lớn đều là nơi đã từng có ổ dịch cũ, hoặc nếu là tỉnh mới ghi nhận bệnh nhân thì ca đó cũng là do ăn uống, mắc bệnh ở nơi khác rồi mang bệnh về quê.

Theo đánh giá của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện có khoảng 10-15% người lành mang trùng tại các điểm dịch tả mới xuất hiện.