Về Tiên Phong Anh hùng

14:50, 19/08/2008

Thu tháng 8, bầu trời trong xanh, nắng vàng hắt xuống dòng Như Nguyệt khiến con sông trở nên dài hơn, rộng hơn khi dang cánh tay mềm mại ôm trọn những cánh đồng lúa đương thì con gái nơi mảnh đất Tiên Phong (Phổ Yên) anh hùng.

 Lần trở lại Tiên Phong này, anh bạn đồng nghiệp cùng đi với tôi cao hứng đọc mấy câu trong bài thơ “Thăm cơ sở cách mạng” của cố Tổng Bí thư Trường Chinh viết trong dịp về thăm Tiên Phong tháng 5-1981 mà anh đã kịp tìm hiểu trước đó:              

 

“Tiên Thù cơ sở năm xưa

Chở che đùm bọc đón đưa ân cần

Tình dân nghĩa nước nồng nàn

Bốn mươi năm ấy muôn vàn nhớ mong”..

 

Lần trong sử sách, chúng tôi được biết xã Tiên Phong trước đây là tổng Tiên Thù với diện tích gần 1.500 ha gồm trên 2.900 hộ dân sinh sống tại 10 thôn, 27 xóm. Năm 1939, do yêu cầu cách mạng mở rộng an toàn khu, Tiên Phong trở thành một điểm quan trọng trong an toàn khu II của Đảng nối liền đường dây liên lạc và các hoạt động của Trung ương từ miền xuôi lên chiến khu Việt Bắc và ngược lại.

 

Cụ Nguyễn Văn Thẩm, 86 tuổi, thôn Cổ Pháp là một trong những người tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương đầu tiên bồi hồi nhớ lại: Tôi được đồng chí Ngô Hải Long- người có công trong việc xây dựng cơ sở cách mạng của xã Tiên Phong và đồng chí Ngô Phương, cán bộ cách mạng hoạt động cơ sở Hoàng Vân- Bắc Giang giác ngộ cách mạng năm 1939. Sau khi được giác ngộ, tôi hoạt động trong Hội Thanh niên phản đế từ 1939-1945. Trong thời gian đó, tôi đã  tuyên truyền, giác ngộ các gia đình trong thôn tham gia cách mạng. Rồi tôi còn làm giáo viên dạy Sơ học yếu lược (cấp 1) cho anh em, quần chúng nhân dân. Các loại sách, báo thời đó như Báo Cờ giải phóng, Báo Cứu quốc, những bài ca dao, bài ca cách mạng được chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho anh em. Ngoài ra, chúng tôi còn có nhiệm vụ đưa đón, bảo vệ cán bộ, bảo vệ Hội nghị xứ uỷ Bắc Kỳ họp tại thôn,  rải truyền đơn ở những địa phương chưa có phong trào cách mạng…

 

Qua câu chuyện với đồng chí Hoàng Công Lộc, Bí thư Đảng uỷ xã chúng tôi được biết hiện ở Tiên Phong, một số di tích lịch sử của địa phương đã được các cấp có thẩm quyền công nhận như nhà bà Lưu Thị Phận, thôn Cổ Pháp, là nơi đồng chí Trường Chinh- Tổng Bí thư của Đảng chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương VII tháng 11-1941. Cũng ở thôn này tại nhà ông Nguyễn Văn Lệ, đầu năm 1944 đã diễn ra Hội nghị Xứ uỷ họp bàn việc giải thoát cho tù chính trị ở Căng Bá Vân do đồng chí Hoàng Quốc Việt, Uỷ viên thường vụ Trung ương Đảng chủ trì. Còn tại thôn Yên Trung nơi mà nhân dân trước đây vẫn gọi là “Một tiếng gà gáy 3 xã, 3 huyện, 2 tỉnh cùng nghe thấy”, nhà ông Ngô Hải Long và Soi Quýt đã trở thành nơi ra đời cơ sở cách mạng đầu tiên của Đảng; nhà bà Hoàng Thị Úc là địa điểm đặt in Báo Cờ giải phóng, tiền thân của Báo Nhân dân ngày nay vào năm 1942... Không chỉ bảo vệ tuyệt đối cho cơ sở cách mạng, quân và dân Tiên Phong còn tham gia chiến đấu lập nhiều chiến công phát động khí thế cách mạng của quần chúng thuận lợi cho việc đấu tranh khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945

 

Phát huy truyền thống anh hùng trên quê hương cách mạng, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Tiên Phong bắt tay vào phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Kinh tế địa phương từng bước cải thiện. Sản xuất nông, lâm nghiệp đã tích cực chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, áp dụng những thành tựu KHKT vào sản xuất. Nhờ vậy đã tăng sản lượng lương thực đến năm 2007 lên gần 7.000 tấn. Trong sản xuất công nghiệp, TTCN, nghề sản xuất mây tre đan truyền thống được nhân dân bảo tồn và phát huy có trên 1.300 hộ tham gia với 2.500 lao động vừa sản xuất nông nghiệp vừa sản xuất hàng mây tre đan cùng khoảng 2.000 lao động phụ tham gia sản xuất lúc nông nhàn. Ngoài ra, xã còn có 20-30% lao động làm nghề khai thác cát sỏi, sản xuất gạch nung, hàn gò, may đo, sản xuất đồ mộc... góp phần nâng giá trị sản xuất công nghiệp, TTCN năm 2007 đạt gần 13 tỷ đồng.

 

Trong 2 năm 2006-2007, Tiên Phong đã làm được 8 km đường bê tông, xây dựng và đưa vào sử dụng trạm xá xã trị giá 410 triệu đồng, xây dựng thêm 2 nhà văn hoá ở Trung Quân và Giã Thù trị giá 140 triệu đồng, 100% hộ gia đình được dùng điện lưới  quốc gia. Cuộc vận động xây dựng gia đình, làng bản, cơ quan văn hoá được nhân dân hưởng ứng và đi vào cuộc sống. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm-TNXH được kiềm chế và đẩy lùi, tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững.