T.P Thái Nguyên: Lúa trỗ bông sau ... 11 ngày gieo cấy

09:45, 12/08/2008

Hơn 17 sào lúa của 7 hộ dân tại Đội sản xuất Quang Vinh 1 và Quang Vinh 2, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) đã trỗ bông sau 11 ngày gieo cấy.

Bà Mai Thị Sơn, Đội Trưởng Đội sản xuất Quang Vinh 1 cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi thấy có hiện tượng lúa trỗ bông lạ như vậy. Bị nhiều nhất là các hộ: Mai Thị Thu 6 sào, Mai Thị Sơn 5 sào và Nguyễn Thị Bích 2 sào… Trong phường còn rất nhiều hộ cũng có lúa bị trỗ bông sớm, chủ yếu lúa tại các cánh đồng Thần Vì, Cầu Đình và Bưng Trống… Một số hộ đã tự nhổ lúa trỗ đi để gieo cấy lại, số hộ khác vì khó khăn nên chấp nhận để nguyên.

 

Trên cánh đồng Thần Vì, bà con nông dân cho chúng tôi xem những vỏ bao đựng thóc giống. Trên vỏ bao, ngoài các dòng quảng cáo về chất lượng giống còn ghi rõ: "Khang Dân 18 NC". "TG thu hoạch 10/2007". "HSD 10/2008"… Giống do Trung tâm Giống cây trồng (Sở Nông nghiệp & PTNT) sản xuất, cung ứng.

 

Nhổ cây mạ đã trỗ bông, bà Sơn cho biết thêm: Những rảnh mạ mới cấy đều đã cho bông… ngoài ý muốn. Có điều lạ là tuy đã đơm bông, nhưng lúa vẫn đẻ nhánh, chúng tôi cũng không hiểu tại sao đồng lúa năm nay lại bị như vậy. Nếu bình thường, đến vụ thu hoạch trung bình mỗi sào đạt 2 tạ thóc, nhưng như thế này cầm chắc thu hoạch được khoảng hai chục cân.

 

Ngày 8 - 8, Trung tâm Giống cây trồng, Chi nhánh Vật tư Nông nghiệp thành phố Thái Nguyên, Trạm Khuyến nông… cùng đại diện chính quyền phường Quang Vinh ra đồng kiểm tra thực tế, sau đó đã có kết luận: "Lúa trỗ sớm không phải do chất lượng giống".

\

Trước thực tế này, bà con nông dân bức xúc: Từ trước đến nay chúng tôi vẫn cấy cày trên ruộng ấy, nếu đầu tư ít thì năng suất thấp hơn, chứ không thể ra bông sớm như thế này. Vậy mà chúng tôi được các "đồng chí" cán bộ chức năng "phê bình": Do cày bừa ẩu, gieo mạ dày, mạ để già, cấy muộn, cấy sâu tay… Đồng thời đưa ra giải pháp khắc phục như điều chỉnh mức nước ruộng, giữ ở mức từ 2 đến 3cm; tiến hành bón vôi với lượng từ 10 đến 15 kg/sào kết hợp với làm cỏ sục bùn; bón từ 3 đến 4 kg đạm urê + 1 đến 2 kg kali clorua/sào; phun phân bón qua lá.

 

Chúng tôi không biết giải pháp này có cứu được số diện tích lúa đã trỗ hay không? Nhưng chắc chắn lúa trỗ sớm như thế, cơ quan chức năng cũng có một phần trách nhiệm với nông dân về chất lượng thóc giống mà Trung tâm đã bán cho nông dân.