Đến 19h ngày 10/8, trận mưa lũ lớn nhất trong 22 năm qua ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm 98 người chết, 48 người mất tích. Lũ sông Hồng đã giảm, nhưng sông Thao, sông Cầu tiếp tục lên, uy hiếp nhiều vùng dân cư.
Tại Lào Cai, lũ sông Hồng dâng cao đã nhấn chìm một loạt các xã ven sông của huyện Bát Xát, Bảo Yên. Trong 36 người chết, 38 người mất tích, 9 người bị thương của toàn tỉnh thì riêng Bát Xát đã có 21 người chết, 29 mất tích. Một cụm dân cư với 19 nóc nhà của xã ven sông Trịnh Tường đã bị xóa sổ hoàn toàn. Nước lũ dâng đột ngột trong đêm 8/8 đã cuốn trôi 22 cư dân, trong đó chỉ 3 người tìm thấy xác.
Trong báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Lào Cai, phần nói về giao thông chỉ điểm đúng hai từ "tê liệt". Bởi dù lũ đã rút, nhưng nhiều nơi vẫn ngập sâu và đặc biệt với hàng loạt quốc lộ 4D, 4E, 279, 41, 70, tỉnh lộ 156, 157 và đường sắt bị sạt lở nghiêm trọng thì Lào Cai đã trở thành ốc đảo, không thể giao thương với bên ngoài.
Tình hình khẩn cấp buộc UBND tỉnh Lào Cai phải đề nghị Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn điều ngay một máy bay trực thăng đến để phục vụ công tác cứu hộ. Cất cánh từ chiều 9/8, nhưng do thời tiết xấu nên đến ngày 10/8 máy bay vẫn không thể đáp xuống Lào Cai.
Tại Yên Bái, lũ sông Thao đang ở mức đỉnh. Khả năng tối mùng 10, nước lũ sẽ đạt 34,3 m, vượt báo động 3 là 2,3 m và chỉ thấp hơn lũ lịch sử năm 1968 có 0,12 m. Nước uy hiếp 6 huyện thị gồm Lục Yên, Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên, Mù Căng Chải và thành phố Yên Bái, làm 35 người thiệt mạng, 3 người mất tích. Tại công trình thủy điện Hồ Bốn 1 (huyện Mùa Căng Chải) cả xe ôtô và lái xe bị cuốn trôi.
Cũng giống như Lào Cai, Yên Bái đang bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Các quốc lộ 32, 37 bị sạt lở nặng. Đường sắt ngưng trệ từ đêm 8/8 do nước lũ cao hơn nền đường tới 2 m. Nhiều xã phường ngày nay chơ vơ giữa biển nước mênh mông, đục ngàu. UBND tỉnh đã phải huy động dân quân, bộ đội sơ tán gần 7.000 hộ dân, tập trung chủ yếu ở huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái.
Tại Phú Thọ, nước sông Thao lên cao đã uy hiếp 180 km đê tả, hữu sông Thao. Toàn bộ dân cư thuộc các huyện Hạ Hòa, Thanh Ba, Cẩm Khê, Tam Nông, Lâm Thao, thị xã Phú Thọ và thành phố Việt Trì 3 ngày qua luôn ở trong tình trạng báo động. Đến chiều 9/8, tuyến đê bao, đê bối dọc sông Thao đã không thể cầm cự, đã bị tràn, vỡ. Đê tả, hữu sông Thao bị tràn với tổng chiều dài 35 km. Nước lũ ào ạt đổ vào các xóm làng, nhấn chìm gần 3.000 ngôi nhà.
Tuyến Quốc lộ 70 đoạn từ Đoan Hùng (Phú Thọ) tới thành phố Yên Bái có nhiều đoạn bị sạt lở.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cho biết có 6 người chết, một người mất tích do lũ cuốn. Hiện tỉnh huy động tất cả thanh niên ở những vùng bị lũ uy hiếp ra hộ đê. Tỉnh cũng đề nghị trung ương chi viện kinh phí, vật tư để ứng cứu đê, khắc phục sự cố công trình đê điều và đặc biệt là khôi phục lại các tuyến giao thông huyết mạch.
Ngoài ra, ảnh hưởng của bão số 4, tại các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lai Châu, Lạng Sơn cũng có mưa to và chịu nhiều thiệt hại. Trong đó tỉnh Quảng Ninh sạt lở đất đã vùi chết 8 người và làm một người mất tích. Tỉnh Hà Giang mưa lũ làm 9 người thiệt mạng, 2 người mất tích.
Để giúp nhân dân vùng lũ khắc phục hậu quả, Trung ương Hội Chữ thập đỏ đã quyết định hỗ trợ Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ mỗi tỉnh 100 triệu đồng, đồng thời gửi gấp 600 thùng hàng gia đình (mỗi tỉnh 200 thùng hàng), gồm chăn, màn, bộ đồ nấu ăn và thùng đựng nước.
Các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Bắc Kạn được chi viện mỗi tỉnh 50 triệu đồng để mua lương thực, thực phẩm giúp người dân vùng lũ lụt. Đối với những người bị chết do mưa lũ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quyết định hỗ trợ 2 triệu đồng một người. Tổng trị giá cứu trợ khẩn cấp đợt đầu của Trung ương Hội là gần một tỷ đồng.
Ngày 10/8, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam đã gửi tới các gia đình có người bị chết 2 triệu đồng, người bị thương một triệu đồng để góp phần khắc phục hậu quả thiên tai.
Chi tiết thiệt hại tại các tỉnh:
Bão lũ làm 98 người chết, trong đó Lào Cai (36), Yên Bái (35), Hà Giang (9), Quảng Ninh (8), Phú Thọ (6), Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Nguyên, Lạng Sơn mỗi tỉnh có 1 người chết.
Ngoài ra, còn có 48 người mất tích. Trong đó Lào Cai (38), Yên Bái (3), Hà Giang, Thái Nguyên mỗi tỉnh 2 người, Phú Thọ, Bắc Kạn, Lai Châu mỗi tỉnh một người.
Tỉnh Phú Thọ ước tính thiệt hại 300 tỷ đồng. Tỉnh Yên Bái thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng.