Kiếm sống nhờ... dao kéo

08:47, 02/08/2008

Vuốt những giọt mồ hôi trên trán, gấp phẳng tờ 5.000 đồng bà hàng thịt trả bỏ vào túi áo ngực, xếp mấy viên đá mài và lon nước vào cái hộp gỗ buộc sau xe đạp, ông lại cất giọng ông ổng "Ai mài dao kéo đơi...".

20 năm sống nhờ... dao kéo

 

20 năm, quãng thời gian cũng đủ dài để cả ông Vinh và chiếc xe đạp Thống Nhất trở nên rệu rã. Nhưng vì cuộc mưu sinh, người đàn ông ấy cùng chiếc xe đạp, chiếc hòm gỗ cũ rích đựng dăm miếng đá mài và một hộp nhựa đựng nước vẫn phải dọc ngang khắp các chợ lớn, chợ "cóc" của đất Hà thành.

 

"Đời cầu bơ cầu bất, vợ con không có, chẳng biết dựa vào ai nên quanh năm suốt tháng cứ phải tay mài, chân đạp thì mới có cái bỏ vào mồm mà nhai, chứ nghỉ một cái là nhịn ngay" - ông Vinh mở đầu câu chuyện với vẻ tủi phận.

 

Ông Vinh vui vẻ kể về thời "hoàng kim" của thợ mài dao kéo: "Chục năm trước, cả ngày chỉ đi 1 - 2 chợ là sống khoẻ. Hồi đó, khi dao Trung Quốc còn hiếm, dụng cụ mài dao "8 xu" cũng chưa xuất hiện thì mấy bà hàng thịt, hàng cá rồi cả hàng thịt chó nếu không nhờ đến những thằng mài dao như tớ thì lấy gì ra mà cắt với chả chặt. Khi ấy, nhiều bà hàng hàng thịt quen ở chợ Hôm cứ 2 - 3 ngày không thấy tôi đến chợ là thế nào cũng lo sốt vó vì dù có quèn quẹt vài cái vào trộn bát, hay dùng thanh sắt mài dao thì cũng chỉ được vài nhát thôi. Thế nên, hồi đó, với các bà ấy thì bọn thợ mài dao chúng tôi quan trọng lắm".

 

"Hồi trước, kiếm tiền dễ quá nên tôi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện phải dành dụm, được bao nhiêu đều rượu chè và... bồ bịch hết, chẳng gửi cho vợ con được đồng nào. Mải mê với "cô bồ" cùng quê, đến khi hết tiền quay về với vợ, thì vợ con đã coi như không có mình trên đời rồi. Thế là lại lang thang với cái xe, hộp đá mài và lon nước lã" - ông nhớ lại quãng thời gian đã qua.

 

Nhưng lốp xe đi mãi cũng phải mòn, sức người không thắng được thời tiết nên có bận ông Vinh ốm gần chết, may nhờ có mấy anh em ở cùng xóm trọ chăm sóc. Ốm dậy, ông thấy sức mình kiệt hẳn, mà dao inox của Trung Quốc sản xuất bán đầy đường nên việc kiếm sống cũng vì thế mà kém đi.

 

Ông bảo, đã có lúc, ông đã quẳng đồ nghề vào gầm giường, chuyển sang đạp xích lô rồi, nhưng vì sức khoẻ không tốt, nên cuối cùng vẫn phải quay lại với nghề mài dao kéo.

 

"Cũng còn may, nhờ gia đình 2 bên tác động nên mấy năm nay vợ con tớ cũng bắt đầu nghĩ lại. Và tớ lại có chỗ để đi về! Chỉ có thằng cả là vẫn còn giận tớ vì suốt hơn chục năm để nó phải cùng mẹ vất vả nuôi 2 em bé dại nên phải bỏ học giữa chừng. Đã mấy lần nó trả lại tiền và quà tớ cho 2 đứa con nó rồi. Nhưng thôi, chả sao cả... Hy vọng, nó sẽ "thay tâm đổi tính" mà bỏ qua để tớ có thể thanh thản sống nốt tuổi già với con cháu" - ông Vinh nói mà như chực khóc.

 

Rồi như không còn kìm lại được, những giọt nước mắt vội vã lăn xuống gò má nhăn nheo và sạm đen vì nắng gió của người đàn ông đã ngoại ngũ tuần. Xoè cho tôi xem đôi bàn tay đầy những vết sẹo do dao kéo cắt phải những lúc mài dao sơ ý, ông Vinh tâm sự: "Gần hết cuộc đời, mới thấy có một cái nghề để tự nuôi sống mình quý biết bao. Nếu không có cái nghề này, không biết giờ này tớ còn đang phiêu bạt ở phương nào hay đã...".

 

Hà thành sót lại một nghề

 

"Ai mài dao k...éo đơi?!" - tiếng rao khắc khoải đã từng có thời khuấy động những nẻo đường, góc chợ Hà thành giờ đã gần như biến mất hoàn toàn. Thi thoảng, ở một góc chợ nào đó, ta vẫn bắt gặp hình ảnh những người đàn ông đứng tuổi lụi cụi ngồi mài dao cho các bà hàng thịt. Thế nhưng, tiếng rao thì đã mất hẳn và nghề mài dao kéo cũng sắp lụi tàn.

 

Ông Đức, người cũng có "thâm niên" gần 10 năm mài dao kéo ở Hà Nội than: "Người Hà Nội bây giờ chả mấy ai còn nghĩ đến chuyện mài dao nữa, vì dao kéo Trung Quốc sáng loáng bán đầy đường, hỏng thì mua cái mới. Giờ may ra, chỉ còn mấy bà bán thịt lợn và hàng thịt chó là vẫn còn dùng "dao ta" thôi".

 

"Của đáng tội, dao ta hình thức không đẹp, lại có dầu nhưng được cái chất thép tốt và bền, trong khi dao inox thì được mỗi cái là sáng bóng thôi chứ chất lượng kém lắm, kể cả dao to mà chặt xương cứng tí là mẻ ngay. Mà cái giống dao inox ấy đã mẻ là hỏng, chẳng cách gì khắc phục được. Vậy mà người ta vẫn chuộng mới lạ chứ!" - ông lo lắng.

 

Còn ông Tích, một người mài dao quê Thái Bình chia sẻ: "Bây giờ, còn cố được nên cứ túc tắc đi làm, ngày cũng được vài chục bạc bỏ túi. Nhưng có lẽ vì người Hà Nội ngày càng ít dùng dao ta, cả phố Sinh Từ giờ cũng đâu còn mấy nhà theo nghề buôn bán dao kéo, lại thêm có bộ mài dao "8 xu" bán cũng sẵn nên đám mài thuê chúng tôi sắp đến lúc thất nghiệp rồi".

 

Nói về sự "truyền nghề", ông Đức nói: "Như thằng út nhà tôi đây này, học xong cấp 3 thì nghỉ ở nhà, chẳng nghề ngỗng gì, cũng không muốn làm ruộng nên toàn ăn bám bố mẹ. Mấy lần tôi tính, kiếm bộ đồ nghề cho nó rồi đưa lên Hà Nội mài dao cùng bố thì nó đều chê. Nó bảo: "cả ngày đạp xe rạp cẳng, được mấy đồng bọ thì sống làm sao nổi!". Thế rồi nó xin đi làm phụ hồ, được vài tháng cũng bỏ về nhà vì vất vả quá, mà chủ thầu lại thường xuyên trả lương chậm. Đến giờ thì nó đang xin tiền đi học lái xe để đi lái taxi, nhưng vợ chồng tôi đều nhất trí là không cho, bắt nó phải tự kiếm ra tiền mà đi học".

 

Ông đau đáu vì với nghề, vì lúc nào ông cũng nghĩ, giờ có... cho thêm tiền tụi thanh niên cũng chẳng thèm làm cái nghề này. Phần vì ít tiền, phần vì vất vả, nhưng cái chính là họ coi việc mài dao kéo thuê là một nghề "giẻ rách"...