Mở ra triển vọng phát triển đô thị, nông thôn

15:58, 10/08/2008

Vừa qua, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Viện quy hoạch Xây dựng Thái Nguyên trên cơ sở Trung tâm Quy hoạch xây dựng Thái Nguyên (trực thuộc Sở Xây dựng). Việc thành lập Viện quy hoạch Xây dựng đã khiến dư luận rất quan tâm, đặt nhiều kỳ vọng sẽ mở ra hướng phát triển mới đối với đô thị, nông thôn. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với đồng chí Viện trưởng Nguyễn Thọ Hiếu về lĩnh vực này.

P.V: Xin đồng chí cho biết thực trạng về quy hoạch đô thị, nông thôn Thái  Nguyên?

 

Đồng chí Nguyễn Thọ Hiếu: Thái Nguyên là Trung tâm vùng Việt Bắc, cửa ngõ giao lưu kinh tế-xã hội với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhiều năm qua, tỉnh đã khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh tạo những bước phát triển rõ nét. Nhìn chung, trong quá trình phát triển đó, công tác quy hoạch đã được quan tâm, hầu hết các đô thị, khu di tích lịch sử-văn hóa... đã có quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết.

 

Tuy nhiên, đánh giá một cách kỹ lưỡng thì công tác quy hoạch xây dựng của tỉnh còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế-xã hội. Quy hoạch chung của một số thị trấn đã quá thời hạn chưa có kế hoạch điều chỉnh; công tác lập qua hoạch chi tiết ở T.P Thái Nguyên, thị xã Sông Công và một số thị trấn còn chậm (chỉ có khoảng 10-15% diện tích đất đô thị được lập quy hoạch chi tiết); việc công bố, công khai đồ án quy hoạch xây dựng chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, sau khi quy hoạch được duyệt chưa triển khai việc căm mốc giới ngoài thực địa; một số đồ án quy hoạch xây dựng chất lượng còn thấp, phải chính sửa nhiều trong quá trình phê duyệt, nên tiến độ thực hiện chậm; việc quy hoạch chi tiết không theo kịp tốc độ đô thị hóa gây nhiều bất cập trong xây dựng và quản lý đô thị; tình trạng xây dựng không có quy hoạch, trái quy hoạch vẫn tồn tại ở nhiều khu vực... Từ những tồn tại đó, đã dẫn đến phá vỡ quy hoạch, phá vỡ kiến trúc, những nét đặc trưng riêng của từng vùng. Theo đó, từ khu dân cư, khu sản xuất, đến các hệ thống giao thông, các công trình phúc lợi xã hội được hình thành ồ ạt, mạnh ai nấy làm, không theo một chuẩn mực nào. Đường nét kiến trúc của các công trình lai căng, không phù hợp với đặc điểm văn hóa, nền tảng sản xuất của từng vùng, tạo ra bức tranh kiến trúc hỗn độn từ nông thôn đến đô thị…

 

P.V: Vậy nguyên nhân do đâu?

 

Đồng chí Nguyễn Thọ Hiếu: Tựu chung lại, do nhận thức về vị trí và tầm quan trọng của công tác quy hoạch xây dựng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của các ngành, các cấp chưa được quan tâm đầy đủ; đầu tư nguồn vốn cho việc lập và quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng chưa cao; các đơn vị, tổ chức làm công tác nghiên cứu và lập quy hoạch còn hạn chế về trình độ, chuyên môn; ý thức của các tổ chức, cá nhân về quy hoạch hạn chế…

 

P.V: Việc thành lập Viện quy hoạch Xây dựng Thái Nguyên đã khiến dư luận rất quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng sẽ mở ra hướng phát triển mới cho đô thị và nông thôn tỉnh nhà?

 

Đồng chí Nguyễn Thọ Hiếu: Rõ ràng là như vậy. Việc thành lập Viện quy hoạch và Xây dựng đã thể hiện rõ vai trò của quy hoạch trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ mà UBND tỉnh giao: Giúp Giám đốc Sở Xây dựng hàng năm lập kế hoạch quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn trên địa bàn; nghiên cứu khoa học và ứng dụng các tiến bộ khoa học về quy hoạch kiến trúc để áp dụng vào lĩnh vực thiết kế, quy hoạch xây dựng; nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn… chúng tôi sẽ làm tốt nhiệm vụ đó. Đây là cơ hội để Thái Nguyên thực sự trở thành trung tâm vùng Việt Bắc, hội tụ rõ nét bản sắc văn hóa vùng, qua việc quy hoạch xây dựng, qua đó sẽ thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội.

 

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!