Gặp người chiến sĩ an ninh năm ấy

10:30, 14/08/2008

Những ngày tháng Tám lịch sử, trong ngôi nhà giản dị ở thị trấn Đu (Phú Lương), ông Nguyễn Văn Tiệu, 83 tuổi lại bồi hồi nhớ lại thời trẻ trai của mình.

Như từ trong cổ tích, ông kể: Năm 1925, vùng đất Trung Lương (Định Hoá), nơi ông cất tiếng khóc chào đời chỉ có rừng cây, có con thú ác, nhưng thằng giặc xâm lược còn ác hơn. Mẹ ông bảo thì biết thế, mà thời bấy giờ, ngay cả chuyện nhà ai có bát cơm đầy đã là hạnh phúc lắm…

 

Giữa nghèo khó, cán bộ Việt Minh như những ngọn đuốc soi về bản. Ai nấy vận động nhau cùng ủng hộ Việt Minh, đi theo Việt Minh để đánh tây đuổi Nhật, giành độc lập tự do, lấy lại ruộng đất cho dân cày. Với chàng lực điền Nguyễn Văn Tiệu, khi vào cách mạng anh có duyên may hơn. Hôm ấy, lúc đàn gà vừa lục tục ra khỏi chuồng, ông Nguyễn Văn Sạch (anh trai họ của ông Tiệu) đã từ chân cầu thang bước lên, bảo với Tiệu ngay bên bếp lửa: Chú lớn rồi, cách mạng cần những người như chú. Hôm nay anh đưa chú đến giới thiệu với tổ chức.

 

Nghe người anh bảo đi làm cách mạng, Tiệu vui lắm. Hôm ấy, tháng 1 năm 1945, anh được tổ chức cách mạng đặt cho bí danh: Nguyễn Xuân Thịnh, làm tiểu đội trưởng võ trang tuyên truyền. Dưới Lễ tế cờ tại làng Ẻn, xã Lương Can (nay là xã Trung Lương), cùng với anh còn có 40 đồng chí khác, tề tựu trong sắc phục chàm, Tiệu đã thầm hứa hiến dâng cuộc đời mình cho cách mạng.

 

Năng nổ, nhiệt tình, tiểu đội do Tiệu phụ trách chỉ trong mấy ngày đã làm bọn hào, lý trong vùng khiếp sợ, đám lĩnh dõng, trương tuần cũng tự giác nộp súng đạn cho cách mạng. Rồi… Tiệu cùng các đồng chí mình kéo lên Chợ Chu cướp ngục, cướp chính quyền Định Hoá.

 

Chợt trong mắt ông rực như ngọn lửa: Ông kể tiếp: Ngày ấy đi làm cách mạng, quân tư trang là của nhà có gì mặc nấy. Mọi người gọi nhau là đồng chí - đồng chí có nghĩa là đồng tình, đoàn kết, cùng đánh tây, đuổi Nhật. Tháng 8 năm 1945, ông được điều động về T.X Thái Nguyên làm cán bộ tỉnh. Ông còn nhớ trong thời điểm đất nước khó khăn, Hồ Chủ tịch kêu gọi nhân dân tham gia tuần lễ vàng, ông được giao nhiệm vụ tổng hợp số liệu về số vàng, bạc và những vật có giá trị do nhân dân ủng hộ. Ông không nhớ sau "Tuần lễ vàng" UB lâm thời tỉnh quyên góp được số lượng bao nhiêu, chỉ nhớ như in một kỷ niệm là đã cùng ông Chu Quốc Hưng, thủ quỹ, mỗi người một gánh mang đến góc tường đồn điền Cát Thành Long (Đồng Bẩm) chôn giấu. 3 tháng sau, cấp trên mới cho người đến lấy mang đi.

 

Đầu năm 1947, ông được điều động sang lực lượng Công an nhân dân, trực tiếp làm nhiệm vụ trên mặt trận bảo vệ an ninh trật tự. Sau chuyến công tác dài ngày đầy thử thách ở Bắc Kạn, ông được Ngành tin tưởng, điều động về Tân Trào (Tuyên Quang), với nhiệm vụ phòng gian bảo mật, cùng đơn vị canh gác các tuyến đường ra - vào chiến khu cách mạng Tân Trào. Thời gian này, ông có vinh dự là nhiều lần đi làm công tác bảo vệ Bác Hồ và các đồng chí cán bộ Trung ương Đảng. Nhiệm vụ trên giao, ông luôn hoàn thành xuất sắc và được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng năm 1947. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cùng đơn vị về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Năm 1959 ngành điều về Khu tự trị Việt Bắc, ở đâu ông cũng là người chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, canh giấc ngủ bình yên cho người dân, đồng thời tích cực vận động nhân dân tham gia các phong trào cách mạng.

 

Cũng từ làm công tác phong trào, ông gặp cô Ngô Thị Thiệp, người Hà Nội tản cư lên Thái Nguyên năm 1951. Để 5 năm sau, 2 người gặp lại nhau ở Hà Nội và cơ quan đã đứng ra tổ chức đám cưới cho họ. Bà Thiệp bảo: Ông nhà tôi làm công an, còn tôi tích cực tham gia các phong trào của chị em phụ nữ. Đời cách mạng, ông ấy được Chính phủ trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, tôi được Tổng cục Chính trị và Tổng cục Quân y tặng Bằng khen. Vợ chồng tôi có 8 lần sinh, các con đều trưởng thành, hiện trong nhà có 4 cháu là đảng viên, 2 cháu đang được chi bộ Đảng cơ sở làm thủ tục kết nạp. Còn đại gia đình, từ nhiều năm nay, năm nào cũng là gia đình văn hoá.