Thiệt hại hàng chục tỷ đồng, 3 người bị lũ cuốn trôi do bão số 4

16:10, 09/08/2008

Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, trong các ngày từ 7 đến 10-8, trên địa bàn các huyện Định Hoá, Đại Từ, Phổ Yên, Phú Lương đã xảy ra mưa lớn làm sập, phá hủy nhiều nhà dân và công trình công cộng; hàng ngàn héc-ta lúa, hoa màu bị vùi lấp, ngập chìm trong nước; nhiều tuyến giao thông, đập nước bị hư hỏng nặng... Đã có hai người bị lũ cuốn trôi.

Tại huyện Định Hóa:

Trong ba ngày (từ 7 đến 9-8) xảy ra mưa lớn làm mực nước ở các con suối, hồ, đập trên địa bàn dâng cao. Đặc biệt, trận mưa kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ ngày 8-8, gây nhiều thiệt hại cho người và tài sản của nhân dân. Tại các tuyến đường tỉnh lộ 268, 264; các tuyến đường liên xã Chợ Chu- Lam Vỹ - Linh Thông - Bảo Linh - Phú Đình - Bình Thành bị ngập úng cục bộ gây ách tắc giao thông. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Định Hoá, mưa lớn đã làm cho 1.000ha lúa bị ngập úng, trong đó có 200 ha bị vùi lấp hoàn toàn; 18 nhà dân bị hư hại nặng; 10 tấn cá bị mất do nước tràn qua một số ao, hồ; gần 300 kg gia cầm bị đất vùi lấp. Trên các trục đường giao thông và một số công trình công công bị sạt lở gần 3 nghìn m3 đất, đá gây ách tắc giao thông. Tổng trị giá thiệt hại trong đợt này trên 3 tỷ đồng.

Nghiêm trọng hơn, cơn bão số 4 đã cướp đi sinh mạng của anh Trương Văn Hoa, sinh năm 1962, ở xóm Trung Tâm, xã Sơn Phú (Định Hoá) khi anh này cố cứu một thanh niên bị nước cuốn khi đang qua Cầu tràn của xã Sơn Phú. Do mưa to, nước lớn và chảy xiết nên đến 13 giờ ngày 9-8, gia đình mới tìm thấy xác của anh cách đó hơn 100m. Và anh Trương Văn Thành, sinh năm 1971, quê ở xã Yên Ninh, Ý Yên, Nam Định, làm thợ xây tại xã Tân Thịnh khi đi qua đập tràn xã Tân Dương đã bị nước cuốn trôi. Các đồng chí lãnh đạo huyện, xã đã kịp thời đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình nạn nhân Trương Văn Hoa 3,5 triệu đồng.

Hiện, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, các phòng, ban chức năng của huyện đang triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả thiệt hại để người dân sớm ổn định đời sống và sản xuất.

Tại huyện Đại Từ:

Trong hai ngày 8 và 9-8, theo thống kê ban đầu đã có 5 nhà dân bị sập; 142 nhà bị sạt lở đất ảnh hưởng tới cây cối, hoa màu; 570 ha lúa bị lũ cuốn trôi và vùi lấp. Xã Phú Lạc bị vỡ hồ Cây Nhừ và một đập nước mới xây. 54 đập tạm và bán kiên cố bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. 5 km đường liên xã bị hư hỏng nặng… ước tính thiệt hại lên tới trên 13 tỉ đồng. Trận mưa to đã làm nước sông Công dâng cao, cuốn trôi anh Nguyễn Văn Thiện, 26 tuổi, ở xóm Đồng Trũng (Hùng Sơn), khi trên đường trở về nhà. Ngay trong đêm mưa bão, các đồng chí lãnh đạo huyện đã cắt cử, phân công cán bộ trực tiếp xuống cơ sở để động viên nhân dân ổn định tâm lý và triển khai các phương án khẩn cấp phòng, chống và khắc phục thiên tai.

Tại huyện Phổ Yên:

Từ ngày 8 đến 10-8, đã xảy ra mưa lớn kéo dài gây ngập trên 250 ha lúa mùa muộn đang ở giai đoạn bén rễ, đẻ nhánh của các xã Nam Tiến, Vạn Phái, Đông Cao, Tân Hương, Trung Thành. Đây là những xã nằm trong vùng trũng giáp sông Cầu thường xuyên bị úng ngập khi mưa lớn kéo dài. Tại khu vực Trạm tiêu úng Cống Táo, thuộc địa phận xã Thuận Thành (Phổ Yên) mực nước trong đồng đang thấp hơn mức nước ngoài sông 0,5 m. Trước tình hình trên, để đảm bảo tiêu úng kịp thời, vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 10-8, UBND huyện Phổ Yên đã phát lệnh bơm tiêu úng tại Trạm tiêu úng Cống Táo với 11 máy bơm điện hoạt động liện tục 24/24 có công suất 33.000 m3/giờ, toàn bộ các cống tiêu dưới đê đã được đóng.

Huyện Phú Lương:

Tại thị trấn Đu, 8 hộ bị nước ngập đến nền nhà và nằm trong khu vực của dòng chảy lũ. Ở xã Phủ Lý nhà ông Thảo, xóm Tân Chính bị sập, 6 đoạn đường liên xóm Hiệp Hoà - Bản Eng và Na Rau - Khe Ván bị sạt lở. Cột điện cao thế số 10 dẫn vào trạm No Mọn bị sạt lở. Tại xã Hợp Thành, hiện mức nước vẫn còn ngập cao, giao thông bị cô lập, nhiều cánh đồng lúa ngập chìm trong nước. 17 ngôi nhà dân của xã Ôn Lương bị sạt lở, trong đó 3 ngôi nhà bị sạt lở nặng, mố cầu Cỏ Pai cũng bị sạt lở…

Ngay trong mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh, huyện và các cấp ngành, toàn thể nhân dân đã đoàn kết, chủ động giúp đỡ nhau di chuyển tài sản ra khỏi vùng ngập lụt. Lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ được phân công làm nòng cốt trong việc cảnh giới, sẵn sàng ứng cứu tại các khu vực trọng yếu.