Nơi ra đời chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Phú Bình

08:12, 20/08/2008

Nơi ấy là Kha Sơn, mảnh đất anh hùng, niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Phú Bình, nơi ấy cũng là một yếu địa của ATK 2 của Trung ương trong kháng chiến.

Nhằm xây dựng nòng cốt cho phong trào cách mạng Kha Sơn nói riêng và Phú Bình nói chung, tháng 4-1943, Ban cán sự ATK đã quyết định chọn một số thanh niên tích cực của xã Kha Sơn thành lập tổ trung kiên để bồi dưỡng về chính trị, từng bước nâng cao tinh thần giác ngộ cách mạng, sự hiểu biết về Đảng. Lúc đầu tổ có 3 đồng chí: Nguyễn Bình Sơn, Nguyễn Văn Nội (tức Cao Nhật) và Nguyễn Văn Xứ. Đến tháng 7-1943, đồng chí Ngô Thế Sơn thay mặt Ban Cán sự ATK đã triệu tập 3 đồng chí trên bí mật đến rừng Rác thuộc địa phận xã Kha Sơn Hạ và tuyên bố kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, đồng thời tuyên bố thành lập chi bộ Kha Sơn Hạ do đồng chí Ngô Thế Sơn làm bí thư. Đây là chi bộ đầu tiên của huyện Phú Bình, đánh dấu một bước phát triển về chất của phong trào cách mạng ở địa phương.

 

Chi bộ Kha Sơn Hạ hoạt động theo sự chỉ đạo của Ban cán sự ATK và tổ chức Đảng ở Bắc Giang. Sau khi được thành lập, Chi bộ đã đẩy mạnh hoạt động theo 3 hướng tuyên truyền giáo dục ý thức giác ngộ cho quần chúng, củng cố và phát triển phong trào ở địa phương. Mặt khác, các đảng viên trong chi bộ tích cực thông qua các mối liên hệ để chắp nối, liên lạc phát triển cơ sở đến các làng, xã khác trong huyện. Do tích cực hoạt động giác ngộ quần chúng và mở rộng cơ sở, đến cuối năm 1944, phong trào đã lan rộng tới phía Bắc của huyện như các xã Bàn Đạt, Đồng Liên… Quần chúng ưu tú xuất hiện ngày càng nhiều, chi bộ Kha Sơn Hạ quyết định kết nạp thêm đảng viên mới. Và tháng 2-1944, tại nhà ông Quyền Lạng (tức Nguyễn Văn Kim) chi bộ đã tổ chức kết nạp thêm đồng chí Nguyễn Tâm và Nguyễn Thị Lung vào Đảng, điều đồng chí Nguyễn Bình Sơn, đảng viên chính thức Chi bộ Kha Sơn Hạ cùng 2 đồng chí vừa kết nạp thành lập chi bộ Kha Sơn Thượng do đồng chí Trần Đô-cán bộ Xứ ủy trực tiếp làm Bí thư chi bộ.

 

Từ một tổ trung kiên có 3 thành viên tận tụy trung thành với cách mạng, chưa đầy 1 năm sau (từ tháng 3-1943 đến tháng 2-1944) Kha Sơn đã xây dựng được 2 chi bộ Đảng và trở thành 2 ngọn đuốc sáng soi đường cho quần chúng tiến bước dưới ngọn cờ cách mạng.

 

Kế thừa truyền thống của các đồng chí đảng viên đầu tiên, hôm nay Đảng bộ xã Kha Sơn đã có bước phát triển lớn. Theo đồng chí Lương Văn Dung, Bí thư Đảng ủy xã thì: Toàn Đảng bộ hiện có 280 đảng viên, sinh hoạt ở 22 chi bộ. Trong đó có 18 chi bộ nông thôn, 3 chi bộ nhà trường và 1 chi bộ cơ quan.

 

Trong công tác phát triển Đảng, Kha Sơn cũng gặp phải một khó khăn chung đó là: Điều kiện để kết nạp đảng viên mới là trình độ phải học hết THPT, thế nhưng một thực tế ở địa phương là hầu hết những thanh niên cập được trình độ này đã đi học hoặc làm ăn xa, nên nguồn để bồi dưỡng kết nạp  hạn chế. Đứng trước khó khăn trước mắt, Đảng bộ xã đã giao chỉ tiêu cho các chi bộ, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền quần chúng nhân dân phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, đặc biệt là đối với lớp trẻ. Qua đó, đã nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân. Trung bình mỗi năm Đảng bộ kết nạp được trên 20 đảng viên mới.

 

 Bên cạnh sự quan tâm phát triển về lượng, Đảng bộ đã chú trọng đến chất lượng đảng viên bằng việc thường xuyên giáo dục ý thức Đảng cho đội ngũ cán bộ đảng viên trong việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết thông qua các đợt học tập chính trị, tổ chức thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"… Đồng thời, phát động các đợt thi đua xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh.

 

Kết quả phân loại hằng năm có 75-80% chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, 98% đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đảng bộ nhiều năm liền đạt danh hiệu đảng bộ trong sạch vững mạnh, riêng năm 2007 đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu.