Khám chữa bệnh tư nhân: Hiệu quả nhưng vẫn còn sai phạm

09:38, 13/08/2008

Tại Thái Nguyên hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho xã hội. Tuy nhiên, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các quy định hành nghề của Bộ Y tế.

Thái Nguyên hiện có trên 260 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân bao gồm các phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa và cơ sở khám, chữa bệnh đông y. Trong đó có 160 cơ sở y học hiện đại, 100 cơ sở y học cổ truyền nằm tập trung chủ yếu trên địa bàn T.P Thái Nguyên.

Ông Bùi Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định, điểm nổi bật của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân chính là đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân đồng thời giảm đáng kể lượng bệnh nhân cho các cơ sở y tế công lập.

Quả đúng như vậy, theo quan sát của chúng tôi tại Bệnh viện tư nhân đa khoa Trung tâm (T.P Thái Nguyên), chỉ riêng thời điểm 9 giờ sáng ngày 8-8-2008 đã có trên 50 bệnh nhân đến khám hoặc chữa bệnh. Ông Tô Văn Thủ, Thầy thuốc ưu tú, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Vào giờ cao điểm trong ngày, Bệnh viện tiếp nhận từ 30 đến 50 bệnh nhân khám chữa bệnh và trung bình mỗi ngày có trên 160 lượt người khám và chữa bệnh tại bệnh viện. Ngoài ra, Bệnh viện cũng đảm nhận công tác khám chữa bệnh cho 1.600 người có thẻ BHYT”. Bệnh viện có đầy đủ các khoa lâm sàng, phi lâm sàng và được trang bị 31 giường lưu trú với nhiều thiết bị hiện đại phục vụ khám chữa bệnh như: Máy X-Quang thế hệ mới, máy siêu âm mầu… Cùng với đó, Bệnh viện được nhiều bác sĩ chuyên khoa giỏi cộng tác khám, chữa bệnh nên đã thu hút được trên 50 nghìn lượt bệnh nhân mỗi năm.

Mặc dù quy mô nhỏ hơn hơn Bệnh viện tư nhân đa khoa Trung tâm nhưng các phòng khám đa khoa tư nhân khác cũng thu hút được từ 10 nghìn đến 20 nghìn lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh mỗi năm. Anh Hứa Văn Cương, xã Tân Linh (Đại Từ) cho biết: “Tôi đến phòng khám tư nhân vì thủ tục nhanh gọn, y, bác sĩ nhiệt tình và tôi còn có thể chủ động lựa chọn bác sĩ khám, chữa bệnh cho mình mà không sợ gặp phải tiêu cực - điều này rất khó thực hiện được ở các cơ sở y tế công lập”. Bên cạnh các cơ sở khám chữa bệnh đa khoa thì các phòng khám chuyên khoa và các phòng chẩn trị Đông y cũng thu hút được khá đông bệnh nhân do sự thuận tiện về mặt thời gian (hầu hết các cơ sở đều khám ngoài giờ), nhanh gọn về thủ tục và chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tốt.

Như vậy, mặc dù chưa có con số thống kê chi tiết nhưng với hơn 260 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trong tỉnh thì mỗi năm đã đáp ứng cho nhu cầu khám chữa bệnh của hàng trăm nghìn lượt người. Đây là con số không nhỏ góp phần giảm bớt lượng bệnh nhân đến các cơ sở y tế công lập vốn thường xuyên quá tải và hoàn toàn phù hợp với chủ trương xã hội hóa của ngành Y tế.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi thì tại nhiều phòng khám chuyên khoa y học hiện đại vẫn còn hiện tượng sai phạm của bác sĩ khám, chữa bệnh. Tại phòng khám nhi tư nhân của bác sĩ M (T.P Thái Nguyên) hằng ngày thu hút khá đông bệnh nhi tới khám, chữa bệnh ngoài giờ. Bác sĩ M vẫn thường xuyên bán thuốc ngay sau khi khám, chữa bệnh, kê đơn cho bệnh nhân. Chị Đinh Thị Tâm, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) cho biết: “Bác sĩ M luôn chủ động bán thuốc sau mỗi lần khám, kê đơn cho con tôi. Có loại thuốc đã bị bóc nhãn trên sản phẩm để tránh việc người bệnh có thể tự đi mua thuốc tại các nhà thuốc khác”. Ngoài ra khi khám bệnh bác sĩ M cũng không hề trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ cần thiết như găng tay, khẩu trang… Sai phạm này không chỉ diễn ra ở phòng khám của bác sĩ M mà còn diễn ra ở nhiều phòng khám chuyên khoa tư nhân khác như phòng khám nhi khoa tại nhà bác sĩ N; phòng khám sản khoa của bác sĩ H (T.P Thái Nguyên)… Đây là việc làm trái với quy định về hành nghề tư nhân của bác sĩ và gây ra tình trạng khó kiểm soát về mặt liều lượng, chất lượng thuốc.

Mặc dù vậy, theo ông Dương Văn Thắng, Chánh thanh tra Sở Y tế thì việc phát hiện sai phạm kể trên để xử lý là rất khó vì trong những lần thanh, kiểm tra, các phòng khám đều nghỉ hoạt động để phục vụ công tác thanh, kiểm tra, hơn nữa thuốc mà các bác sĩ bán cho bệnh nhân có thể được cất trong nhà mà không bày ở tủ thuốc của phòng khám vì vậy rất khó phát hiện sai phạm.

Nguyên nhân của sai phạm trên theo ông Thắng thì ngoài việc các bác sĩ ham lợi nhuận thì cũng có một phần là do nhu cầu mua thuốc trực tiếp của người bệnh đã tiếp tay cho các bác sĩ bán thuốc sau khi kê đơn. Ông Thắng cũng cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, Thanh tra Sở Y tế vẫn chưa hề phát hiện và xử phạt trường hợp phòng khám tư nhân nào có bác sĩ vừa kê đơn vừa bán thuốc.”

Việc triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa để thu hút nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các loại hình y tế xuất phát từ nhu cầu của xã hội. Không thể phủ nhận những đóng góp của các cơ sở y tế tư nhân trong việc nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, cùng với các cơ chế, chính sách khuyến khích, các ngành chức năng cần tăng cường quản lý, nhất là công tác thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm để các cơ sở y tế tư nhân hoạt động đúng mục đích.