Khẩn trương di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm

09:11, 10/08/2008

Trưa ngày 10-8, thành phố Yên Bái như một ốc đảo, bốn bề ngập chìm trong nước. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Phòng, chống lụt bão TƯ Cao Đức Phát đã tìm mọi cách để xuống các huyện của Yên Bái nhưng không được.

Đứng ngồi không yên khi thông tin về thiệt hại từ các địa phương dồn dập gửi về, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng cho biết sẽ không đợi trực thăng để lên Lào Cai, mà sẽ đi theo cách PV Hànộimới đã đi từ Đoan Hùng vào Yên Bái. Nghĩa là chỗ nào đi được ô tô thì đi, không thì đi bằng xe máy và cũng có thể xắn quần lội nước... miễn là tới được Lào Cai.

Bộ trưởng cho biết, theo báo cáo, đến thời điểm hiện tại tỉnh Lào Cai đã có 32 người chết, 31 người mất tích, Bát Xát là huyện đã bị nặng nhất. Hôm qua Bộ trưởng đã đi máy bay trực thăng cùng hàng cứu trợ từ Hà Nội lên để đến những nơi bị lũ chia cắt, cô lập mà các phương tiện khác không thể vào được, nhưng đến TP Lào Cai thì mây dày đặc, trực thăng không thể hạ cánh nên phải quay về Yên Bái, đến ngày 10-8 sân bay ở đây bị ngập nước nên trực thăng phải quay về Hà Nội. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng: “Tôi sẽ lên Lào Cai, theo cách mà các bạn (PV) đã đi từ Đoan Hùng lên đây, phải tới được Lào Cai trong đêm 10-8 hoặc chậm nhất là sáng 11-8.

- P.V: Xin Bộ trưởng cho biết những biện pháp trước mắt để khắc phục hậu quả của lũ lụt?

- Bộ trưởng Cao Đức Phát: Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu bây giờ là bảo vệ tuyệt đối an toàn tính mạng nhân dân. Theo diễn biến của thời tiết, một vài ngày tới sẽ tiếp tục có mưa, nên khả năng sạt lở núi là rất lớn. Mặt khác, nước ở các sông tiếp tục dâng cao, do đó dân ở các vùng ven sông vẫn bị đe dọa. Phải tiếp tục rà soát lại địa bàn để di dời dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm, nhất là vùng hạ lưu các sông, bởi hiện tại nước từ thượng nguồn đang đổ dồn về rất nhanh. Vì bị lũ chia cắt, nên các huyện, xã phải huy động tối đa lực lượng tại chỗ giúp dân tránh lũ, khắc phục hậu quả.

- P.V: Mặc dù đã được cảnh báo trước, nhưng lũ vẫn gây ra những thiệt hại to lớn về người và của. Vậy theo Bộ trưởng có phải nguyên nhân chính là do sự chủ quan của lãnh đạo các địa phương?

- Bộ trưởng Cao Đức Phát: Tôi cho rằng các địa phương đã được chuẩn bị theo đúng yêu cầu chỉ đạo mà các công điện của TƯ đã gửi trước khi bão số 4 đến. Tuy nhiên, do trong đêm 8-8 mưa quá to trên diện rộng, lượng mưa ở mức kỷ lục so với nhiều năm gần đây, nên nhiều nơi xảy ra hiện tượng sạt lở núi, thiệt hại về người và của khó có thể lường trước được. Vấn đề quan trọng bây giờ chưa phải là xem xét lỗi tại đâu, mà việc cần kíp là lo cho dân ở những nơi bị lũ chia cắt, cô lập không bị đói, không bị thiệt hại thêm về người và của do lũ kéo dài.

- P.V: Năm nào đến mùa mưa bão là các vùng núi phía Bắc cũng phải hứng chịu những hậu quả nặng nề. Theo Bộ trưởng, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào trong thời gian tới?

- Bộ trưởng Cao Đức Phát: Tôi cho rằng, việc phải làm ngay là tuyên truyền mạnh để bà con vùng cao nắm được cách xây nhà chống lũ, nhất là những hộ bạt núi để xây nhà. Chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng có nhiệm vụ hướng dẫn, tăng cường giám sát người dân khi xây nhà dưới chân núi, gần các con suối. Bên cạnh đó, cần tiếp tục quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu dân cư vùng cao có khả năng tránh lũ và sạt lở.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!