Phú Lương với công tác phát triển rừng

16:14, 21/08/2008

Vài năm về trước, mỗi lần đến các bản làng của huyện Phú Lương, chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy những vạt rừng phòng hộ bị chặt phá nham nhở, những khoảng đất trống cỏ dại mọc um tùm. Vậy mà nay, màu xanh ngút ngàn của cây rừng đã lấp đầy đát trống, phong trào trồng cây, gây rừng lan rộng trong toàn huyện, từ việc trồng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, nhiều hộ nông dân đã có thu nhập ổn định.

Trao đổi với chúng tôi, chị Vi Hồng Khánh, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Phú Lương cho biết: Có được màu xanh của rừng như hôm nay là kết quả của việc làm tốt công tác phát triển rừng, trong đó phải kể đến hiệu quả thiết thực từ Dự án trồng rừng 661.

 

Năm 1999, thực hiện Quyết định 661/TTg của Thủ Tướng Chính phủ về chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng (1999 đến 2010), dự án đầu tư rừng phòng hộ huyện Phú Lương (gọi tắt là Dự án 661 Phú Lương) được triển khai trên phạm vi 7 xã: Yên Ninh, Yên Trạch, Yên Đổ, Yên Lạc, Động Đạt, Phủ Lý, Phú Đô; mục tiêu cụ thể là bảo vệ  9.823 ha rừng hiện có; trồng mới 3.000 ha rừng tại những nơi đất trống, đồi núi trọc; phấn đấu đến năm 2010 nâng độ che phủ của rừng trên địa bàn huyện lên 50%, qua đó góp phần tích cực chống xói mòn, bảo vệ môi trường, điều hòa khí hậu, phòng, chống lũ lụt; bố trí sử dụng đất lâm nghiệp một cách triệt để và hợp lý, góp phần giải quyết việc làm, ổn định đời sống kinh tế cho nhân dân.

 

Tổng diện tích đất tự nhiên trong vùng dự án là 21.815 ha, trong đó có 14.044 ha đất lâm nghiệp chiếm 64%, đây là những khu vực phòng hộ xung yếu trên lưu vực đầu nguồn Sông Cầu và hệ thống sông, suối trên địa bàn huyện. Vào thời điểm này, độ che phủ rừng ở Phú Lương mới ở mức 28%, hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn ở một số xã như Yên Ninh, Yên Lạc, Yên Trạch…bị tàn phá nặng nề; đất trống, đồi núi trọc còn nhiều nhưng hàng năm diện tích rừng được trồng mới đạt rất thấp. Trong những năm đầu triển khai, dự án gặp không ít khó khăn do nhận thức của người dân về phát triển kinh tế gắn với việc phát triển rừng còn hạn chế; đặc thù của việc trồng rừng đòi hỏi vốn lớn, vòng quay chậm nên chuyện người dân bỏ vốn đầu tư trồng rừng mới, khoán bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh rừng còn quá ít, nhất là đối với diện tích rừng ở khu vực có độ cao trên 200m và xa khu dân cư.

 

Với quyết tâm đẩy mạnh công tác phát triển rừng, từng bước nâng cao diện tích che phủ của rừng trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể của Phú Lương đã cùng vào cuộc với một quyết tâm cao. Huyện đã xây dựng nhiều vườn ươm để chủ động về cây giống, đảm bảo chất lượng theo các yêu cầu kỹ thuật; việc tuyên truyền về  trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng đã được huyện đẩy mạnh. Cùng với trồng rừng mới, việc giao đất, giao rừng đến các chủ hộ đã được thực hiện triệt để, kinh phí hỗ trợ cho bà con cũng đã được UBND tỉnh điều chỉnh phù hợp theo giá cả từng thời điểm; năm 1999 kinh phí hỗ trợ trồng, chăm sóc rừng trồng từ năm thứ nhất đến năm thứ tư là 3 triệu đồng/ha, năm  2005 được nâng lên mức 4 triệu đồng/ha, từ 2007 đến nay áp dụng mức 6 triệu đồng/ha, phần lớn bà con đã nhận thức được việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng sẽ mang lại hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài cho người dân, tại các xóm như: Làng Muông, Suối Bốc, Suối Hang (xã Yên Ninh), người dân đã dừng hẳn việc lên rừng phát nương, làm rẫy. Không chỉ riêng ở Yên Ninh mà ở nhiều xã khác như: Yên Lạc, Phú Đô, Yên Trạch…ngoài việc trồng rừng mới, diện tích bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng, chăm sóc rừng trồng được bà con nhận thực hiện ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Tính từ năm 1999 đến nay, toàn huyện Phú Lương đã trồng mới được trên 2.483 ha rừng phòng hộ; diện tích bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng trong 8 năm qua là 15.394 ha, những loài cây bản địa có giá trị kinh tế cao được bảo vệ, những loại cây kém giá trị được tỉa thưa, hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn được đảm bảo; độ che phủ của rừng từ 28% năm 1999 nay đã nâng lên mức trên 43%.