Bài học từ các vụ ngừng việc tập thể của người lao động

15:07, 17/09/2008

Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 9 năm 2008, trên địa bàn Thái Nguyên đã xảy ra ba cuộc ngừng việc tập thể đòi quền lợi của người lao động. Điều đáng lưu tâm là các cuộc ngừng việc lại xảy ra ở doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hơn thế, nó lại diễn ra một cách tự phát, không có tổ chức, nên đã tạo dư luận xấu trong xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, trật tự địa phương.

Tại Công ty CP đầu tư và thương mại TNG, ngày 27-3-2008, gần 600 công nhân Chi nhánh Nhà máy TNG số 1 đã tập trung trước trụ sở Công ty (đường Minh Cầu-T.P Thái Nguyên) yêu cầu chủ doanh nghiệp giải quyết 9 vấn đề liên quan đến quyền lợi người lao động gồm: Tiền lương thấp, định mức quá cao; thời gian làm thêm giờ nhiều; tiền hỗ trợ nhà trọ cho công nhân chưa được chi trả; vấn đề ăn ca, bổ nhiệm cán bộ, giải quyết chế độ cho công nhân chưa được quan tâm đúng mức...

 

Sau khi đối thoại trực tiếp với người lao động, ông Nguyễn Văn Thời, Tổng Giám đốc Công ty đã ký cam kết thực hiện tất cả các đòi hỏi chính đáng và hợp pháp của người lao động. Cụ thể là thực hiện thời gian làm thêm giờ đúng quy định của pháp luật; công khai đơn giá tiền lương, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách với người lao động... Công ty CP đầu tư và thương mại TNG là một doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn, lương thu nhập bình quân thấp, những phát sinh gây bức xúc cho người lao động đã từ lâu không được giải quyết thoả đáng nên mới dẫn tới việc tập thể công nhân ngừng việc đòi quyền lợi.

 

Trong các ngày từ 3 đến 5-9-2008, đồng thời tại hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Mani Hà Nội (Phổ Yên) và Công ty TNHH Mani Meinfa (T.X Sông Công), trên 800 công nhân lao động đã tổ chức ngừng việc, yêu cầu chủ doanh nghiệp tăng lương 30% (vào mức lương tối thiểu) và tăng tiền ăn ca lên 8.000 đồng (trước là 6.000 đồng) cho toàn bộ công nhân. Sau khi đối thoại trực tiếp với công nhân, lãnh đạo hai Công ty đã thống nhất thực hiện các cam kết: Những người đã hết thời gian thử việc trở thành công nhân chính thức của Công ty được tăng lương 15%. Tiền ăn ca cũng tăng lên 7.000 đồng/suất, trong đó Công ty hỗ trợ 5.000 đồng. Ngoài ra, hai Công ty cũng đã tiến hành điều chỉnh tiền trợ cấp sinh hoạt, đi lại, tiền thưởng cho người lao động.

 

 Để xảy ra sự việc trên là do hai Công ty không có những điều chỉnh kịp thời, hợp lý về mức thu nhập và các khoản sinh hoạt phí của công nhân trong thời điểm giá cả thị trường đang biến động từng ngày. Theo ông Hoàng Văn Hùng, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh thì trước đó, Liên đoàn đã tổ chức thanh, kiểm tra tại hai Công ty này và đã có cảnh báo đối với doanh nghiệp về mức thu nhập và tiền lương của người lao động còn thấp, cần điều chỉnh để tránh gây bức xúc để xảy ra những trường hợp đáng tiếc. Tuy nhiên, lời cảnh báo này đã không được lãnh đạo hai Công ty quan tâm điều chỉnh.

 

Để xảy ra tình trạng ngừng việc tập thể của người lao động, trách nhiệm trước tiên thuộc về chủ doanh nghiệp, tiếp nữa là tổ chức công đoàn cơ sở. Tại ba doanh nghiệp nêu trên, các vấn đề về tiền lương, thu nhập và điều kiện làm việc của người lao động chưa được người sử dụng lao động cũng như tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Về giải quyết vấn đề ngừng việc tập thể của công nhân, trách nhiệm chính thuộc về UBND cấp huyện, thị nơi doanh nghiệp trú chân. Qua những trường hợp cụ thể này cho thấy, vai trò của chính quyền địa phương trong giải quyết các trường hợp ngừng việc tập thể còn rất mờ nhạt, nếu không muốn nói là chưa có sự vào cuộc thực sự.

 

Về việc tới đây có còn xảy ra tình trạng ngừng việc tập thể hoặc đình công của công nhân lao động trên địa bàn nữa không, ông Hoàng Văn Hùng lo ngại: Nguy cơ xảy ra tình trạng ngừng việc đòi quyền lợi tại các đơn vị trên vẫn còn. Chúng tôi xác định đơn vị có nguy cơ xảy ra lớn nhất hiện nay vẫn là Công ty CP đầu tư và thương mại TNG vì Công ty này có số lượng lao động khá đông (từ 4.000 đến 6.000 người), thu nhập lại thấp so với mặt bằng chung. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không nên xem nhẹ vì đây cũng là đối tượng có thu nhập thấp. Cũng theo ông Hùng, biện pháp để ngăn chặn việc đình công hoặc ngừng việc là: Tổ chức công đoàn cơ sở tích cực tuyên truyền và triển khai Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định trong doanh nghiệp. Từ đó hướng dẫn về trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp lao động giữa cá nhân và tập thể, tránh tình trạng đơn thư vượt cấp, khiếu kiện đông người. Tổ chức tập huấn cho Hội đồng hoà giải lao động ở cơ sở, để họ nắm bắt được quy trình giải quyết tranh chấp khi xảy ra; bồi dưỡng cho Chủ tịch công đoàn cơ sở về kỹ năng giải quyết tranh chấp. Cần nhất là người sử dụng lao động phải thực sự quan tâm đến đời sống công nhân, kịp thời giải quyết dứt điểm những phát sinh và điều chỉnh hợp lý tiền lương, đảm bảo thu nhập cho người lao động.