Đào xương lợn bị dịch tai xanh đem bán

08:33, 12/08/2008

Trong khi dịch lợn tai xanh ở Quảng Nam chưa được khống chế, mấy ngày qua, trên địa bàn huyện Thăng Bình, liên tục xảy ra hiện tượng đào bới hố chôn lấp lợn tiêu hủy để lấy xương đem bán.

Đây là những hố tiêu hủy lợn bị bệnh tai xanh, lở mồm long móng dễ lây lan mầm bệnh. Ngay sau khi phát hiện sự việc, chính quyền và các ngành chức năng huyện Thăng Bình thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, tránh lây lan mầm bệnh  và ô nhiễm môi trường.

 

Theo một số người dân ở khu vực ngã ba Ngọc Phô, trên Quốc lộ 1A, thuộc xã Bình Tú huyện Thăng Bình, ngày 3/8, gia đình ông Nguyễn Văn Thanh, bà Võ Thị Lợi vốn là người buôn bán gạo thông báo: “mua xương giá cao”. Nhiều người thu gom xương từ nhiều nơi mang tới địa điểm trên để bán, trong đó có cả xương đang phân hủy, thậm chí xương còn dính thịt. Cơ sở này thu gom rồi chất lên xe tải mỗi ngày một chuyến chở ra Bắc để tiêu thụ. Cuối ngày, gia đình ông Thanh tập kết, phân loại các loại xương gia súc làm bốc mùi hôi thối nồng nặc. Chủ quán Mỳ Quảng “Trâm” ở khu vực ngã ba Ngọc Phô, xã Bình Tú nói: Mỗi lần họ phơi xương thì hôi thối kinh khủng. Mấy ngày nay họ vẫn lén lút mua bán ban đêm mà không hề quan tâm môi trường chung.

 

Sau khi người dân lên tiếng về tình trạng ô nhiễm môi trường, chính quyền xã Bình Tú đã mời cơ sở thu mua xương lên yêu cầu chấm dứt việc mua bán này. Tuy nhiên, bà Lợi vẫn tiếp tục thu mua xương bằng xe máy. Ngoài điểm thu mua xương ông Thanh bà Lợi xã Bình Tú, bắt đầu xuất hiện thêm nhiều điểm thu mua xương nữa như hộ ông Nguyễn Văn Phúc, thôn Tư Chánh, xã Bình Phục, đều nằm ven tuyến Quốc lộ 1A. Các điểm thu mua này đều mua xương với giá từ 4 đến 5.000 VND/kg.

 

Một số người dân thấy món lợi trước mắt, ra tận xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, điểm bán bê thui Cầu Mống nổi tiếng thu mua xương. Đặc biệt, một số thanh niên ở xã Bình Tú đã đến điểm chôn hủy lợn bị bệnh ở thôn Trường An đào bới 5 hố chôn lợn để lấy xương đem bán. Ngày 7/8, tại thôn Bình Hiệp xã Bình Phục, người ta cũng tiếp tục đào bới điểm chôn lấp lợn tiêu hủy để lấy xương, làm bốc mùi hôi thối kinh người.

 

Ông Võ Xuân Tùng, Chủ tịch UBND xã Bình Tú cho biết: “Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Dân xã tui ở một số thôn rủ nhau ra Câu Lâu, Đà Nẵng để tìm bới, gom xương về bán. Tại xã có khoảng 4,4 tấn lợn bị dịch tai xanh chôn hủy từ năm ngoái đến giờ. Trong đó có nhiều hố đã bị đào bới để lấy xương, gây ô nhiễm môi trường”.

 

Trước tình trạng đào bới hố chôn lợn tiêu hủy xảy ra trên địa bàn, UBND huyện Thăng Bình đã có Công văn chỉ đạo chính quyền các địa phương phân công người theo dõi những điểm chôn lấp gia súc tiêu hủy, yêu cầu các điểm thu mua xương dừng ngay việc mua bán.

 

Tuy nhiên việc thu mua xương vẫn tái diễn, chiều 7/8, cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường và Đội công tác liên ngành huyện Thăng Bình phát hiện xe tải 92K-3551 của bà Võ Thị Lợi trú xã Bình Tú, huyện Thăng Bình thu gom xương lưu động trên quốc lộ 1A, 17 giờ ngày 7/8, Đội Quản lý thị trường Thăng Bình phát hiện một người dùng xe máy chở 2 bao tải xương đang phân hủy đem bán.

 

Các ngành chức năng huyện Thăng Bình đã tiến hành tiêu hủy số xương gia súc không rõ nguồn gốc, tiêu độc khử trùng những hố chôn lấp gia súc bị đào bới. Theo ông Võ Văn Tưởng, Phó trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thăng Bình, Huyện đã lập nhiều điểm chốt chặn tại những xã có điểm mua xương để ngăn chặn việc mua bán xương, cấm việc mua bán gây ô nhiễm môi trường. Vì huyện đang có dịch lợn tai xanh nên việc cấm mua bán xương phải thực hiện quyết liệt tránh lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.

 

Hiện nay, tại Quảng Nam dịch lợn tai xanh đã lây lan ra 3 huyện Đại Lộc, Thăng Bình và Điện Bàn, trong đó nặng nhất là huyện Thăng Bình. Cùng với những biện pháp nỗ lực dập dịch, Quảng Nam cần xử lý nghiêm những trường hợp mua bán vận chuyển xương gia súc không rõ nguồn gốc và đặc biệt là ngăn chặn việc đào bới hố chôn gia súc bị lở mồm long móng, dịch lợn tai xanh để lấy xương đem bán, hạn chế lây lan mầm bệnh và gây ô nhiễm môi trường./.