Những ý tưởng và kì vọng về một thành phố có đôi bờ sông

10:23, 28/08/2008

Ngay từ năm Gia Long thứ 12 (1813), sau khi chuyển từ Bình Kì, huyện Thiên Phúc ( nay là Sóc Sơn-Hà Nội ) lên khu vực Đồng Mỗ (phường Túc Duyên và Trưng Vương ngày nay) thì thủ phủ trấn Thái Nguyên cũng đã  nằm kề ngay sát với bờ Nam của dòng sông Cầu.

Cho đến năm 1962, khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập thành phố Thái Nguyên gồm thị xã Thái Nguyên cũ và sáp nhập thêm một số xã thuộc các huyện Đồng Hỷ, Phú Bình, Phú Lương trong đó có xã Đồng Bẩm (Đồng Hỷ) thì thành phố Thái Nguyên lúc đó mới nằm trên cả hai bên bờ của một khúc sông Cầu.

 

Năm 1985, theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng, thành phố đã tiếp nhận thêm 7 xã phía Tây và Tây bắc của huyện Đồng Hỷ, đồng thời cũng chuyển giao xã Đồng Bẩm, phường Chiến Thắng, Núi Voi và thị trấn Trại Cau về huyện Đồng Hỷ; và thế là thành phố Thái Nguyên lại trở về nằm ở một phía bờ Nam sông Cầu.

 

 Rồi đây, thành phố Thái Nguyên mở rộng sang bờ Bắc, dòng sông Cầu uốn lượn và chảy theo dọc chiều dài thành phố đến cả 25km và mở rộng đôi bờ đến gần 100m, tạo nên một khoảng không gian sinh thái sông nước - bầu trời, rất quí đối với một thành phố công nghiệp. Thiên nhiên dành sẵn cho thành phố chúng ta cả một không gian rộng hơn 2.000 ha mặt nước sông Cầu uốn lượn giữa lòng thành phố, rộng hơn 24 lần diện tích phường Trưng Vương,  hơn 2 lần diện tích của cả 5 phường ở khu trung tâm là Trưng Vương, Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng, Đồng Quang, Gia Sàng cộng lại và cũng rộng hơn cả trăm lần mặt nước theo với dự án “Hồ điều hoà Xương Rồng”(16,4 ha) để chúng ta tận dụng vùng không gian sông Cầu cho qui hoạch một thành phố sinh thái công nghiệp.

 

Chúng ta kì vọng trước hết tới kết quả thực hiện triệt để kế hoạch chống ô nhiễm nước sông Cầu, để trả lại cho dòng sông nguồn nước sạch, tưới cho những đồng rau, ruộng lúa, dùng cho các nhà máy và để tạo nên một bầu không khí trong lành dịu mát, một khúc sông xanh êm ả giữa lòng thành phố công nghiệp luyện kim khói toả và ồn ã ngày đêm.

 

Khi mà lưu lượng nước sông Cầu về mùa mưa tới 3500m3/s với dòng lũ dâng cao và mùa khô lại chỉ còn có 7,5 m3/s để lộ những bãi bồi cát sỏi, thì việc thực hiện những ý tưởng về “phòng chống lũ và chỉnh trị sông Cầu” là cả một vấn đề hệ trọng và bức thiết. Nên chăng, chúng ta cần khảo sát và tính toán để xây dựng một công trình thuỷ lợi lớn ở phía bắc tỉnh nhằm đảm bảo cho yêu cầu chống lũ về mùa mưa và điều tiết nước cho mùa khô cạn, giữ cho mực nước sông vùng trung lưu này luôn điều hoà quanh năm.

 

Dòng sông chảy qua thành phố cần được chỉnh trị, đôi bờ được xây kè đá và một số khúc sông cũng cần được nắn lại … Không chỉ có chức năng điều hoà sinh thái, sông Cầu sẽ còn được đầu tư để trở thành một sản phẩm du lịch với nhiều loại hình phong phú, đa dạng và hấp dẫn trên sông nước của một thành phố công nghiệp-thương mại-du lịch hiện đại, văn minh trong tương lai.

 

Chúng tôi ao ước và kỳ vọng có một đoạn đường lớn chạy dọc ven bên bờ nam sông Cầu (ít nhất từ Nhà Bảo tàng văn hoá các dân tộc VN, qua Vườn hoa Sông Cầu, Bến Tượng tới  Bến Oánh...) đó là “Đại lộ sông Cầu” thênh thang, có dãy bằng lăng hoa tím xen với hàng cọ lá xoè che nắng, tạo nên một không gian dịu mát và nét trung du thơ mộng của dòng sông xứ Thái. Chạy dài theo bờ sông kè đá là dãy lan can có những đường nét hoa văn dân tộc, những thảm có non xanh mượt, những vườn hoa nhỏ bốn mùa khoe sắc, những chiếc ghế đá trầm tư hứng gió và cả dãy dài những chùm đền cao áp rọi sáng lung linh xuống mặt sông khi đêm về. Hướng mặt về phía dòng sông thơ mộng sẽ là những khách sạn, nhà hàng, siêu thị, nhà thi đấu thể thao…với kiến trúc vừa hiện đại vừa hài hoà với không gian thư giãn bên sông. Vườn hoa sông Cầu hiện nay cũng sẽ được tô điểm phong phú, tươi đẹp hơn và có  thêm cả cổng lớn mở về phía đại lộ bờ sông…

 

 Bên kia bờ Bắc, với diện tích 1.262,96 ha của 2 xã Cao Ngạn và Đồng Bẩm, chúng tôi cũng kì vọng về một qui hoạch khu đô thị mới, văn minh hiện đại của thành phố Thái Nguyên. Ở đây cũng sẽ hình thành một con đường được thiết kế như đường bên bờ Nam nhưng chạy dài suốt dọc bờ sông của 2 xã Cao Ngạn và Đồng Bẩm. Hướng về phía mặt sông là nhiều khu chung cư cao tầng, các công trình văn hoá, khu vui chơi giải trí, những siêu thị, khách sạn, nhà hàng, và cả một “vành đai xanh” hiện đại với những khu “nhà lưới” trồng rau sạch và hoa tươi, cung ứng cho nhân dân thành phố...

 

 Chúng tôi cũng mong ước có thêm một số cây cầu nối đôi bờ sông trong thành phố mở rộng của chúng ta. Cầu Gia Bẩy hiện nay tuy vững chãi nhưng mang dáng vẻ đơn điệu, giống như đại trà những cây cầu trên đường quốc lộ. Cầu bắc qua sông giữa lòng thành phố  đâu chỉ thuần tuý đáp ứng yêu cầu giao thông mà còn là công trình của kiến trúc không gian đô thị đạt giá trị thẩm mĩ cao. Cây cầu trong lòng thành phố Thái Nguyên tới đây sẽ đẹp với những kiểu dáng đặc trưng đầy ấn tượng, tạo được nhiều cảm xúc đối với người dân và đầy gợi nhớ cho những người đi xa.

 

Mở rộng sang bờ bắc để có một không gian đủ lớn, một quĩ đất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội.  Lúc này “vùng điều hoà sông Cầu” sẽ trở thành một đối tượng trung tâm của qui họach một thành phố sinh thái công nghịêp trong thời kì công nghiệp hoá-hiện đại hóa, tích hợp được nhiều lợi ích cho sự phát triển bền vững của thành phố chúng ta.