Bất cập trong khai thác nguồn nước sinh hoạt

13:37, 03/09/2008

Trên địa bàn Thái Nguyên hiện có nhiều hình thức khai thác và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Thứ nhất là nguồn nước máy do các đơn vị cấp nước trên địa bàn đảm nhận; thứ hai là các nhà máy nước cấp huyện; thứ ba là nguồn nước tự chảy được khai thác theo chương trình Mục tiêu Quốc gia nước sạch và VSMT.

Ngoài ra, còn một phần lớn nguồn nước do người dân tự khai thác từ các giếng khoan, giếng đào. Như vậy, người dân đang được hưởng nguồn nước sinh hoạt rất phong phú. Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác các nguồn nước sinh hoạt này vẫn còn nhiều chuyện để bàn.

 

Theo quy định của Ngành Y tế thì tất cả các chương trình cấp nước sinh hoạt cho nhân dân khi đưa vào sử dụng đều phải qua kiểm nghiệm tiêu chuẩn vệ sinh. Áp vào những đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh thì có tới 50-60% chưa hoặc ít thực hiện được tiêu chí này, ngoại trừ một số đơn vị: Công ty TNHH một thành viên khai thác nước sạch Thái Nguyên, Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn... Qua các đợt thanh, kiểm tra nhân Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và VSMT hằng năm, có không ít đơn vị cấp nước (chủ yếu ở cấp huyện) không đảm bảo chất lượng. Khi trao đổi thì được biết: Chi phí dành cho xét nghiệm mẫu nước quá lớn, trong khi lượng khách hàng sử dụng nước từ các nhà máy nước cấp huyện chưa nhiều...

Thực tế cho thấy, ngoài nguồn nước ngầm, mọi sinh hoạt của người dân đều nhờ vào nguồn nước mặt (sông, suối, ao hồ), nhưng hiện nay độ ô nhiễm nguồn nước này là rất đáng kể. Trên địa bàn tỉnh đang có hàng chục nhà máy, xí nghiệp đổ trực tiếp chất thải công nghiệp ra sông, suối, gây ô nhiễm trầm trọng môi trường nước. Qua điều tra bước đầu về hiện trạng môi trường của 219 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thì có trên 40% đơn vị có nước thải trực tiếp ra môi trường. Ước tính mỗi năm có khoảng 27 triệu m3 nước thải công nghiệp đổ ra sông, suối. Gần đây, do tốc độ phát triển đô thị tăng nhanh nên lượng chất thải từ khu vực này cũng rất lớn. Ngoài những ảnh hưởng của chất thải công nghiệp đến nguồn nước mặt, tình trạng khai thác nước ngầm hiện cũng còn nhiều vấn đề cần bàn. Rất nhiều người dân lầm tưởng việc khoan, đào giếng lấy nước ngầm là sạch, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Nhất là mới đây, khi cơ quan chuyên môn phát hiện một số vùng bị nhiễm thạch tín (tỷ lệ thấp) trong nước giếng. Nước lấy từ giếng lên được coi là sạch khi đã qua bể lọc, lắng và qua khử khuẩn bằng dung dịch. Ngoài ra, giếng phải được đặt cách xa chuồng trại, nhà vệ sinh và những nơi ô nhiễm hàng chục mét.

 

Cũng khai thác nguồn nước tự chảy, nhưng với một công nghệ tiên tiến hơn, thời gian qua các công trình cấp nước theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Nước sạch và VSMT đã giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa trong tỉnh có nguồn nước đảm bảo vệ sinh. Nhất là từ khi 5 công trình khai thác nước ngầm thuộc Dự án JICA-Nhật Bản triển khai tại Thái Nguyên hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy vậy, có một thực tế đặt ra là, số kinh phí dùng cho chi phí bảo quản, sửa chữa công trình cấp nước nhiều năm qua chưa được thực hiện triệt để dẫn đến tình trạng xuống cấp các công trình. Điều này khiến bể chứa, bể lọc bị ô nhiễm do xác động, thực vật rơi xuống, tạo điều kiện phát triển cho các loại vi sinh vật gây bệnh.

 

Hiện nay, việc đảm bảo có một nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh phục vụ nhân dân đang là vấn đề cần được quan tâm. Cần phải có cái nhìn và hành động đúng đắn hơn về nước sinh hoạt và vệ sinh nguồn nước.